TIN BUỒN
![TIN BUỒN](https://ngaymoionline.com.vn/stores/news_dataimages/2025/022025/17/21/medium/hoa-sen-den-trang-020620250217214240.jpg?rt=20250217214242?250218074759)
Xã hội 30/01/2025 10:09
Chả rõ rượu với đàn bà có quấy nhiễu giới đàn ông hay không nhưng đích thị trà quả có vậy - một sự quấy đáng yêu, đáng thi hành.
Trà gắn bó lâu đời với dân ta. Theo nhiều nhà nghiên cứu khoa học, Việt Nam chính là một trong những chiếc nôi của cây chè thế giới. Có nhiều bằng chứng đưa ra, trong đó có việc tìm thấy cây chè hóa thạch ở đất tổ Hùng Vương (Phú Thọ). Cho đến nay ở khu vực Suối Giàng (Yên Bái) trên độ cao 1.000m so với mặt biển, có một vùng chè hoang khoảng 4 vạn cây chè, trong đó có một cây chè cổ thụ có đường kính 3 người ôm không xuể.
Trà là tên gọi của chè tươi đã chế biến. Nhưng do thói quen, người ta cũng gọi trà là chè (chè móc câu, pha chè…). Kiếm được trà ngon chẳng phải dễ dàng. Ấy là vì trà ngon, trà hảo hạng phụ thuộc vào rất nhiều điều kiện: Giống chè, chất đất, cách chăm sóc, kĩ thuật chế biến…
![]() |
Từ xa xưa, trà ngon được ưa chuộng trong đời sống cung đình, là một bằng chứng của sự giàu sang, quyền quý để phân biệt với các bậc thứ dân trong xã hội. Chả thế ngày xưa mới có câu: “Vua thưởng lan, quan thưởng trà”. Người nào được vua thưởng cho hoa lan thì lấy làm vinh hạnh, diễm phúc lắm, còn ai được ông quan tặng cho ấm trà ngon thì hãnh diện, hả hê. Đời Lê Cảnh Hưng, “thường có nhiều người qua chơi các hiệu chè, thăm dò các phố buôn, vác hết quan nọ chục kia để mua chuốc lấy chè ngon” (Vũ trung tùy bút). Chè ngon là ở chỗ cái tinh nó sạch sẽ, cái hương nó thơm tho. Chiều theo sở thích của khách, người ta còn ướp hoa vào trà ví như hoa ngâu, sói, nhài, sen… Chỉ tính riêng trà ướp hoa sen cũng cầu kì lắm. Đêm, các cụ đi thuyền tới ao/hồ sen, cho trà ấp vào trong cánh sen. Sáng sớm lấy trà ra và hứng những giọt sương đọng lá sen. Nước ấy dùng để pha trà. Người ta ướp trà vào sen, sau thời gian ủ sẽ có một thứ trà thượng đẳng, vô cùng hấp hẫn. Từ xưa tới nay, trà sen Hà Nội lấy từ sen hồ Tây nổi tiếng gần xa, được phong Đệ nhất danh trà. Thời xưa, dụng cụ để pha chè gồm ấm chén, hỏa lò, cấp thiêu. Thời Lê Cảnh Hưng, giới quyền quý nước ta thường mua bếp lửa từ bên Tàu. Sau này nhiều người chế ra từ luyện than hầm lửa, nắm đất nặn lò rồi cải tiến hơn cả bên Tô Châu (Trung Hoa) - nơi có tiếng sản xuất đồ pha chè. Ngày trước, lò, siêu, ấm, chén được chế tác nhiều kiểu với các nguyên liệu (gỗ, đá, đất nung, kim loại) do yêu cầu khách hàng. “Trong nước vô sự, các nhà quý tộc, các bậc công hầu và con em nhà quý thích đều đua chuộng xa xỉ, có khi mua một cái ấm chén, phí tổn đến vài mươi lạng bạc…” (Vũ trung tùy bút). Siêu đúc bằng kim loại có ưu điểm lâu bền, thuận tiện nhưng hãm chè ngon không thể bằng siêu đất nung, vì kim loại bị hấp hơi hỏa khí nên có mùi tanh - nhất là đối với đồng. Ban đầu người ta dùng siêu pha chè, sau đó đã dùng tới ấm, xuyến. Ai cũng rõ, trà phải pha bằng nước sôi mới nấu chín, nếu không chẳng ra gì. Khi khách đến, chủ nhà mới xếp than, quạt bếp, đun nước để “pha trà người xơi”. Chẳng có gì ngạc nhiên quan họ vào canh, ở phần mời bạn anh cả, chị hai đều có câu mở đầu mời trầu, mời trà. “Mỗi khi khách đến chơi nhà/ Đốt than, quạt nước pha trà mời người xơi”. Trong gia đình truyền thống Việt Nam, người ít tuổi pha trà cho người cao tuổi, phụ nữ pha trà cho đàn ông.
