Ngành Y tế luôn có những biện pháp hữu hiệu để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân
Y tế 09/01/2024 15:07
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái bày tỏ ấn tượng về những thành tựu của Ngành Y tế trong những năm qua. Nổi bật là y tế Việt Nam luôn có những biện pháp hữu hiệu để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân. Ảnh: VGP
|
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết: Năm 2023, trước nhiều khó khăn, thử thách ngành y vẫn đạt nhiều kết quả nổi bật: Hoàn thành 03/03 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2023 được Quốc hội giao, trong đó vượt chỉ tiêu được giao về số bác sĩ/vạn dân (12,5 bác sĩ), đạt chỉ tiêu về số giường bệnh/vạn dân (32 giường bệnh), đạt chỉ tiêu về tỷ lệ dân số tham gia BHYT (93,2%); cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu cụ thể ngành, lĩnh vực năm 2023 được Chính phủ giao (08/09 chỉ tiêu).
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết: Năm 2023, trước nhiều khó khăn, thử thách ngành y vẫn đạt nhiều kết quả nổi bật: Hoàn thành 03/03 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2023 được Quốc hội giao... |
Hoạt động khám chữa bệnh thông thường cơ bản đáp ứng nhu cầu. Khám chữa bệnh từ xa, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới tiếp tục được tăng cường. Đã kết nối liên thông giữa 63 Sở Y tế, 63 cơ quan Bảo hiểm xã hội, 99,5% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, chất lượng dịch vụ y tế có mặt được nâng lên. Công tác hoàn thiện thể chế được chú trọng, đẩy mạnh, làm cơ sở, nền tảng quan trọng giải quyết những vướng mắc, bất cập của ngành y ở cả trước mắt và lâu dài. Ngành y tế đã tham mưu trình Quốc hội ban hành Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và 2 Nghị quyết; Ban Bí thư ban hành 1 Chỉ thị; Chính phủ ban hành 5 Nghị định, 6 Nghị quyết; Thủ tướng Chính phủ ban hành 8 Quyết định. Bộ Y tế ban hành 34 Thông tư theo thẩm quyền.
Ngành y tế đã giải quyết cơ bản giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế; bảo đảm vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng; tháo "nút thắt" trong cơ chế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế như: Bãi bỏ quy định về tổng mức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; bổ sung đối tượng được hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế; nâng mức hưởng từ 80% lên 100% chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế…
Kiểm soát tốt các loại dịch bệnh. Hệ thống tổ chức, bộ máy của ngành y tế được củng cố, kiện toàn. Một thành tích quan trọng cũng cần phải nhấn mạnh đó là, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số được đẩy mạnh. Theo đó, ngành y tế đã tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê y tế; bước đầu hình thành các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Thực hiện kết nối, liên thông dữ liệu y tế để thực hiện một số thủ tục hành chính như cấp đổi giấy phép lái xe, cấp giấy chứng sinh, báo tử…
Điểm lại một loạt con số ấn tượng của ngành đã đạt được: 100% đơn vị thuộc Bộ Y tế thành lập Tổ chuyển đổi số. 100% cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc đã triển khai khám chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân gắn chip. 100% các cơ sở khám chữa bệnh có dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. 100% hồ sơ công việc của Bộ Y tế được thực hiện, quản lý trên môi trường điện tử. 100% (161/161) thủ tục hành chính đủ điều kiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình.
Quang cảnh Hội nghị |
Đặc biệt, năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở được nâng lên. Kiểm soát tốt các loại dịch bệnh. Mạng lưới y tế cơ sở phát triển rộng khắp cả nước. Hệ thống tổ chức, bộ máy của ngành y tế được củng cố, kiện toàn. Mạng lưới các cơ sở đào tạo nhân lực y tế tiếp tục phát triển cả công lập và ngoài công lập, các chuyên ngành đào tạo được mở rộng.
Việt Nam được đánh giá ngày càng cao trên bản đồ y tế thế giới. Ngành y Việt Nam tiếp tục làm chủ thêm nhiều kỹ thuật cao. Đơn cử, năm 2023 lần đầu tiên Việt Nam thực hiện thành công ghép đa tạng tim - thận cùng lúc cho một bệnh nhân tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức.
Nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Y tế trong năm 2024, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chia sẻ: Tiếp tục phát huy các kết quả đạt được, trong thời gian tới ngành Y tế sẽ tập trung nâng cao năng lực của hệ thống y tế dự phòng để ứng phó với các tình huống khẩn cấp và sự cố y tế công cộng, bảo đảm an ninh y tế, an toàn thực phẩm;
Tăng cường và đổi mới mạnh mẽ y tế cơ sở trong tình hình mới hướng tới thực hiện bao phủ sức khỏe toàn dân. Nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh phục vụ người dân tạo được sự hài lòng của người bệnh. Triển khai quyết liệt chuyển đổi số ngành Y tế;
Thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, nghiên cứu sản xuất vắc xin, thuốc chữa bệnh và trang thiết bị y tế. Tăng cường công tác quản lý dược, thực phẩm, trang thiết bị y tế. Nâng cao năng lực nghiên cứu, sản xuất, kiểm nghiệm, kiểm định thuốc, vắc xin, sinh phẩm, trang thiết bị y tế;
Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về công tác dân số trong tình hình mới; tăng cường vai trò, vị thế của y tế Việt Nam trên trường quốc tế; thúc đẩy các hợp tác song phương, đa phương, thu hút nguồn lực, hỗ trợ kỹ thuật từ các nước phát triển; thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác chuyên môn giữa các trường, viện, bệnh viện với các quốc gia trên thế giới…;
Nhìn lại năm 2023, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, ngành y tế phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Ảnh: VGP |
Qua nghe báo cáo và các ý kiến tham luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái bày tỏ ấn tượng về những thành tựu của ngành y tế trong những năm qua. Nổi bật là y tế Việt Nam luôn có những biện pháp hữu hiệu để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Bộ Y tế tập trung triển khai các biện pháp đổi mới cơ chế tài chính y tế; thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế; rà soát, sắp xếp đơn vị sự nghiệp y tế công lập; nghiên cứu, đề xuất chính sách đãi ngộ phù hợp cho cán bộ y tế trong tổng thể cải cách tiền lương;… phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân, góp phần quan trọng xây dựng đất nước phồn vinh, thịnh vượng, nhân dân khỏe mạnh, ấm no, hạnh phúc.Nhìn lại năm 2023, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, ngành y tế phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể là, cạnh tranh chiến lược, xung đột trên thế giới diễn biến phức tạp làm các chuỗi cung ứng nói chung bị đứt gãy, trong đó có thuốc, vật tư, thiết bị y tế. Bên cạnh đó, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, tệ nạn xã hội, ô nhiễm môi trường, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm… làm cơ cấu dịch bệnh có nhiều thay đổi, gánh nặng của bệnh không lây nhiễm tăng trong khi bệnh truyền nhiễm vẫn còn nguy cơ cao; công tác ứng phó của ngành y ngày càng khó khăn, vất vả.
Quy mô dân số ngày càng tăng công việc thường xuyên của các cấp, các ngành, nhất là ngành y ngày càng nhiều. Đời sống của Nhân dân ngày càng được nâng lên yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao về chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe.
Đặc biệt là, số lượt khám chữa bệnh tăng cao sau dịch COVID-19 gây quá tải ở nhiều cơ sở y tế, làm gia tăng tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, y tế... Thực tế xảy ra tại một số bệnh viện lớn, nhiều bệnh nhân phải tự bỏ tiền túi ra ngoài viện mua thuốc, vật tư trong danh mục bảo hiểm y tế chi trả. Bên cạnh đó, đã xuất hiện tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên tại các cơ sở y tế khu vực công lập.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trao Cờ thi đua của Chính phủ cho 3 đơn vị của Bộ Y tế. Ảnh: VGP |
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, đã trao Cờ thi đua của Chính phủ tặng 3 tập thể thuộc Bộ Y tế gồm: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống nhất, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương./.