Những đổi thay ở thung lũng A Roàng
Nhịp sống 16/09/2024 09:41
Vùng cao vẫy gọi
Trở lại A Roàng hôm nay, nhiều người không tin vào mắt mình vì những đổi thay đáng kể. Xe ôtô chạy vào tận nhiều thôn làng. Đêm đến, đèn điện sáng trưng khắp các thôn buôn, dân cư đông đúc, các trường học, bệnh xá, khách sạn đã mọc lên. Những con đường phẳng phiu dưới bóng núi ngút xanh là niềm vui của cư dân, góp phần xóa nỗi khổ cực của cuộc sống giữa rừng núi miền biên viễn. Khởi đầu chỉ với một mình Viên Đăng Phú, ở thôn A Ka 1, xã A Roàng làm du lịch, bây giờ đã có thêm làng du lịch cộng đồng A Roàng.
Trên thung lũng này, việc phát triển du lịch cộng đồng đã đem lại hiệu quả ngoài mong đợi. Chẳng ai nghĩ chỉ chục năm thôi với khởi đầu không có gì, A Roàng bây giờ đã là điểm đến đầy sức hút. Người Tà Ôi đã học tập có chọn lọc các mô hình làm du lịch ở nhiều nơi và mang về áp dụng ở A Roàng đã phát huy hiệu quả. Ngoài nền văn hóa sẵn có, với tài nguyên thiên nhiên độc đáo, nhưng điều làm thay đổi rõ rệt nhất chính là ý thức tự vươn lên của mỗi người Tà Ôi nơi đây. Những Viên Đăng Phú, Blúp Tấn Đép, hay Zơ Râm Thị Tiên là những người tiên phong, nổi bật làm sống dậy sức sống Tà Ôi từ du lịch. Chỉ vài năm thôi đã thấy sự thay đổi tích cực khác với trước đây, mô hình làm du lịch cộng đồng ở A Roàng ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại, ăn ở của du khách.
Một homestay của đồng bào Tà Ôi tại A Roàng. |
Năm 2013, chỉ một vài homestay nhỏ lẻ được xây dựng, đến năm 2018, những căn nhà to được xây dựng thêm với sức chứa có thể từ 40 - 50 khách mỗi đêm, đã giúp khách lưu trú có nơi nghỉ tốt hơn. Rồi trong những năm 2022, 2023, nhiều người dân A Roàng được đi tham quan, tập huấn ở nhiều điểm du lịch khác nhau. Bây giờ, A Roàng có thể đón hàng trăm người mỗi ngày tham quan và lưu trú.
Việc thu hút khách và những trải nghiệm thú vị một đêm cùng bản làng nơi đây lại càng hấp dẫn. Trong đêm giao lưu, những người làm du lịch ở A Roàng tổ chức hát những làn điệu truyền thống của dân tộc Tà Ôi, tái hiện lại cuộc sống trước đây của họ. Những làn điệu Cha Chấp, Klới, Ba Boóch, tiếng khèn, tiếng chiêng, điệu múa, câu hát của đồng bào Tà Ôi không chỉ góp phần gìn giữ văn hoá truyền thống của dân tộc mà còn khiến du khách mê mẩn. Cùng với đó, những món ăn của cộng đồng Tà Ôi ở A Roàng mang hương vị đậm đà và độc đáo, tạo nên nét riêng biệt và hấp dẫn. Từng món ăn không chỉ thơm ngon mà còn chứa đựng văn hóa và phong cách của người Tà Ôi, mang đến cho du khách những trải nghiệm khó quên.
Niềm mong ước của đồng bào Tà Ôi
Đêm A Roàng bập bùng ánh lửa, những đoàn du khách từ các homestay, từ nhà lưu trú cộng đồng đổ về khu vực trung tâm A Roàng, nơi ngút ngát mùi thơm của ẩm thực Tà Ôi, nơi chuếnh choáng men rượu cần, rượu đoak; nơi miên man những vũ điệu trong tiếng trống tiếng chiêng rộn rã. Ở đó có những câu chuyện về làng A Roàng, những ca khúc dân gian được hát, và những món ăn truyền thống được chia sẻ. Mọi người hòa mình vào các hoạt động của cộng đồng quanh ngọn lửa của đêm Trường Sơn huyền ảo.