Uống trà không phải chỉ để giải khát mà còn là thú chơi mà các thức uống khác không có được. Vẫn trong “Vũ trung tùy bút”, tác giả Phạm Đình Hổ - một bậc danh nho - đã thổ lộ: “Khi rảnh dạy học, ta thường cùng với người đàn anh trong làng là Tô nho sinh dạo chơi chùa Vân, pha trà uống nước, hoặc trèo lên cái gò ba tầng ở phía tây xóm ấy, rồi múc nước suối để pha trà uống chơi. Trông thấy những cảnh mây nổi hợp tan, chim đồng kêu lượn, cùng lá cây tươi rụng, hành khách lại qua, ta thường gửi tâm tình vào câu ngâm vịnh…”. “Buổi sớm gió mát, buổi chiều trắng trong, với bạn rượu làm thơ cùng làm chủ khách mà ung dung pha ấm chè Tàu ra thưởng thức thì có thể tỉnh được mộng trần, rửa được lòng tục”.
Uống trà - dù là trà ngon - cũng phải lựa lúc vui, trong lòng thanh thản mới nên thưởng thức. Có thể độc ẩm (uống một mình), song ẩm (hai người uống) hoặc quần ẩm (đông người) nhưng có lẽ độc ẩm, song ẩm vẫn là thú hơn cả. Lúc buồn bã, đau thương, phẫn uất thì trà ngon đến mấy ví như trảm mã trà (trà ngon nhất cho ngựa ăn rồi giết, moi lá trà ra uống), Tích Lan hồng trà (trà màu đỏ trồng ở xứ Tích Lan - Trung Quốc), ngân châu tế trà (trà có đọt trắng thanh, thực là của báu) - cũng thành vô vị mà thôi. Xưa, nước đun trà cũng phải là thứ nước trời cho (sương, nước mưa); ấm chén đều nhỏ. Uống trà cũng phải chọn chỗ ngồi cho thoáng đãng, yên tĩnh để dốc bầu tâm can, để ngắm nhìn trời đất, cỏ cây. Cụ Phạm Đình Hổ cách đây mấy trăm năm đã viết những lời chí lí: “Còn như nếm chè ở trong đám ruồi nhặng, bày ấm chén ở cửa chợ bụi lầm trong lúc ồn ào đinh óc, vớ vẩn bận lòng, thì dẫu ấm có đẹp đẽ, chè ngon ngát lừng thì có thú vị gì không?”. Thế mới biết, để có một chén trà ngon cũng khó lắm thay.
Trà cũng là một bài thuốc chữa bệnh. Từ xa xưa các cụ đã lưu truyền câu: “Bán dạ tam bôi tửu/ Bình minh nhất trản trà/ Mỗi nhật cứ như thử/ Lương y bất đáo gia” (Nửa đêm ba chén rượu/ Buổi sớm một chén trà/ Ngày nào cũng như thế/ Lương y chẳng tới nhà).
Trà đã đi vào văn chương. Ca dao đã có nhiều câu nhắc về thứ nước uống này. Nào là: “Làm trai biết đánh tổ tôm/ Uống trà mạn hảo, xem nôm Thúy Kiều”. Nào là “Con cò lặn lội bờ ao/ Hỡi cô yếm đào lấy chú tôi chăng?/ Chú tôi hay tửu hay tăm/ Hay nước trà đặc hay nằm ngủ trưa…”.
Ngày nay trà đã thông dụng trong quần chúng. Trà bây giờ cũng nhiều loại; ngon vẫn thuộc về trà ở các tỉnh biên giới phía Bắc: Cao Bằng, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên. Bên cạnh chè nổi tiếng Tân Cương (Thái Nguyên) đã có chè Tuyết Suối Giàng, chè Hà Giang, Nghĩa Lộ,… Bắc Giang hiện đang nổi danh chè bản Ven (Yên Thế). Bây giờ thú uống chè ngon đã tăng so với những thập niên trước đây. Âu cũng vì chất lượng đời sống được cải thiện rõ rệt. Người dân trở lại xu hướng nước uống lâu đời. Không phải không có lí khi có nhiều ý kiến chọn chè (trà) là quốc ẩm, cùng với đề nghị quốc phục, quốc hoa.
Với tất cả những nguyên do trên mà trà (chè) đã là nét đẹp của văn hóa người Việt, trường tồn trong đời sống xã hội.
Vậy là lúc thảnh thơi, rỗi rãi - nhất là khi Xuân về, được thưởng ngoạn trà ngon cùng với thân hữu, gia đình quả cũng rất thú vị, há chẳng hạnh phúc lắm sao!.