Không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để các phong trào thi đua lan tỏa trong đời sống

Tuổi cao gương sáng 08/04/2025 10:01
Vào một ngày đầu tháng 3/2025, chúng tôi tìm đến nhà cụ Trần Văn Cao, ở xóm Đường, xã Đại Yên. Cụ Cao ra ngõ đón chúng tôi vào nhà. Tuy đã bước sang tuổi 90 nhưng cụ rất khỏe khoắn, tinh thần minh mẫn. Cụ cho biết, hằng ngày cụ vẫn lên xuống tầng 3, nơi trưng bày 800 bức ảnh về cuộc đời Bác Hồ vài lần, kể cả khi có khách đến hay không. Với cụ, cứ nhìn vào ảnh Bác là thấy “lòng ta trong sáng hơn”, nên suốt hơn 60 năm qua chưa có ngày nào cụ không nghĩ về Bác Hồ.
Rảo bước nhẹ nhàng trong phòng lưu niệm, cụ Cao cho biết, năm 1963, cụ được gặp Bác Hồ tại Thái Nguyên, đó là lần duy nhất cụ được gặp Bác bằng xương bằng thịt. “Trước đấy, tôi nghe nhiều người kể chuyện, trông Bác như một ông tiên, hiền lành, đức độ. Khi gặp trực tiếp Bác, tôi vô cùng xúc động. Là nguyên thủ quốc gia nhưng Bác rất gần gũi, tình cảm, dặn dò từng thanh niên. Bác nói: Nhân dân ta cùng nhau phấn đấu gian khổ bao nhiêu năm mới đánh đuổi được thực dân Pháp, các cháu là thanh niên phải lao động, học tập giỏi, sản xuất, chiến đấu và bảo vệ đất nước”.
![]() |
Cụ Trần Văn Cao còn lập bàn thờ Bác Hồ đặt trong Phòng lưu niệm. |
Vâng lời Bác dặn, cụ ra sức lao động và làm thật tốt các nhiệm vụ được giao. Sau một thời gian công tác trong ngành thủy lợi cụ được đưa sang Lào để hỗ trợ nước bạn trong 7 năm. Dù ở đâu, làm việc gì, trong lòng cụ đều hướng về Bác, kể những câu chuyện về Bác Hồ cho những người chưa từng được gặp Bác.
Năm 1968, cụ Cao là một trong những Chiến sĩ thi đua toàn quốc và được Nhà nước tặng 21 tấm ảnh Bác Hồ. Nhận ảnh, đôi mắt cụ rưng rức lệ và ôm chặt những bức ảnh Bác vào lòng. “Tôi coi 21 bức ảnh Bác Hồ là món quà tinh thần vô giá của cuộc đời mình, đi đâu tôi cũng mang theo và gần như ngày nào cũng bỏ ra ngắm Bác. Sau này khi về hưu, tôi mới có điều kiện đóng khung và treo lên tường nhà. Tôi để chiếc gương to dưới 21 tấm ảnh để ai vào soi gương cũng nhìn thấy ảnh Bác Hồ trước và soi lại bản thân mình”, cụ Cao cho biết.
![]() |
Năm 2023, cụ Trần Văn Cao được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. |
Đứng trước bàn thờ Bác Hồ trong Phòng lưu niệm của cụ Cao, tôi kính cẩn nghiêng mình dâng lên Bác nén hương thơm. Cụ Cao cho biết, cụ ấp ủ mở Phòng lưu niệm ngay sau khi được gặp Bác. Năm 1987, cụ nghỉ hưu và bắt đầu hành trình đi khắp nơi sưu tầm ảnh Bác Hồ. Cụ đã về quê Bác ở Nghệ An, lên Cao Bằng, Tuyên Quang,… để sưu tầm ảnh Bác, trong đó có những bức ảnh quý giá cụ phải thuyết phục chủ nhân nhiều lần mới xin được. Bao chuyến đi tốn nhiều chi phí hay hao tổn sức khỏe, song cụ chưa bao giờ thấy mỏi mệt mà luôn hạnh phúc với tình yêu mãnh liệt với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.
