Phong tục độc đáo của người Dao Thanh Y
Văn hóa - Thể thao 11/12/2019 11:30
Tết của người Dao Thanh Y bắt đầu từ ngày 20 tháng Chạp, các gia đình trưởng tộc tổ chức ăn Tết đầu tiên, sau đó mới đến các nhà thứ. Trong khoảng thời gian này, đồng bào khá bận rộn chuẩn bị cho ngày Tết nhiều thứ như gạo, thịt, củi đóm… vệ sinh, trang trí nhà cửa, may vá... Đặc biệt là sắm quần áo mới để diện trong nghi lễ, đón Xuân và du Xuân.
Người Dao Thanh Y quan niệm, Tết là sự khởi đầu, mừng cho một năm mới với nhiều may mắn, hạnh phúc và cũng là dịp để con cháu sum họp. Với ý nghĩa, tiễn năm cũ đón chào năm mới với nhiều điều ước sẽ đến, những ngày này người Dao Thanh Y dù đi làm ăn xa hay con gái lấy chồng đều trở về quê hương để đón Tết. Đây cũng là dịp để ông bà, tổ tiên về ăn Tết gặp mặt người thân trong gia đình…
Con cháu đang chuẩn bị lễ vật cúng tổ tiên |
Một ngày cuối năm, khi những màn sương còn ôm ấp chưa chịu rời những dãy núi cao, những giọt sương đêm còn đùa giỡn trên nhành đào là thời điểm thôn Khe Sú bắt đầu sáng. Vượt quãng đường hơn 30 cây số từ TP Uông Bí, chúng tôi về nhà ông Trương Đức Sơn khi gia đình đang chuẩn bị đón Tết.
Ông bảo: Người Dao có lẽ là dân tộc đón Tết sớm nhất trong các dân tộc ở Việt Nam. Trước Tết, trưởng tộc sẽ đến báo các anh em trong họ đến nhà giúp để việc đón Tết cúng tổ tiên. Đồng thời nhắc nhở con cháu không được vào rừng chặt cây hay săn thú vì đó là điều kị nhất ngày Tết. Đơn giản vậy thôi nhưng với người Dao Thanh Y thì đó là 1 ngày lễ quan trọng để con cháu nhớ ơn ông bà, tổ tiên và thần linh núi rừng.
Tết của người Dao Thanh Y không thể thiếu mâm cỗ tổ tiên được chuẩn bị nhờ đôi tay khéo léo của những người phụ nữ. Từ những nông phẩm gần gũi, thân thuộc như gà, lợn, ốc, gạo nếp và gạo tẻ… được chế biến thành mâm cỗ cúng giản dị mà ý nghĩa. Mâm cỗ nhất thiết phải có 3 con gà luộc để nguyên không chặt, 1 xâu gan lợn, 2 xâu thịt lợn luộc, 1 bát ốc khe và 1 bát rượu. Gia đình khá giả có thể chuẩn bị thêm cá nướng. Hai thứ bánh quen thuộc của người Dao trong ngày Tết này là bánh chưng gù và bánh tẻ. Người Dao Thanh Y rất coi trọng nghĩa, nên mâm cỗ thường có thêm bát ốc khe luộc với quan niệm, khi chủ nhà có cái ăn, thì đầy tớ cũng được phần và phần bát ốc khe dành cho đầy tớ, người giúp việc. Bên mâm cỗ cúng còn có khay đựng tiền giấy tượng trưng cho thỏi vàng, thỏi bạc để cúng cho phúc lộc đủ đầy, gia chủ thịnh vượng.
Lễ cúng tổ tiên thường cử hành vào khoảng 10 đến 11 giờ trưa. Hầu hết đều mời các thầy Cả (thầy Tào - người được cấp sắc) đến cúng Tết cho gia chủ. Vì đối với họ, thầy Cả được đào tạo và có phép siêu nhiên để giao tiếp với tổ tiên của gia chủ. Các thầy có thể “tâm tình, thủ thỉ” những điều mà con cháu cần cầu xin và ngược lại tổ tiên có thể yêu cầu gia chủ điều gì đó từ con cháu. Trước giờ làm lễ, chủ của gia đình sẽ ghi tên tuổi các cụ từ 3 đời của nhà mình để thầy Cả ghi ra giấy và sẽ thỉnh tổ tiên về chứng giám lễ. Đến giờ làm lễ, thầy Cả dùng kiếm và hương, tiền âm dương xin lệnh của tổ tiên về chứng giám lễ của con cháu và cầu mong tổ tiên về phù hộ cho con cháu mạnh khỏe, làm ăn phát đạt, xua đuổi thói hư tật xấu, nghênh đón điều vui vẻ, hạnh phúc.
Trong khi làm lễ, gia chủ có mặt ở gần thầy Cả, chịu sự sai bảo, hay yêu cầu nào đó của thầy. Chủ nhà sẽ rót những lớp rượu đầu tiên để dâng lên tổ tiên. Khi buổi lễ kết thúc, thầy Cả sẽ nhặt mỗi thứ lễ vật trên mâm cỗ cho vào bát và đọc lệnh, đưa lên trán và lòng bàn tay của chủ nhà và lần lượt các thành viên trong gia đình để tỏ lòng thành kính biết ơn tổ tiên. Đồng thời gia chủ sẽ đón nhận và lễ lại thầy Cả như sự cảm ơn.
Người Dao Thanh Y cũng giống như quan niệm của người Kinh, trong ngày đầu năm, người xông nhà có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi gia đình vì người ấy sẽ mang đến những điều tốt đẹp, may mắn cho gia đình trong suốt cả năm.
Mùa Xuân lại về trên những bản làng của người Dao Thanh Y trong tiếng cười nói rộn rã của các chàng trai, cô gái. Các bà các mẹ xúng xính trong những bộ váy áo truyền thống xuống hội làng, hòa mình cùng các trò chơi dân gian đặc sắc như kéo co, đánh đu, hay các làn điệu hát Páo Dung mượt mà, trữ tình mùa Xuân.