PNJ – lãi nghìn tỉ nhưng vẫn nợ lương, nợ thuế
Đầu tư - Tài chính 01/04/2021 07:56
Một hoạt động giao dịch tại PNJ. Ảnh minh họa |
Lãi 1.000 tỷ đồng nhưng nợ lương, nợ thuế, mang hết tài sản thế chấp ngân hàng
PNJ vừa công bố báo cáo tài chính công ty mẹ đã kiểm toán năm 2020 với doanh thu thuần hơn 18.000 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2019. Sau khi khi khấu trừ đi các chi phí, PNJ báo lãi ròng 1.032 tỷ đồng, giảm 11% so với năm 2019.
Lãnh đạo PNJ cho biết, việc giảm lợi nhuận sau thuế trong khi vẫn tăng trưởng doanh số do cơ cấu sản phẩm thay đổi khi nền kinh tế khó khăn, khách hàng chuyển sang mua các sản phẩm có giá trị vật chất cao hơn.
Bên cạnh đó, PNJ tăng dự trữ vốn lưu động để đảm bảo việc mua lại sản phẩm, gia tăng uy tín của công ty đối với khách hàng trong dài hạn. Tuy vậy, hiện hàng tồn kho của PNJ tương đối lớn. Tính đến cuối năm 2020, hàng tồn kho công ty lên hơn 5.500 tỷ đồng, chủ yếu là hàng hoá. Các mặt hàng xa xỉ này tuy không mất giá mạnh như sản phẩm khác nhưng trong chu kỳ tăng trưởng kinh tế như hiện nay thì sự tăng trưởng về giá rất thấp. Khi hàng tồn kho lớn sẽ trở thành gánh nặng chi phí vốn và có thể kéo tụt lợi nhuận của công ty.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất, giá trị hàng tồn kho hơn 2.000 tỷ đồng đang được PNJ thế chấp ngân hàng cho khoản vay ngắn hạn. Ngoài ra, công ty cũng đưa tài sản cố định hữu hình gần 48 tỷ đồng để thế chấp tại ngân hàng; giá trị quyền sử dụng đất 50 tỷ đồng cũng đang được thế chấp. Cũng theo báo cáo tài chính, nhiều lô đất tại TP Hồ Chí Minh của PNJ trị giá hơn 60 tỷ đồng đang thế chấp tại Ngân hàng Đông Á. Trong năm 2020, chi phí lãi vay ngân hàng của PNJ chiếm 15% lợi nhuận, khoảng 150 tỷ đồng.
Tính tại ngày 31/12/2020, PNJ có 4 công ty con đang nắm 100% sở hữu bao gồm: CTY TNHH MTV thời trang CAO có hoạt động chính là kinh doanh trang sức; CTY TNHH MTV Giám định PNJ, hoạt động trong lĩnh vực tư vấn và giám định vàng, bạc, đá quý; CTY TNHH MTV Chế tác và kinh doanh trang sức PNJ chuyên chế tác và kinh doanh trang sức và CTY TNHH MTV Kỷ nguyên khách hàng, hoạt động bán lẻ hàng hóa.
Cũng tại ngày 31/12/2020, PNJ có 56 chi nhánh cửa hàng trên cả nước với 4.609 nhân viên. Trong các khoản nợ của công ty, khoản phải trả người lao động, nhân viên còn tới 245 tỷ đồng. Được biết khoản này là tháng lương thứ 13 và khoản thưởng. Công ty cũng nợ một khoản thuế lớn chưa thanh toán.
Lãi 1.000 tỷ đồng nhưng PNJ lại nợ lương nhân viên |
Cổ đông phải chịu khoản lỗ hơn 300 tỷ đồng đầu tư vào Ngân hàng Đông Á?
Trong chiến lược phát triển dài hạn, PNJ cho biết tiếp tục đầu tư cho các hoạt động khác chẩn bị các nền tảng để phát triển bền vững cho tương lai. Chiếu theo báo cáo tài chính, lưu chuyển tiền từ hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính của PNJ đang âm 1.100 tỷ đồng.
Trong đó, công ty phải trích lập toàn bộ khoản đầu tư tại Ngân hàng Đông Á. Tại ngày 31/12/2020, Ngân hàng Đông Á vẫn nằm trong diện kiểm soát đặc biệt và nằm trong diện kiểm soát của ngân hàng Nhà nước nên cổ phiếu không được phép chuyển nhượng.
Trước đó, PNJ có khoản đầu tư vào DongABank với hơn 395 tỷ đồng, tương đương gần 38,5 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 7,7% vốn (tại thời điểm năm 1992, PNJ là một trong những cổ đông sáng lập của DongABank với tỷ lệ sở hữu 40% vốn). Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT PNJ, cũng từng là Chủ tịch HĐQT DongABank từ năm 1992 - 1997.
Mối quan hệ của DongABank và PNJ còn thể hiện ở các khoản vay và dùng khoản đầu tư cổ phiếu vào DongABank làm tài sản thế chấp cho nhiều khoản vay của PNJ. Vì có mối quan hệ là vợ chồng giữa bà Dung và ông Trần Phương Bình, lãnh đạo Ngân hàng Đông Á, nên việc ngân hàng này bị kiểm soát đặc biệt như một cái bóng ám ảnh tới cổ đông PNJ.
Được biết, trong vụ án DongABank, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an hồi đầu tháng 9/2018 đề nghị truy tố Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ Nhôm) cùng 25 bị can trong vụ án xảy ra tại ngân hàng này.
Vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á - DongABank (DAB). Bị can bị truy tố là ông Trần Phương Bình (59 tuổi), nguyên là tổng giám đốc, nguyên phó chủ tịch HĐQT DongABank… Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ Nhôm) là người có liên quan và bị truy tố về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.
Trong khi, bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT PNJ và là vợ bị cáo Trần Phương Bình là một trong những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đã từng phải có mặt tại tòa án xử ông Phương Bình.
“Còn tiếp”