Nối… Tour!
Trong mắt người già 03/08/2024 16:25
Nằm bên dòng sông Đuống, làng Lại Đà (xã Đông Hội, huyện Đông Anh) xuất hiện cùng thời với kinh thành Cổ Loa. Dù trải qua nhiều thăng trầm của thời gian, làng vẫn còn lưu giữ được nhiều nét xưa với những công trình mang đậm văn hoá đồng bằng Bắc Bộ. Đặc biệt, Lại Đà còn bảo tồn nguyên vẹn không gian văn hóa gồm đình, đền, chùa, miếu trang nghiêm, cổ kính. Nổi bật nhất là đình thờ Nguyễn Hiền, trạng nguyên đầu tiên dưới triều Trần (1247); miếu thờ thánh Mẫu Tiên Dung và ngôi chùa Cảnh Phúc có từ thời Hậu Lê.
Đình Lại Đà được xây dựng khoảng năm 1276. Ngôi đình hiện nay được dựng vào năm 1853, toạ lạc trên một khoảng đất phong quang, thế hổ phục.
Khu di tích đình, chùa, miếu Lại Đà |
Trước cửa đình có hai ao tròn gọi là mặt hổ, giữa có hòn đá là lưỡi hổ, phía sau đình là mình hổ và tiếp là đuôi hổ. Cửa đình theo hướng Nam nhìn ra dòng sông Đuống. Đại đình gồm 5 gian, các vì gỗ chạm khắc mang phong cách Hậu Lê (thế kỉ XVIII). Đình còn lưu giữ 20 đạo sắc phong dưới các triều đại phong kiến Việt Nam.
Cụm di tích đình - chùa - miếu Lại Đà nằm trong khu đất rộng, với các công trình kiến trúc di sản hoà trong cảnh quan cây xanh, hồ nước phong thuỷ hữu tình. Trong sân khu di tích là cây bồ đề hơn 300 năm che bóng mát cho khách tham quan. Sau nhiều lần trùng tu, xây dựng, các di tích hiện nay rất quy mô, bề thế và đều đã xếp hạng Di tích Quốc gia, Di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia từ năm 1989.
Cạnh không gian văn hoá Lại Đà còn có đình, đền Hội Phụ (xã Đông Hội) nằm cận kề với làng Tiên Hội, vùng đất gắn với truyền thuyết vua An Dương Vương xây thành Cổ Loa. Vùng đất tổng Cói với nhiều sự kiện và nhân vật gắn với cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đầu Công nguyên.
Đình Hội Phụ thờ Việt vương Triệu Quang Phục, người có công lớn trong việc giúp Lý Nam Đế đánh đuổi quân nhà Lương. Ngôi đình này còn bảo lưu một số lượng di vật quý có giá trị về nhiều mặt như sắc phong thần, ngai thờ, bài vị, kiệu rước cùng nhiều đồ thờ khác có niên đại xưa cũ. Đình và Đền Hội Phụ được xếp hạng Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật Quốc gia năm 1996.
Tôi có một buổi trải nghiệm với những ấn tượng đẹp về cảnh quan, con người hiền lành, mến khách nơi đây. Tuy nhiên, để quê hương của Tổng Bí thư thành điểm du lịch hấp dẫn, mong Hà Nội đầu tư, mở rộng cầu, đường vào Lại Đà; đầu tư thêm các cơ sở lưu trú, đồ lưu niệm, sản vật bản địa, cơ sở ẩm thực... Nếu được như thế, tin chắc du khách sẽ tìm đến Lại Đà nhiều hơn không chỉ bởi danh thơm của vị Tổng Bí thư trọn đời vì dân, vì nước mà còn ở điểm đến giàu truyền thống văn hoá của miền quê “địa linh-nhân kiệt”