Ngày Thế giới phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (15/11): Hơi thở là cuộc sống - Hành động sớm hơn
Y tế 15/11/2023 17:28
COPD là bệnh lý được đặc trưng bởi sự hạn chế luồng khí thở ra không hồi phục hoàn toàn. Với đặc điểm là bệnh mạn tính, tiến triển nặng dần với nhiều biến chứng sẽ làm cho người bệnh suy giảm chức năng phổi, hạn chế hoạt động thể lực, suy giảm chất lượng cuộc sống, tàn phế và có thể tử vong.
Chủ đề của Ngày Thế giới phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD năm 2023 là “Hơi thở là cuộc sống - Hành động sớm hơn" nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của chăm sóc, chẩn đoán và can thiệp sớm các bệnh lý ở phổi.
Giữ cho lá phổi khỏe mạnh là một phần không thể thiếu cho sức khỏe trong tương lai và điều quan trọng hơn bao giờ hết là phải hành động sớm. Hiện nay, có nhiều yếu tố khác ngoài việc hút thuốc lá có thể góp phần gây nên COPD. Đây là bệnh có thể phát sinh sớm và ảnh hưởng đến những người trẻ tuổi.
Chiến dịch này sẽ tập trung vào việc nêu bật tầm quan trọng của việc hành động sớm để bảo vệ sức khỏe phổi. Điều này có thể bao gồm ngăn ngừa sớm các yếu tố nguy cơ, theo dõi sức khỏe phổi từ khi sinh ra, chẩn đoán COPD ở trạng thái tiền ung thư và điều trị kịp thời. COPD phát triển dần dần theo thời gian, thường do sự kết hợp của các yếu tố nguy cơ:
- Tiếp xúc với khói thuốc lá.
- Tiếp xúc nghề nghiệp với bụi, khói hoặc hóa chất.
- Ô nhiễm không khí trong nhà: Nhiên liệu sinh khói (gỗ, phân động vật, phế phẩm thực vật) hoặc than thường được sử dụng để nấu ăn và sưởi ấm.
- Các sự kiện đầu đời ngăn cản sự phát triển tối đa của phổi như thai chậm tăng trưởng trong tử cung, sinh non và nhiễm trùng đường hô hấp thường xuyên hoặc nghiêm trọng.
- Hen suyễn ở trẻ em.
- Di truyền (thiếu hụt alpha-1 antitrypsin có thể gây ra bệnh COPD khi còn trẻ).
Các dấu hiệu bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ban đầu có thể bao gồm:
– Cảm thấy khó thở, đặc biệt là trong các hoạt động thể chất.
– Thở khò khè.
– Tức ngực.
– Ho có đờm kéo dài.
– Nhiễm trùng đường hô hấp thường xuyên.
– Thiếu năng lượng.
– Sưng phù ở mắt cá chân, bàn chân hoặc chân.
– Sốt nhẹ và cảm giác ớn lạnh.
Những người mắc bệnh cũng có khả năng trải qua các đợt cấp trong đó các biểu hiện trên có thể trở nên tồi tệ hơn so với sự thay đổi thông thường hàng ngày và kéo dài ít nhất vài ngày. Trong những trường hợp nặng có thể phải nhập viện, điều trị kháng sinh, thở máy, corticoid…chức năng hô hấp giảm sút, thời gian sống còn bị rút ngắn lại.
Để đánh giá mức độ khó thở, có thể sử dụng thang phân mức độ theo tác giả Sadoul:
Mức độ 0: Không khó thở khi leo cầu thang
Mức độ 1: Khó thở khi leo cầu thang từ tầng 2 trở lên.
Mức độ 2: Khó thở khi leo dốc
Mức độ 3: Khó thở khi đi lại tốc độ bình thường trên đường bằng cùng người khác
Mức độ 4: Khó thở khi đi lại với tốc độ bình thường và thường xuyên phải dừng lại để nghỉ
Mức độ 5: Khó thở khi thực hiện các công việc hàng ngày như mặc quần áo, đánh răng rửa mặt
Nếu không được phát hiện và can thiệp sớm, bệnh COPD có thể gây ra một số biến chứng nặng nề, ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống người bệnh, thậm chí nguy hiểm tính mạng như:
– Tràn khí màng phổi.
