Những việc nên và không nên làm khi có dấu hiệu đột qụy não
Y tế 30/12/2020 13:12
Theo PGS.TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai, đột quỵ não có thể đe dọa đến tính mạng và dẫn đến tàn tật vĩnh viễn nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời. Vì vậy, PGS.TS Mai Duy Tôn khuyến cáo, điều tối quan trọng khi phát hiện người thân có dấu hiệu đột quỵ là cần hành động nhanh để kịp đến viện trong giờ vàng.
Đột quỵ não không điều trị kịp thời có thể đe dọa đến tính mạng và dẫn đến tàn tật vĩnh viễn (Ảnh minh họa) |
Những việc cần làm ngay khi bị đột quỵ não
Lập tức gọi xe cứu thương
Đây là việc nên làm khi người thân có dấu hiệu đột quỵ. Gọi xe cứu thương sẽ giúp đưa bệnh nhân đến những nơi có thể thực hiện kỹ thuật cấp cứu bệnh nhân đột quỵ chuẩn nhất và nhanh nhất. Hơn nữa nhân viên y tế của 115 cũng được trang bị kiến thức y tế để xử lý các tình huống khẩn cấp khác nhau, họ có thể hỗ trợ cứu sống bệnh nhân trên đường đến bệnh viện và có khả năng làm giảm các tác động của đột quỵ não.
Theo dõi các triệu chứng và hỏi chuyện người bệnh
Trong lúc đợi xe cứu thương nên hỏi người bệnh càng nhiều thông tin càng tốt. Có thể hỏi về tất cả các loại thuốc mà người bệnh đang dùng, tình trạng sức khỏe, dị ứng… Đồng thời, ghi lại tất cả các triệu chứng bao gồm: thời điểm đột quỵ, tiền sử bệnh tật của người bệnh như tăng huyết áp, bệnh tim, ngừng thở khi ngủ, tiểu đường… Đây là những thông tin rất hữu ích khi bác sĩ khai thác bệnh sử.
Khuyến khích người bệnh nằm xuống
Hãy khuyến khích người bệnh nằm nghiêng với tư thế đầu cao. Tư thế này giúp tăng cường lưu lượng máu đến não. Ngoài ra, nên nới lỏng quần áo để giúp người bệnh thoải mái. Trường hợp người bệnh bị ngã, theo lời khuyên của bác sĩ đừng cố di chuyển họ.
Thực hiện hồi sinh tim phổi (CPR)
Kỹ thuật hồi sinh tim phổi |
Một số người bệnh có thể bất tỉnh trong cơn đột quỵ não. Nếu điều này xảy, hãy đánh giá tình trạng hô hấp xem họ có còn thở không. Nếu không thể bắt được mạch, hãy bắt đầu thực hiện hồi sinh tim phổi.
Những việc không nên làm
Bên cạnh những việc cần làm ngay, PGS.TS Mai Duy Tôn cũng khuyến cáo những việc không nên làm đối với bệnh nhân đột quỵ não, cụ thể:
Không cho người bệnh uống thuốc
Đây là việc cần lưu ý. Mặc dù, aspirin là chất làm loãng máu, tuy nhiên không được cho người bệnh uống aspirin hay bất kỳ một loại thuốc nào khác. Cục máu đông chỉ là một trong vô số nguyên nhân dẫn đến đột quỵ não. Bởi, đột quỵ não cũng có thể do một mạch máu vỡ trong não gây ra.
Do đó, khi không biết người thân bị mắc loại đột quỵ nào thì tuyệt đối không cho họ uống bất kỳ loại thuốc gì.
Không cho bệnh nhân ăn hoặc uống bất cứ thứ gì
Cần tránh cho bệnh nhân đột quỵ não ăn uống. Bởi, bệnh nhân đột quỵ não thường không tỉnh táo và có thể có rối loạn nuốt. Do đó, cho người bệnh ăn hoặc uống có thể dẫn đến tình trạng nghẹn, gây sặc dẫn đến suy hô hấp và hệ quả là viêm phổi.
Không để người bệnh tự đi xe đến bệnh viện
Các triệu chứng đột quỵ não rất khó để nhận biết ngay từ đầu. Người bệnh có thể nhận ra có gì đó không ổn, nhưng không nghi ngờ đột quỵ não. Nếu phán đoán người bệnh đang bị đột quỵ não thì tuyệt đối không để người bệnh tự đi xe đến viện mà hãy gọi 115 và chờ sự giúp đỡ.
Theo PGS.TS Mai Duy Tôn, thời gian vàng trong đột quỵ thiếu máu não là 270 phút nếu sử dụng thuốc tiêu huyết khối làm tan cục máu đông, hoặc trong 6-8 giờ nếu lấy huyết khối cơ học trong trường hợp tắc động mạch lớn trong não. Tuy nhiên, nếu người bệnh được điều trị càng sớm trong khoảng thời gian này thì cơ hội phục hồi, ít để lại di chứng càng cao.