Người đi, tiếng thơm để lại
Tuổi cao gương sáng 22/05/2019 09:18
Tháng 4/1975, với cương vị Trung đoàn trưởng Trung đoàn 718 cụ cùng đơn vị tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam, rồi tiễu trừ Fulro ở Tây Nguyên. Sau đó Trung đoàn thành lập Nông trường cà phê ở huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk, đến 1982 thì cụ nghỉ hưu. Là sĩ quan cao cấp, nhưng cụ sống chan hòa với mọi người, gặp ai cũng cởi mở, sẵn lòng giúp đỡ. Vợ chồng cụ sống trong căn nhà khiêm tốn, bốn mùa xanh tốt các loại hoa tươi, cây cảnh, táo, dừa, xoài, nhãn, vải… Cụ còn nhận trông nom Nghĩa trang liệt sĩ của xã, ngày ngày trồng hoa, nhặt cỏ, quét dọn các phần mộ chu đáo. Cụ bà nghỉ cán bộ phụ nữ xã, lại làm cán bộ phụ nữ thôn, rồi Chi ủy viên, cán bộ Y tế cơ sở, Cộng tác viên Dân số, Trưởng ban Công tác Mặt trận... Cụ ở nhà mọi việc tinh tươm còn tăng gia rau xanh, củ quả không thiếu thứ gì, ngoài gia đình sử dụng, cụ dành phần nhiều cho hàng xóm bạn bè.
Lúc 2 cụ cưới, cụ bà đã có một con gái riêng và sinh cho cụ một con trai, nhưng cụ thương yêu hai con ít ai sánh được. Khi các con đến trường, cụ ở nhà thấp thỏm chờ đợi. Các con đi đâu về muộn, cụ đứng ngồi không yên. Hai con trưởng thành, 2 cụ xây dựng gia đình, tạo vốn liếng làm ăn. Cụ đạp xe hàng chục cây số đến nhà con gái sửa sang nhà cửa, sắm từ cái mâm, đôi đũa, trồng cây, dọn cỏ hoặc đến nhà con trai tư vấn cung cách làm ăn. Con gái sinh con, 2 cụ đón cháu ngoại về nuôi ăn học đến khi có công ăn việc làm, cưới vợ sinh con. Lương hưu hằng tháng cụ chi tiêu dè xẻn để dành lại cho con, cháu. Cụ còn là trung tâm kết nối với các đồng đội cũ ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Thái Nguyên… Họ thường tụ họp ở nhà cụ và kể lại kỉ niệm thời quân ngũ được cụ dìu dắt. Xa quê hương, khi còn khỏe, 2 cụ và các con thường xuyên về Quảng Nam thăm bà con làng xóm, chắt chiu kinh phí tôn tạo lăng mộ cha mẹ tổ tiên. Ở ngoài này, cụ chủ động kết nối những cán bộ tập kết sinh sống ở hai huyện Gia Bình, Lương Tài, thành lập Hội Đồng hương coi nhau như một gia đình. Cụ chẳng giàu tiền bạc nhưng khi họ hàng hay bạn bè gặp rủi ro vận hạn, 2 cụ dốc lòng chia sẻ lo toan nên dù sống ở quê vợ nhưng họ hàng bên ngoại coi cụ còn hơn ruột thịt. Căn nhà nhỏ của cụ suốt ngày đầy ắp tiếng cười. Khi thì mấy bạn già uống trà, đánh cờ, khi thì con cháu xa gần về thăm ríu rít, lúc mấy người qua đường dừng chân nghỉ dưới bóng cây được cụ mời vào uống nước, khi lại mấy bà nông dân ghé vào mượn con dao, cái liềm hay nhờ cụ chêm hộ cán cuốc. Cụ chẳng từ chối ai bao giờ mà luôn hết lòng giúp đỡ. Là người trải qua mấy cuộc kháng chiến, là thương binh và có tới bảy năm bị địch bắt tù đày nhưng cụ không bao giờ kể chuyện về mình. Cụ sống khiêm nhường, giản dị, là tấm gương sáng về người chiến sĩ cách mạng, anh Bộ đội Cụ Hồ kể cả trong quân ngũ và khi về đời thường. Mặc dù cụ đã về với tổ tiên nhưng khi nhắc tới ai cũng hết lời ngợi ca về nhân cách phẩm hạnh. Hình ảnh, tình cảm, đạo đức của cụ còn sống mãi trong lòng người ruột thịt, đồng đội và những ai từng một lần tiếp xúc với cụ.