Ngân hàng mạnh tay cho vay mua lúa và xuất khẩu gạo
Kinh tế 31/08/2021 07:47
Xuất khẩu gạo khó nhiều bề
Số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, 7 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu gần 3,5 triệu tấn gạo, trị giá 1,88 tỉ USD, giảm 12,69% về sản lượng và giảm 3,1% về giá trị. Đứt gãy chuỗi cung ứng chính là lí do khiến sản lượng và giá trị xuất khẩu gạo sụt giảm so với cùng kì.
Để tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu gạo, mới đây, Bộ Công Thương đề xuất gói giải pháp toàn diện. Bộ này cho rằng, việc khơi thông dòng chảy chuyên chở sẽ góp phần đáng kể giúp các thương nhân xuất khẩu gạo duy trì được chuỗi cung ứng lúa gạo hàng hóa từ đồng ruộng ra đến cảng xuất khẩu. Vì vậy, các doanh nghiệp kinh doanh ngành logistic phải công khai, minh bạch về giá cước vận chuyển container và điều chỉnh giá cước vận chuyển về mức hợp lí để hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong bối cảnh dịch Covid-19 như hiện nay.
Tại cuộc họp trực tuyến giữa 4 tỉnh: Đồng Tháp, Kiên Giang, An Giang và thành phố Cần Thơ với Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) bàn giải pháp kết nối tiêu thụ lúa, nếp giữa thời điểm dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Để tháo gỡ khó khăn trong việc thu mua, chế biến, xuất khẩu gạo, các tỉnh thống nhất thành lập Tổ công tác phản ứng nhanh, “đường dây nóng” để tiếp nhận, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp thu mua, vận chuyển lúa giữa các tỉnh. Đồng thời, kiến nghị Trung ương có giải pháp hỗ trợ gói tài chính cho doanh nghiệp thu mua nông sản và mua tạm trữ lúa gạo.
Cùng với đó, các đơn vị tỉnh An Giang và TP. Cần Thơ sẽ làm việc với các cảng Mỹ Thới, cảng Thốt Nốt để có giải pháp nâng cao công suất đóng container, bốc dỡ hàng nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo.
Việc giải phóng lượng hàng xuất gạo cho các doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn hiện nay giúp giảm áp lực đầu ra cho mặt hàng nông sản xuất khẩu, đảm bảo thông suốt chuỗi cung ứng hàng thiết yếu trong nước và quốc tế.
Ngân hàng mạnh tay cho vay
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, từ đầu năm 2021 tới nay, tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã cấp hạn mức tín dụng 56.000 tỉ đồng cho các doanh nghiệp, thương nhân thu mua, tạm trữ lúa gạo; giải ngân với tổng doanh số lũy kế 93.000 tỉ đồng để thu mua gần 7,3 triệu tấn gạo cho nông dân mà đa phần là NCT. Dư nợ thu mua, tiêu thụ đến cuối tháng 8/2021, ước đạt 51.500 tỉ đồng, tăng 22% so với năm 2020, chiếm 92% hạn mức được cấp. Mặc dù vậy, nhiều khả năng, do chuỗi cung ứng lúa gạo bị đứt gãy, dòng vốn xoay vòng của doanh nghiệp chậm lại nên thời gian tới, có thể nhu cầu vay vốn để thu mua, tạm trữ lúa gạo của doanh nghiệp sẽ tăng lên.
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, các ngân hàng phải đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của thương nhân kinh doanh, đầu tư, chế biến thóc, gạo, người sản xuất lúa với thời hạn và lãi suất hợp lí. Đồng thời, mở rộng, tăng hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp để bảo đảm đủ nguồn vốn thu mua, tạm trữ thóc, gạo cho người nông dân trong vụ Hè - Thu và vụ Thu - Đông, nhằm góp phần ổn định giá thóc gạo, bảo đảm lợi nhuận cho người trồng lúa (trong đó có NCT). Các ngân hàng tiết giảm chi phí hoạt động không cần thiết để dành nguồn lực thực hiện cam kết giảm lãi suất cho vay lên tới 1%/năm trong các tháng cuối năm như kế hoạch đăng kí với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam. Đồng thời, linh hoạt áp dụng các hình thức bảo đảm tiền vay, xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm trên cơ sở quản lí dòng tiền, cải tiến quy trình cho vay…
Tại Hội nghị trực tuyến gần đây, đại diện nhiều ngân hàng cho hay sẽ nỗ lực đáp ứng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp, người dân trong ngành lúa gạo. Tuy vậy, nhiều ngân hàng mong muốn Ngân hàng Nhà nước sửa đổi Thông tư 03 về cơ cấu nợ, đồng thời nới thêm room tín dụng để các ngân hàng có điều kiện hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp và người dân sản suất lúa gạo.
Mở rộng, tăng hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp để đảm bảo đủ nguồn vốn thu mua, tạm trữ thóc, gạo cho người nông dân trong vụ Hè Thu, tới đây là vụ Thu Đông nhằm góp phần ổn định giá thóc gạo, bảo đảm lợi nhuận cho người trồng lúa.
Thực hiện nghiêm quy định về trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó có ngành lúa gạo; tiết giảm mọi chi phí hoạt động không cần thiết để dành nguồn lực giảm lãi suất vay; thực hiện cam kết đồng thuận giảm lãi suất cho vay lên tới 1%/năm trong các tháng cuối năm. Riêng ngành lúa gạo xem xét giảm thêm 0,5% cho các khoản vay mới để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, thương nhân thu mua tạm trữ thóc, gạo.
Linh hoạt áp dụng các hình thức bảo đảm tiền vay để nông dân cao tuổi được hỗ trợ vốn vay ưu đãi đơn giản, xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm trên cơ sở quản lí dòng tiền vàtài sản thế chấp là sản lượng vụ tơi và là kinh nghiệm uy tín của nông dân NCT. Tiếp tục cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng để tạo thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng. Chủ động tiếp cận các doanh nghiệp, thương nhân lúa gạo và thỏa thuận các nội dung liên quan theo nguyên tắc tín dụng thương mại, phù hợp quy định pháp luật về cấp tín dụng.
Lúa gạo là ngành sản xuất chính trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam và ĐBSCL, do vậy, ngành Ngân hàng luôn quan tâm đầu tư tín dụng đối với lĩnh vực này. Quan tâm đến nông nghiệp là quan tâm đến nông dân và nông thôn, đồng thời cũng là quan tâm đến tháo gỡ khó khăn cho NCT. Bởi trong hơn 11 triệu NCT Việt Nam thì có đến 64% sinh sống ở nông thôn.