Những nỗ lực trước bệnh sốt xuất huyết gia tăng
Sức khỏe 02/08/2022 09:28
Đến ngày 18/7, cả nước ghi nhận trên 113.400 ca SXH, tăng hơn 10.000 ca so với thống kê tuần trước đó. Đã có 39 trường hợp tử vong vì SXH.
Theo Bộ Y tế cho biết, hiện nay đang là cao điểm mùa dịch SXH, số ca mắc liên tục tăng cao tại nhiều tỉnh, thành phố trong những tuần gần đây, tập trung chủ yếu tại các khu vực miền Nam và một số tỉnh, thành phố khu vực miền Trung.
Nguyên nhân do dịch SXH có tính chất chu kì, thời điểm mùa Hè thời tiết nóng ấm, mưa nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho lăng quăng, bọ gậy phát triển. Bên cạnh đó sự giao lưu đi lại của người dân cao, trong khi ý thức và hành vi vệ sinh phòng bệnh của người dân chưa tốt, còn chủ quan, lơ là, không chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh.
Lực lượng đoàn viên thanh niên dọn dẹp môi trường phòng chống bệnh SXH. |
Bộ Y tế dự báo số ca mắc trong thời gian tới sẽ tiếp tục gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Theo các chuyên gia y tế, trước tình trạng SXH đang bùng phát mạnh, với số lượng người mắc bệnh tăng cao, thậm chí phải nhập viện, tử vong, người dân cần nhận biết các triệu chứng, cách dùng thuốc đúng và các biện pháp phòng ngừa có thể dễ dàng chống lại căn bệnh này. Việc phát hiện sớm và chăm sóc y tế thích hợp sẽ giúp giảm tỉ lệ tử vong.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện vẫn chưa có thuốc đặc hiệu và vaccine ngừa SXH nên biện pháp hữu hiệu nhất là chủ động phòng, chống bệnh bằng cách: Ngăn ngừa muỗi đẻ trứng bằng cách quản lí và điều chỉnh môi trường sinh sống của muỗi. Sử dụng các biện pháp bảo vệ cho cá nhân trong nhà như màng chắn cửa sổ, quần áo tay dài, vật liệu được tẩm chất diệt côn trùng…, đậy nắp, thay nước và làm sạch dụng cụ đựng nước sinh hoạt ít nhất hằng tuần, sử dụng các chất diệt côn trùng thích hợp cho các dụng cụ chứa nước ngoài trời.
Sốt xuất huyết là một bệnh nhiễm virus do muỗi truyền, đôi khi biến chứng có thể gây chết người được gọi là sốt xuất huyết nặng. Dịch SXH bùng phát trong bối cảnh Covid-19 khiến nhiều người nhầm lẫn và có tâm lí chủ quan, không đến cơ sở khám chữa bệnh ngay mà tự theo dõi. Khi đến cơ sở khám chữa bệnh thì bệnh đã chuyển nặng, khó khăn trong công tác điều trị.
Năm nay, số ca SXH nặng tăng nhanh, cao hơn nhiều so với cùng kì hai năm trước. Số trẻ em tử vong do SXH nhiều hơn người lớn, trong khi những năm trước số người lớn tử vong nhiều hơn.
Để chủ động phòng, chống dịch, kiên quyết không để dịch chồng dịch, Bộ Y tế mới đây đã tiếp tục có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố huy động các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt các lực lượng cán bộ tại các tổ dân phố, xóm, ấp và cộng đồng tham gia các hoạt động phòng, chống dịch; cùng với đó, cần tập trung thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn tới tận các hộ gia đình để người dân chủ động tham gia phòng, chống dịch, chú trọng triển khai công tác phòng, chống dịch tại các vùng sâu, vùng xa khó tiếp cận dịch vụ y tế, khu vực di biến động về, khu vực có ổ dịch dân cư cũ, đồng thời giúp người dân sớm nhận biết các biểu hiện của bệnh, từ đó chủ động phát hiện sớm ca mắc để được chữa trị kịp thời, hạn chế tử vong.
Trước tình hình số ca mắc SXH đang tăng cao, UBND tỉnh Long An đã chỉ đạo ngành Y tế cùng các sở, ban, ngành, địa phương chủ động, tích cực, triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống SXH với phương châm “Không có lăng quăng (bọ gậy), không có sốt xuất huyết”, diệt lăng quăng (bọ gậy) là biện pháp ưu tiên hàng đầu, ít tốn kém và hiệu quả nhất để chủ động ngăn chặn, phòng, chống SXH, bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng, quyết tâm không để dịch chồng dịch trong giai đoạn hiện nay.