Nỗi niềm của những "Bông hồng vàng”
Xã hội 25/10/2024 09:08
Doanh nhân góp phần đưa kinh tế hội nhập thế giới
Kỉ niệm 20 năm ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 - 13/10/2024),Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt những doanh nhân tiêu biểu, đánh giá cao sự đóng góp to lớn của họ có công đưa nền kinh tế Việt Nam hội nhập quốc tế, góp phần nâng cao vị thế tầm vóc đất nước… Thủ tướng đưa ra những con số ấn tượng về sự phát triển của Doanh nhân Việt Nam: Số doanh nghiệp thành lập mới trong vòng 20 năm (2004 - 2023) đạt hơn 1,88 triệu doanh nghiệp. Mật độ doanh nghiệp đang hoạt động tăng khoảng 8,4 lần, từ 1,1 doanh nghiệp/1.000 dân (năm 2004) lên 9,2 doanh nghiệp/1.000 dân (năm 2023).
Không chỉ tri ân, vinh danh các doanh nghiệp, doanh nhân có nhiều đóng góp vào công cuộc đổi mới và phát triển đất nước, Thủ tướng còn lắng nghe mọi chia sẻ, kiến nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhằm kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, nhất là xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.
Một phần thưởng dành cho các nữ Doanh nhân Việt Nam là ngày 8/3 hằng năm, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức lễ trao tặng danh hiệu “Nữ doanh nhân Việt Nam tiêu biểu - Cúp Bông Hồng Vàng”, nhằm tôn vinh các nữ doanh nhân không ngừng nỗ lực, chủ động, tự tin tìm giải pháp, thích ứng và vượt qua khó khăn, thử thách đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước... Một số nữ doanh nhân tiêu biểu xuất sắc còn được nhận những giải thưởng danh giá trong khu vực và thế giới.
Nỗi niềm của nữ doanh nhân...
Để đạt được cúp Bông Hồng Vàng và những giải thưởng danh giá ấy, các nữ doanh nhân Việt Nam không phải lúc nào cũng bước trên thảm đỏ. Bởi có những lúc họ phải dồn nén, vượt qua đời sống riêng tư, đôi khi phải trả giá bằng hạnh phúc cá nhân, để làm nên sự nghiệp.
Thương trường như chiến trường, không có thiên vị cho phái yếu. Các nữ doanh nhân phải trở thành những người mạnh mẽ, chèo lái doanh nghiệp của mình chống chịu với những biến cố, sự bất ổn trên thị trường tài chính, tiền tệ, môi trường kinh doanh, sức khỏe doanh nghiệp trước thảm hoạ của thiên tai, dịch bệnh trên thế giới tác động vào nước ta…
Trong khi doanh nghiệp đang gồng mình vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, sau đại dịch Covid-19 để phát triển, thì thay vì khích lệ, động viên, một số phóng viên nhận được đơn, thư phản ánh do mâu thuẫn nội bộ, đưa thông tin chưa được kiểm chứng, một chiều, thông tin bí mật về đời tư của doanh nhân, để “câu like, câu view” như cơn gió độc lùa vào doanh nghiệp. Có nhà báo bất chấp cả những quy định bảo mật về tài chính, quan hệ giao dịch ngân hàng, chiến lược phát triển của doanh nghiệp… để đưa tin không đúng tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí.
Những thông tin ấy có sức lan toả, ảnh hưởng xấu, thậm chí đẩy doanh nghiệp vào thế bất lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân, ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp trong môi trường kinh doanh. Một doanh nhân kinh doanh BĐS chia sẻ: Do mâu thuẫn nội bộ, cổ đông của doanh nghiệp gửi tới phóng viên những thông tin một chiều, bóp méo sự thật sử dụng đăng báo. Phóng viên không đến làm việc với lãnh đạo doanh nghiệp để có thông tin khách quan, dẫn đến bài viết hướng dư luận sai lệch. Doanh nghiệp phải gửi đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng. Tòa soạn phải đăng bài cải chính theo quy định của Luật Báo chí năm 2016 về: “Phản hồi thông tin”. Một nữ doanh nhân khác bức xúc, khi hình ảnh của chị và những thông tin về tài chính, quan hệ ngân hàng tín dụng, những dự án phát triển chiến lược của doanh nghiệp, thuộc lĩnh vực được bảo mật, bị cơ quan báo chí tự ý đưa thông tin một chiều, gây tổn thương tinh thần lãnh đạo và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Các nữ doanh nhân mong muốn trong thời đại bùng nổ thông tin, các nhà báo hãy thực hiện đúng các quy định của pháp luật, đưa thông tin trung thực, chính xác, khách quan, đừng tuỳ tiện đăng tải thông tin sai lệch, một chiều để “câu like, câu view”, hoặc là những bài viết theo đặt hàng của các doanh nghiệp khác mâu thuẫn trong cạnh tranh với nhau, tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh.
Những năm gần đây, cơ quan quản lí báo chí đã xử phạt hành chính nhiều tòa soạn đăng tin, bài không đúng tôn chỉ mục đích. Những hậu quả của các bài báo đó đã gây ảnh hưởng lớn tới uy tín doanh nghiệp, đẩy doanh nghiệp vào môi trường cạnh tranh không lành mạnh, có trường hợp đứng bên bờ vực phá sản…
Mới đây, vụ TS Đồng Xuân Thụ, Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam cùng 7 người bị khởi tố hình sự để điều tra về tội “Cưỡng đoạt tài sản”, cho thấy sự xuống cấp về đạo đức của một số người cầm bút, họ đã lấy ngòi bút và phương tiện truyền thông phục vụ cho những ý đồ xấu, tấn công vào doanh nghiệp để trục lợi. Hành vi của họ đã xâm phạm tới quyền và lợi ích chính đáng, ngáng trở sự hoạt động phát triển của doanh nghiệp.