Rừng Trường Sơn đã dựng lên những ngôi làng nuôi sống người Tà Ôi từ thuở trước cho đến tận bây giờ. Với người Tà Ôi, rừng như người mẹ, người cha lớn ôm ấp, chở che cho bao thế hệ đồng bào cái ăn, cái mặc. Giờ đây, người Tà Ôi nơi này đã đưa khách du lịch đến quê mình, nhờ sự hấp dẫn của thiên nhiên hoang dã và chính văn hóa độc đáo.
A Roàng hiện nay đã chuyên nghiệp trong việc làm du lịch, khi họ được tiếp cận với cách làm du lịch mới, từ cách trang trí, phục vụ nơi ăn chốn nghỉ. Nhưng ở đó vẫn là sự mộc mạc giản dị, vẫn là sự nhiệt thành rộng mở, vẫn là sự nồng nàn đắm đuối của đất và người Tà Ôi.
Du khách thích thú khám phá rừng nguyên sinh A Roàng. |
Bà Hồ Thị Thương, ở Làng du lịch cộng đồng thôn A Ka 1 giới thiệu, ngoài chế biến các món ăn, thức uống mang đậm chất vùng cao, như thịt khô gác bếp, rượu cần, bánh A Quát, A Chót và cơm lam để phục vụ du khách, người dân trong thôn còn trình diễn các làn điệu dân ca, dân vũ mang âm hưởng núi rừng Trường Sơn. Bên cạnh đó, du khách sẽ được trải nghiệm loại hình du lịch homestay trong những ngôi nhà sàn được xây dựng theo kiến trúc truyền thống của đồng bào. Cùng với đó, các loại hình kinh doanh dịch vụ khá đa dạng, phong phú như du lịch trải nghiệm, mua bán các sản phẩm truyền thống, đặc sản địa phương. Các dịch vụ giải trí, như chương trình một ngày làm người Tà Ôi, cùng khai thác rượu đoác, học đan chiếu, dệt zèng,... hấp dẫn nhiều du khách.
Người Tà Ôi ở A Roàng nhờ du lịch giờ đã biết làm ăn, xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, dần dần thoát khỏi cuộc sống thiếu thốn. Với những trải nghiệm độc đáo, mới lạ, điểm du lịch cộng đồng A Roàng cũng đã được độc giả đề cử vào “Top 9 hoạt động - dịch vụ trải nghiệm ấn tượng” trong khuôn khổ chương trình “Top 9 sản phẩm du lịch ấn tượng Huế”, do Sở Du lịch Thừa Thiên Huế tổ chức.
Ông Hồ A Lua, Chủ tịch UBND xã A Roàng khấp khởi khoe những kế hoạch để tập trung khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế nguồn tài nguyên du lịch sẵn có của xã theo hướng bền vững, hiệu quả, gắn với lợi ích cộng đồng dân cư tại các điểm du lịch. Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng gắn với giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững. Phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, sự chỉ đạo quản lí thống nhất từ xã đến thôn, tập trung cho phát triển du lịch một cách đồng bộ, khoa học.
Có cơ chế, chính sách để phát huy nội lực, khai thác ngoại lực, vận động Nhân dân và các nhà đầu tư, các doanh nghiệp cùng làm du lịch, đẩy mạnh xã hội hóa phát triển các loại hình du lịch; như du lịch sinh thái, du lịch di tích lịch sử, du lịch văn hóa cộng đồng, cảnh quan nguyên sơ, làng nghề thủ công truyền thống… Nhờ thế, người Tà Ôi ở A Roàng đã triển khai rất tốt mô hình du lịch cộng đồng, làm vừa lòng du khách gần xa. Ông Hồ A Lua cho biết, trong năm 2024, xã sẽ ưu tiên bảo tồn, giữ gìn và phát huy các di sản mang đặc trưng tiêu biểu của địa phương, tạo nên bản sắc văn hóa đặc trưng của thung lũng A Roàng. Phấn đấu 2 cơ sở lưu trú du lịch đạt chuẩn, tạo ra 60 - 80 việc làm, doanh thu khoảng 200 triệu đồng/năm từ du lịch. Tận dụng hiệu quả sự hỗ trợ của Nhà nước với các chính sách, các Chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình xóa đói giảm nghèo bền vững, để bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc trong xã.