Những quan niệm sai lầm về bệnh ung thư
Sức khỏe 04/03/2020 09:10
Ăn đường làm ung thư phát triển nhanh hơn
Sự thật, nghiên cứu đã chỉ ra rằng các tế bào ung thư hấp thụ nhiều đường hơn các tế bào bình thường. Nhưng không có bằng chứng khoa học nào cho thấy ăn đường hoặc thực phẩm ngọt sẽ làm trầm trọng thêm bệnh ung thư. Tuy nhiên, chế độ ăn nhiều đường có thể khiến bạn tăng cân và tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường. Những người béo phì hoặc mắc bệnh đái tháo đường có nguy cơ mắc một số bệnh ung thư cao hơn.
Ung thư không được đụng dao, kéo
Quan điểm nếu "đụng dao kéo" sẽ làm bướu phát triển nhanh hơn không phải hoàn toàn sai. Vấn đề này có thể giải thích bằng 2 hướng. Giải thích dễ hiểu cho cộng đồng là ung thư như một ổ kiến trên cành cây, muốn lấy và tiêu diệt ổ kiến an toàn không bị “cắn”, chúng ta phải đốn nguyên cành cây có chứa ổ kiến để tiêu diệt chúng. Không nên chọc vào tổ sẽ khiến kiến túa ra khắp nơi.
Ung thư cũng vậy, nếu cắt ngang, hay cắt lằn giới không an toàn, tế bào ung thư sẽ bùng phát dữ dội, từ giai đoạn đầu có thể trị khỏi bệnh sẽ lây lan nhanh đến giai đoạn cuối. Còn giải thích theo chuyên môn, nguyên nhân là khi phẫu thuật nếu không lấy được toàn bộ bướu sẽ kích thích phản ứng viêm, làm tăng sinh mạch máu và thúc đẩy các tế bào ung thư ở trạng thái "ngủ yên" chuyển sang trạng thái hoạt động, tăng sinh.
Chính vì vậy điều trị ung thư phải là bác sĩ chuyên ngành, phải có cái nhìn về ung thư (nhìn đâu cũng thấy tế bào ung thư), như vậy mới hạn chế thấp nhất tái phát và di căn của ung thư. Tuy nhiên, ngày nay phẫu trị vẫn được xem là một trong những phương pháp điều trị cơ bản và khoa học nhất trong điều trị ung thư. Thậm chí trong một số loại ung thư, phẫu trị còn được xem là phương pháp điều trị khỏi "duy nhất", thí dụ trong bệnh lý melanôm hoặc sarcôm sau phúc mạc.
Do đó, điều quan trọng là phải thực hiện phẫu thuật đúng chỉ định, đúng loại bướu, đúng giai đoạn và phải được thực hiện bởi các phẫu thuật viên chuyên khoa ung bướu, để bảo đảm lấy được toàn bộ bướu với diện cắt an toàn và tránh rơi vãi mô bướu trong lúc phẫu thuật. Phẫu thuật chia làm 2 loại, là phẫu thuật giảm nhẹ triệu chứng và phẫu thuật triệt căn.
Phẫu thuật triệt căn thực hiện ở giai đoạn bệnh phát hiện sớm, cắt bỏ khối u và nạo vét hạch. Phẫu thuật giảm nhẹ thường diễn ra khi bệnh nhân ở giai đoạn muộn, tế bào ung thư đã di căn. Khi đó, người bệnh không còn khả năng phẫu thuật triệt căn, mục đích chính là giảm chèn ép và tránh sùi loét nhiễm trùng. Do đó, phẫu thuật lúc này giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, giảm đau đớn hoặc kéo dài sự sống cho người bệnh.
Sợ bệnh và không điều trị
Bệnh nhân và người thân rất sợ hóa trị, xạ trị và phẫu thuật. Nhiều người nghĩ rằng, phẫu thuật hoặc sinh thiết khối u sẽ khiến ung thư lan rộng. Sự thật là mặc dù có thể, nhưng khả năng xảy ra điều này là thấp. Bác sĩ phẫu thuật phải tuân theo một quy trình nghiêm ngặt và thực hiện các bước để ngăn chặn điều này xảy ra trong khi sinh thiết. Do đó, điều quan trọng là bác sĩ phẫu thuật phải được đào tạo chuyên biệt để mổ bệnh nhân ung thư.
Nhiều người thường nghe từ bạn bè, người thân khi hóa trị liệu sẽ nguy hiểm, bởi đây là một chất độc cực mạnh. Do đó, nhiều bệnh nhân ung thư có thể chữa nhưng được từ chối điều trị vì sợ điều này.
Nếu không điều trị, chắc chắn bệnh nhân sẽ chết vì ung thư. Còn nếu dùng hóa trị liệu, sẽ có cơ hội sống tùy thuộc vào loại ung thư người bệnh mắc phải.
Trong quá trình điều trị, khoảng 60% bệnh nhân không có tác dụng phụ, 30% có tác dụng phụ nhẹ và dưới 10% có tác dụng phụ nghiêm trọng. Do đó, các bác sĩ chuyên khoa ung thư sẽ xác định và điều trị các tác dụng phụ này. Ngay cả đối với bệnh nhân hóa trị ung thư không thể chữa, liệu pháp miễn dịch và liệu pháp nhắm trúng đích có thể cải thiện chất lượng cuộc sống, giảm đau và kéo dài thời gian sống thêm vài tháng đến vài năm.
Không bồi dưỡng quá mức
Nhiều người cho rằng, bệnh nhân ung thư chỉ nên bồi dưỡng trong giai đoạn điều trị xạ trị, truyền hóa chất... còn sau đó chỉ nên ăn gạo lức, muối vừng để không nuôi dưỡng khối u, làm khối u teo dần. Nhiều người còn không ăn thịt đỏ, chất đạm, uống sữa, ăn thịt, trứng mà chỉ ăn chay. Sai lầm này khiến bệnh nhân suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến quá trình điều trị, rút ngắn thời gian sống, đồng thời làm tăng tỉ lệ biến chứng, nhiễm trùng và dẫn đến tình trạng tử vong.
Theo các bác sĩ, chế độ ăn uống cần đầy đủ và cân đối gồm rau, hoa quả, sữa chua, tránh thực phẩm giàu đạm, đường, lipid, kiêng đồ cay, nóng, chất kích thích trước, trong và sau quá trình điều trị. Nhờ vậy người bệnh nâng cao thể lực, đủ sức theo hết liệu trình điều trị và giảm tác dụng phụ không mong muốn.