Quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội: Ai "bảo kê" cho các công trình lấn chiếm đất công tồn tại?
Pháp luật - Bạn đọc 08/06/2021 07:44
Từ tài liệu bạn đọc phản ánh, PV đã tìm xuống hiện trường, ghi nhận thực tế cho thấy những thông tin người dân cung cấp là có cơ sở. Mục sở thị tại Khu Bồ Quân Trong, PV phát hiện nhiều hộ dân, đã dùng chiêu thức: Lợi dụng một phần diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước cấp quyền sử dụng rồi tự ý xây dựng tràn lan nhà xưởng, ki - ốt lấn chiếm vào phần lớn diện tích đất công liền kề do UBND phường quản lý... Lạ thay phần lớn diện tích này đều nằm ở mặt đường lớn nơi rất có giá trị về mặt kinh tế.
Hai trong số nhiều công trình vi phạm lấn, chiếm đất công vẫn chưa bị xử lý |
Xung quanh vấn đề này UBND phường Đại Mỗ đã có động thái xin ý kiến cấp trên để hướng dẫn sau khi cả 13 trường hợp liên quan đều khẳng định thời điểm vi phạm như trong nội dung biên bản vi phạm hành chính do tổ công tác lập ngày 12/08 và ngày 13/08/2020 và xin cam kết về nội dung đã làm việc với UBND phường bằng tờ trình số 62, ngày 24/08/2020. Thế nhưng gần một năm đã trôi qua, hành vi lấn chiếm đất công vẫn chưa bị xử lý, các công trình xây dựng sai phạm vẫn ung tồn tại, khiến những nghi vấn của người dân về việc có ai đó đang "bảo kê" cho các sai phạm này?
Theo tài liệu bạn đọc cung cấp, có thể thấy, sự việc này đang tồn tại hai sai phạm song song, thứ nhất là các hộ dân nơi đây đang xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp. Thứ 2 là lấn, chiếm xây dựng trên phần đất công do Nhà nước quản lý. Và họ cho rằng chính quyền cần tham khảo Nghị định 91/2019/ NĐ – CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lấn, chiếm đất đai.
Nhiều ý kiến của người dân nơi đây cùng thống nhất và yêu cầu chính quyền cơ sở, các phòng, Ban chuyên môn thuộc quận Nam Từ Liêm,… cần vào cuộc xác định được các hành vi sai phạm ở mức độ nào thì tiến hành áp dụng các hình thức tương ứng để xử lý, buộc các hộ vi phạm khắc phục hậu quả, trả lại hiện trạng ban đầu như các Điều, Khoản dưới đây:
Tại Điều 3 Nghị định 91/2019/NĐ-CP có quy định để giải thích về hành vi lấn đất và chiếm đất như sau: “Lấn đất là việc người sử dụng đất chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích đất sử dụng mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép hoặc không được người sử dụng hợp pháp diện tích đất bị lấn đó cho phép”.
“Chiếm đất là việc sử dụng đất thuộc một trong các trường hợp sau đây:a) Tự ý sử dụng đất mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép;b) Tự ý sử dụng đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác mà không được tổ chức, cá nhân đó cho phép;c) Sử dụng đất được Nhà nước giao, cho thuê đất đã hết thời hạn sử dụng mà không được Nhà nước gia hạn sử dụng (trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp sử dụng đất nông nghiệp);d) Sử dụng đất trên thực địa mà chưa hoàn thành các thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật”.
Tương ứng các hành vi “Lấn”, “Chiếm” này thì tại Điều 14, Khoản 5 của Nghị định cũng nêu rõ các mức phạt tương ứng như sau: “Trường hợp lấn, chiếm đất chưa sử dụng, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp (trừ trường hợp quy định tại Khoản 6 Điều này) tại khu vực đô thị thì mức xử phạt bằng 02 lần mức xử phạt đối với loại đất tương ứng quy định tại các Khoản 1, 2, 3 và 4, Điều này và mức phạt tối đa không quá 500.000.000 đồng đối với cá nhân, không quá 1.000.000.000 đồng đối với tổ chức.
Tại điểm a, Khoản 7, Điều 14 cũng nêu về biện pháp khắc phục hậu quả: “Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với các hành vi vi phạm tại các Khoản 1, 2, 3, 4 và Khoản 5 của Điều này và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm; trừ trường hợp trường hợp quy định tại điểm b và c Khoản này.”
Để xác tín những thông tin dư luận trên địa bàn đang bức xúc, PV đã tới đặt lịch, tìm hiểu thông tin và truyền đạt lại nội dung bạn đọc là người cao tuổi quan tâm tới ông Công Phương Khoa, Chủ tịch UBND phường Đại Mỗ, thế nhưng nhiều ngày đã trôi qua PV vẫn chưa nhận được bất kỳ thông tin phản hồi nào từ phía chính quyền địa phương.
Trụ sở UBND phường Đại Mỗ |
Qua sự việc này mới thấy chính quyền các cấp quận Nam Từ Liêm đã và đang có dấu hiệu buông lỏng quản lý. Việc ra văn bản như chỉ để đối phó, có dấu hiệu đùn đẩy trách nhiệm xử phạt vi phạm. Thiết nghĩ tới đây lãnh đạo địa phương này cần vào cuộc nghiêm túc, xử lý triệt để vấn đề trên tinh thần thượng tôn pháp luật, tìm và xử lý đối tượng "bảo kê" (nếu có).