Nhiều giải pháp đưa ra nhằm tháo gỡ khó khăn, phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và kế hoạch năm 2025
Tin tức - Sự kiện 04/11/2024 15:20
Điều hành nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Quốc hội thảo luận về 4 nội dung: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; Tình hình thi hành Hiến pháp; thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kì 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB).
Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Phiên họp |
Tại hội trường, ĐB Nguyễn Văn Thi (Bắc Giang) cho rằng cần có các giải pháp quyết liệt triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Theo ĐB Thi, bên cạnh các kết quả đã đạt được, kinh tế- xã hội nước ta vẫn còn một số tồn tại, hạn chế đòi hỏi cần phải có các giải pháp quyết liệt hơn. Về giải ngân vốn đầu tư công có tích cực nhưng chưa đạt kế hoạch, tỉ lệ giải ngân chung cả nước 9 tháng đầu năm là 47,29%, thấp hơn cùng kì năm 2023. Do vậy, Chính phủ cần phân tích, nhận diện rõ các nguyên nhân và có giải pháp cụ thể, phù hợp, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Bên cạnh đó, tiến độ giải ngân các nguồn vốn thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là nguồn vốn sự nghiệp vẫn rất chậm. Trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt 11%; Chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt 8%. ĐB Thi đề nghị cần có các giải pháp quyết liệt triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Nếu không sẽ rất khó đạt mục tiêu năm 2024 về giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới…
Đại biểu Nguyễn Văn Thi (Bắc Giang) phát biểu ý kiến |
Còn ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho biết, cần có giải pháp quản lí, khai thác, sử dụng tiết kiệm khoáng sản. Theo ĐB, khoáng sản là tài nguyên quý giá của đất nước, hầu hết không được tái tạo phát triển mà ngày càng cạn kiệt, đòi hỏi phải được quản lí, khai thác, sử dụng tiết kiệm, đóng góp tương xứng vào ngân sách nhà nước, góp phần phát triển đất nước. Điển hình ở các địa phương vùng cao, có những khoáng sản đi kèm như đất, đá, xỉ than lẫn lộn với khoáng sản quý vẫn chưa được sử dụng khai thác, bị thải bỏ gây ra lãng phí, có nơi chất thành đống cao, nguy cơ sạt lở, ô nhiễm môi trường đe dọa đến tính mạng và sức khỏe của người dân, trong khi đó đất đá để xây lắp cho các công trình không đủ để sử dụng…
Để tháo gỡ khó khăn, ĐB Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) kiến nghị Quốc hội và Chính phủ một số giải pháp phát triển kinh tế- xã hội: Một là, nâng cao năng lực phân tích, dự báo, chú trọng tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng, tập trung cho sản xuất, kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên, có kế hoạch, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường để giải quyết việc làm cho lao động.
Kì họp thứ 8, Quốc hội Khoá XV |
Hai là, tăng cường thông tin, tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp, hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên; đẩy mạnh đào tạo nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu xã hội, gắn đào tạo nghề nghiệp với nhu cầu việc làm của doanh nghiệp; chú trọng xã hội hóa công tác dạy nghề, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề; đổi mới nội dung, chương trình đào tạo để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Ba là, đề nghị Chính phủ tổ chức sơ kết đánh giá việc thực hiện quyết định 522 và có giải pháp phân luồng triệt để 45% học sinh tốt nghiệp THPT đi đào tạo nghề.
Bốn là, tăng cường hỗ trợ tín dụng cho thanh niên khởi nghiệp để tạo thêm việc làm, hoàn thiện việc thực hiện chính sách hỗ trợ tín dụng cho thanh niên để tìm và tự tạo việc làm…/.