Ngày Tết và chuyện sửa soạn mâm cỗ cúng tổ tiên
Đời sống 01/02/2024 09:12
Việc làm cỗ Tết, trước là để dâng cúng ông bà tiên tổ dòng tộc, sau là để mọi thành viên trong gia đình đoàn tụ chung vui.
Ngày còn nhỏ được sống trong sự bao bọc của mẹ cha nơi quê nhà, khi Tết chuẩn bị tới là trẻ nhỏ chúng tôi đều háo hức, vui sướng và mong sao cho ngày 30 Tết đến thật nhanh. Trẻ con thường thích Tết, bởi Tết đến được nghỉ học đi chơi, được theo mẹ, theo bà đi chợ mua sắm, rồi được ăn ngon, mặc áo quần mới và sung sướng nhất là được nhận tiền lì xì từ người lớn. Tết mang tới bao nhiêu niềm vui như vậy nên trẻ con không thích Tết mới là lạ.
Tuy vậy, trong những ngày Tết bọn trẻ trong làng, dù có chơi gì, ở đâu chăng nữa nhưng tới lúc nhà làm cỗ cúng là đều chạy về chung tay phụ giúp ông bà, cha mẹ, anh chị làm những công việc lặt vặt cho tiệc cỗ nhanh chóng hoàn thành. Ví như gia đình tôi, vì bố tôi là trưởng nam nên việc làm mâm cỗ cúng Tết luôn phải hoành tráng đủ đầy các món, chứ không thể nào làm đơn giản sơ xài được.
Tôi còn nhớ, năm nào cũng vậy, mâm cỗ cúng Tết của gia đình mình, dù cho là cúng tất niên; mùng Một, mùng Hai, hay hoá vàng (hết Tết), luôn mặc định khoảng hơn 10 món, gồm: Bánh chưng, xôi, gà luộc, canh măng, canh mọc, dưa hành, thịt lợn, nem cuốn, cá kho, giò lụa, giò thủ, thịt đông... Ngoài các món chính còn có dăm ba món rau củ quả để mâm cỗ thêm phần đa dạng, đủ đầy và đẹp mắt.
Để làm nên một mâm cỗ cúng Tết với rất nhiều món như vậy đòi hỏi dăm ba người phụ giúp chứ một người làm là rất lâu công, vất vả. Chẳng vậy, khi bắt tay vào làm cỗ cúng, mẹ tôi luôn giữ vai đầu bếp chính, bởi mẹ là người khéo tay, lại linh hoạt trong quán xuyến, mấy anh chị em chúng tôi chỉ đóng vai phụ bếp cùng mẹ. Khi nhỏ, tôi hay được mẹ giao việc như gọt su hào, thái măng, nhặt rau, hành..., hay bóc bánh chưng, sắp thịt đông... Khi lớn hơn chút nữa, mẹ giao cho tôi nhào nhân nem và cuốn nem để mẹ chiên rán. Việc mổ gà, luộc gà, hay chặt gà sắp đĩa luôn là phần của anh cả. Thằng út thì lăng xăng sắp dưa hành, dưa món, hay ra vườn hái thêm mấy thứ rau gia vị... Nói chung không khí sửa soạn nấu nướng mâm cỗ cúng tết rất vui và đầm ấm...
Trong 3 ngày Tết theo như nghi lễ truyền thống, tính cả lễ cúng Giao thừa, mỗi gia đình thường phải làm cỗ cúng tới 4 lần. Chính vì vậy mà dù các món ăn có thừa, chưa ăn hết của lần làm cỗ cúng trước cũng không được bày mâm để cúng lại vào lần sau...
Tết sắp về, mấy anh chị em chúng tôi lại chuẩn bị rời thành phố về quê sum họp cùng mẹ cha và trong mấy ngày ở nhà đó được hòa mình vào công việc làm cỗ cúng Tết cùng mẹ, các anh chị em, là niềm vui khôn tả. Tết năm nay mẹ dặn chúng tôi gắng về sớm hơn vài ngày để còn phụ giúp mổ lợn, gói bánh chưng, bởi cha mẹ đã già, lưng đã còng, sức khỏe không còn được như xưa nữa...