– Tâm phế mạn.
– Giảm tuổi thọ: Khoảng 30% bệnh nhân chết vì suy hô hấp cấp và mạn tính, sau đó là suy tim (13%). Các nguyên nhân gây tử vong tiếp theo bao gồm: Nhiễm trùng hô hấp, nhồi máu phổi, rối loạn nhịp tim, ung thư phổi.
– Tàn phế: COPD là bệnh có khả năng gây tàn phế cao. Đối chiếu tiêu chuẩn tàn phế của Tổ chức Y tế Thế giới, tàn phế của bệnh do các điểm chính sau: Tàn phế hô hấp: tình trạng khó thở và đau cơ sẽ làm giảm khả năng vận động.Tàn phế về mặt xã hội: người bệnh sẽ có cảm giác như bị tách biệt khỏi xã hội, hoạt động thường ngày phải phụ thuộc người khác.
Các biện pháp phòng tránh bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Ảnh: Minh họa |
– Không hút thuốc là biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất để phòng ngừa và thay đổi diễn tiến ở tất cả các giai đoạn của bệnh kể cả ở mức độ chưa có triệu chứng hay mức độ rất nặng.
– Hạn chế đến mức thấp nhất tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ như: khí, hóa chất, khói độc hại, bụi. Nếu công việc buộc phải làm việc trong môi trường khói bụi thì cần có bảo hộ lao động để bảo vệ đường hô hấp đúng tiêu chuẩn.
– Ngoài ra, tiêm phòng cũng là biện pháp được các chuyên gia khuyến khích sử dụng. Người lớn tuổi là đối tượng cần chú ý tiêm phòng để tránh nhiễm khuẩn đường hô hấp, đặc biệt là tiêm vắc xin phòng cúm và phế cầu. Viêm phổi do phế cầu khuẩn không chỉ nguy hiểm với trẻ nhỏ mà còn là nguyên nhân gây tử vong nhanh ở người cao tuổi, đặc biệt người có bệnh lý mạn tính ở phổi.
– Bên cạnh đó, mỗi người cần tập thể dục đều đặn hàng ngày, tập các bài tập phù hợp với thể trạng, đặc biệt là các bài tập thở đúng cách, tốt cho hệ hô hấp. Một số bài tập hô hấp tốt cho các bệnh nhân COPD:
+ Hít thở kiểu thở chúm môi
Hít vào bằng mũi (mím môi), thở ra từ từ bằng miệng (chúm môi lại như thổi sáo). Thời gian thở ra gấp đôi thời gian hít vào. Lặp đi lặp lại 5-10 lần.
Mỗi ngày ít nhất 3 lần, mỗi lần 15 phút. Sau khi quen rồi có thể dùng cách thở này liên tục hằng ngày.
+ Tập hít vào với sự tham gia tích cực của bụng (thở bụng)
Nằm thẳng lưng, đặt một tay lên ngực, một tay lên bụng. Hít sâu, chậm và đều qua mũi, cảm nhận bụng nhô lên. Thở ra và cảm nhận bụng xẹp xuống. Thực hiện từ 5 – 10 nhịp thở.
Tương tự với tư thế đứng hoặc ngồi thẳng, một tay đặt lên ngực, một tay đặt lên bụng. Hít sâu, chậm và đều qua mũi, cảm nhận bụng nhô ra. Thở ra và cảm nhận bụng xẹp lại. Cố gắng giữ nguyên tay trên ngực. Thực hiện từ 5 – 10 nhịp thở.
+ Tập ho có điều khiển
Hít vào thật sâu rồi thở ra thật nhanh và mạnh. Động tác này giúp tăng lưu lượng nhỏ, do vậy giúp đẩy đờm từ phía dưới đường thở lên bên trên.