Người góp phần xóa bỏ nhiều hủ tục trong việc tang, việc cưới
Tuổi cao gương sáng 06/01/2025 10:03
Chầm chầm nghĩ và kể lại những chuyện trong công tác NCT, bà Thảo nói: “Nói thật với chú, tôi thấy vui lắm, nếu không chắc tôi và nhiều gia đình ở xã tôi còn khổ về việc thực hiện việc tang ở quê hương”. Nhớ lại câu chuyện cũ, bà Thảo kể tiếp: “Xã Chu Minh tôi có tục lệ là ai cứ nằm xuống là gia đình có tang phải mổ 5 đến 6 con lợn, cỡ khoảng 3 đến 4 tạ lợn, ăn uống vài ngày. Câu chuyện cứ thế diễn ra từ đời này sang đời khác, nếu gia đình khá giả thì không sao nhưng những gia đình khó khăn về kinh tế, anh em ít thì cả một gánh nặng. Ai ai ở Chu Minh cũng thấy tốn kém, kéo dài nhưng không ai dám làm, dám bỏ lề lối các cụ để lại. Thực hiện Nghị quyết của Huyện ủy Ba Vì, Đảng ủy xã Chu Minh về việc tang văn minh, với vai trò là Chủ tịch NCT, tôi rất trăn trở về hủ tục trên. Còn nhớ, vào năm 2015, ở một dòng họ trong xã có người mất, ông Trưởng họ đó lại là Chi hội trưởng NCT. Tôi nghĩ quyết tâm phải làm bằng được giảm ăn uống và kéo dài thời gian làm đám tang. Thế là tôi gặp gỡ, trao đổi với ông Trưởng họ là mình vận động gia đình thực hiện tang văn minh. Sau đó, tôi trực tiếp đến gặp gỡ gia đình và anh em thân cận trong gia đình, tuyên truyền cho gia đình biết là người đã mất, kinh tế gia đình còn khó khăn, mình chỉ tổ chức cỗ bàn đơn giản, chỉ trong nội tộc, những người lo chính việc tang cho gia chủ. Đồng thời tôi chủ động cùng dòng họ, cán bộ xã, thôn, khi có người đến viếng đều vận động mọi người khi viếng xong nên về, chứ không ở lại ăn uống. Tất nhiên là đám tang đó không thể giảm được ngay số lượng cỗ, nhưng đã giảm rất nhiều, mọi người thấy vui ở chỗ không phải đi làm giúp nhiều, ăn uống trong đám tang cũng không vui vẻ gì. Sau đám tang đó, dần dà tôi tuyên truyền cho các chi hội, họp bàn và thống nhất là giảm ăn uống trong việc tang. Đến nay việc tang trước đây khoảng 200 mâm đến 300 mâm thì nay chỉ còn 30 đến 40 mâm trong vòng 2 ngày lo hậu sự cho người mất, chỉ trong nội bộ con cháu thân thiết. Từ đó đã tiết kiệm tiền của, công sức cho các gia đình hội viên NCT và con cháu”.
Bà Nguyễn Thị Thảo. |
Cũng nói về việc tang, bà Thảo lại kể về việc vận động hỏa táng. Bà Thảo chia sẻ: “Tôi lấy chính chồng tôi làm ví dụ, lúc ông mất, gia đình không hỏa táng. Thế rồi khi lúc sang cát cho ông, tôi đi xem, lo lắng nhiều năm liền. Thầy cúng bảo chưa sạch, nhưng để ông lâu quá tôi thấy không yên tâm và đã sang cát cho ông. Sau đó khi sang cát thì đều sạch sẽ. Khi tôi tuyên truyền về hỏa táng nhiều cụ đi xem bảo nóng lắm, cháy thui. Tôi trả lời, chẳng thấy ai bảo, lúc chôn, nước vào, ngày đông lạnh, rét lắm nhỉ. Nước ngập vào cơ thể có thầy bói nào bảo kêu không. Cũng dẫn chứng chuyện làm cho chồng, tôi bảo thấy việc sang cát cho chồng chuẩn bị nhiều. Nếu hỏa táng lo lần là xong, cuối năm mọi người không phải lo sang cát, đi ăn uống nhiều, tốn kém cả tiền của, thời gian”. Chính vì lẽ đó mà dần dần đến nay việc hỏa táng ở Chu Minh, trong hội viên NCT đã đạt gần 100%”.
Nhìn tôi, bà Thảo lại vui lên ánh mắt, bà bảo: “Nói thật quê tôi nhiều hủ tục, nhưng có việc nữa mà đến nay tôi cũng rất vui là tổ chức ăn đám cưới không sớm như trước đây”. Ở Chu Minh thường ăn cỗ cưới, buổi sáng là 7 giờ, buổi chiều là 13 giờ. Chính vì ăn cỗ như vậy nên rất khó để sắp xếp cho các gia đình, có người ăn trưa được ít thời gian, chiều lại đi ăn sớm quá. Buổi sáng người đi làm giúp từ 3 đến 4 giờ sáng… Ai cũng biết như vậy nhưng không ai chịu thay đổi.
Bà Thảo kể: “Năm đó, đứa cháu gái tôi cưới, trong khi các nhà khác đã ăn cỗ như trước, tôi bảo gia đình mình cứ theo gia đình mình, 15 giờ 30 mới mời khách ăn uống. Tôi đã mời như vậy, khi các gia đình có cỗ cưới cùng ngày với cháu gái tôi ăn uống rộn ràng, thấy tôi chưa mời ăn, thì sốt ruột, cứ giục tôi mãi, nhưng tôi quyết tâm là mình làm đúng. Và khi đám cưới của gia đình tôi thực hiện như vậy thì mọi người ăn uống vui vẻ, thấy hợp lí, giờ thì đám cưới ở Chu Minh đã theo gia đình tôi là sáng 10 giờ, chiều từ 15 giờ 30”.
Khi bà Thảo thực hiện việc này và làm như vậy, ở xã Chu Minh đã thành nếp ăn cỗ thời gian không như trước đây, tạo thành nếp văn minh mới làng quê ở đây.
Có thể nhìn thấy, với tư duy muốn thay đổi cái cũ không tiến bộ thành cái mới, bà Thảo đã góp phần quan trọng trong thực hiện văn minh trong việc tang, tổ chức việc cưới trên quê hương Chu Minh.