Tháng 3/2023, cụ Cao dùng 40 triệu đồng tiền tiết kiệm mở Phòng lưu niệm Bác Hồ ngay trên tầng 3 nhà mình. Cụ sắp xếp, bố trí gần 800 bức ảnh theo trình tự thời gian, với 10 chủ đề từ khi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước năm 1911 tại Bến Nhà Rồng đến lúc Người đi xa năm 1969. Cụ chia sẻ: “Sau khi dùng hết số tiền tiết kiệm, tôi thấy vẫn chưa đủ không gian trưng bày nên đi cầm sổ hưu vay thêm ngân hàng để mở rộng. Tôi cũng bày biện bàn ghế, tivi, bình nước… để tiếp đón khách đến tham quan. Với tôi đây là tâm nguyện lớn nhất cuộc đời mình, cố gắng làm cho được trước lúc còn có thể”.
![]() |
Phòng lưu niệm Bác Hồ với 800 bức ảnh được cụ Trần Văn Cao. |
Đặc biệt, cụ Cao còn sáng tác bài sử ca dài 1.456 câu thơ lục bát, kể về cuộc đời Bác Hồ. Không phải nhà thơ chuyên nghiệp, song những câu thơ của cụ chất chứa biết bao cảm xúc mà khi nghe đến đâu người nghe dâng trào xúc cảm đến đó. “Mỗi ngày tôi viết ra mấy câu, có khi đang đi cấy ngoài đồng nghĩ ra mấy câu thơ Bác Hồ gắn liền với nông dân tôi liền chạy về nhà và ghi ra giấy. Trong suốt 10 năm tôi đã hoàn thành xong bài sử ca. Thế giới trên Trái Đất này/Ai dám đánh Mỹ bao ngày mới xong/Bác bảo con cháu một lòng/Điện Biên Pháp mạnh đừng hòng thắng ta/Nước Mỹ hùng mạnh nhưng xấu xa/Việt Nam có Bác, Mỹ là phải thua/Mắt thánh che bằng vải thưa/Mỹ quân ăn cướp Mỹ thua còn gì”, cụ Cao đọc thơ.
Trong 800 bức ảnh Bác, có những bức ảnh cụ rất day dứt và xúc động mỗi khi nhìn vào. Đó là những bức ảnh Bác Hồ đau đáu với miền Nam. Nhân dân miền Nam chưa được giải phóng Bác còn đau trong lòng.
Ông Trần Văn Kiên, con cụ Cao tâm sự: “Tôi rất tự hào khi bố tôi mở được Phòng lưu niệm Bác Hồ và có nhiều người tìm đến tham quan, nghe kể chuyện Bác. Mở phòng lưu niệm là tâm nguyện của bố tôi nên sau này con cháu sẽ cố gắng thay bố lưu giữ lại căn phòng này”.
Cụ Cao cho biết, ngày ra mắt Phòng lưu niệm Bác Hồ, tham dự có đại diện Đảng ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, Hội NCT trong xã và những người bạn cao niên. Đến nay, cụ đã đón gần 100 đoàn khách đến tham quan tại Phòng lưu niệm, chủ yếu là các đoàn học sinh, NCT, cựu chiến binh…“Bất kì đoàn nào đến tôi đều tiếp đón ân tình và thuyết minh về cuộc đời của Bác Hồ. Các đoàn đều ghi lại cảm xúc trong quyển sổ nhật kí của tôi. Còn những khách lẻ hoặc đoàn không báo trước thì không kể hết. Tôi hạnh phúc vô cùng khi mỗi ngày được kể chuyện Bác Hồ cùng với những bức ảnh chân thực và sinh động”, cụ Cao cho biết.
Em Trần Văn Hoàng, học sinh Trường Tiểu học Đại Yên cho biết: “Cô giáo em đã giới thiệu Phòng lưu niệm Bác Hồ của cụ Cao, nên chúng em tìm đến nhà cụ để tìm hiểu sâu hơn về cuộc đời Bác Hồ. Cụ rất nhiệt tình kể chuyện cho chúng em, giúp chúng em dễ hiểu hơn lịch sử cách mạng nước ta cũng như về Bác Hồ”.
Ông Nguyễn Trung Phồn, hội viên Hội NCT xã Đại Yên cho biết: “Cùng là NCT, trải qua thời kì giống ông Cao, nhưng có nhiều tấm ảnh Bác Hồ chúng tôi lần đầu tiên được nhìn thấy. Vì vậy nhiều NCT ở địa phương thường đến tham quan, tìm hiểu sâu hơn về Bác. Từ đó, chúng tôi thường xuyên giới thiệu với con cháu địa chỉ đỏ này để tìm đến học tập và tìm hiểu về cuộc đời Bác Hồ”.