Ngân hàng Bạc Liêu hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân và người cao tuổi bị ảnh hưởng do dịch Covid-19
Kinh tế 14/09/2021 10:46
Giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng
Để thực hiện tốt “mục tiêu kép” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy và UBND tỉnh, nhiều ngân hàng thương mại chủ động đi đầu trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ và chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp.
Điển hình như Vietcombank Bạc Liêu, từ năm 2020 đến nay triển khai 7 đợt giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp do NCT làm chủ. Đặc biệt từ ngày 20/8/2021, Vietcombank Bạc Liêu giảm lãi suất cho vay tới 0,5%/năm cho toàn bộ dư nợ vay của khách hàng và đẩy mạnh tái đầu tư với tổng dư nợ cho vay đến nay đạt hơn 4.580 tỉ đồng, tăng trên 220.000 tỉ đồng so với cuối năm 2020. Ngoài ra, Vietcombank Bạc Liêu giảm lãi vay gần 10 tỉ đồng cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Từ nay đến cuối năm, Vietcombank Bạc Liêu sẽ tiếp tục triển khai nhiều chương trình cho vay lãi suất thấp đối với các khoản vay mới, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn. Tổng số tiền lãi hỗ trợ khách hàng của cả hệ thống Vietcombank dự kiến lên tới 1.000 tỉ đồng, nâng tổng số tiền lãi hỗ trợ khách hàng trên toàn quốc cả năm 2021 khoảng 7.100 tỉ đồng.
Khách hàng giao dịch với ngân hàng |
Còn Agribank Bạc Liêu cũng tích cực triển khai nhiều chương trình, gói hỗ trợ khách hàng, nhất là các lĩnh vực thuộc thế mạnh của ngân hàng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn và xuất khẩu. Tổng dư nợ cho vay đến nay đạt trên 8.800 tỉ đồng với hơn 30.000 khách hàng vay vốn. Trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông dân và nông thôn – khu vực có tỉ lệ lớn NCT của tỉnh cư trú, với 7.900 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng 89,5%/tổng dư nợ. Ngoài các đối tượng ngành nghề cho vay theo quy định, Agribank Bạc Liêu còn triển khai chương trình tín dụng tiêu dùng đối với khách hàng cá nhân, hộ gia đình nhằm đẩy mạnh hoạt động tín dụng tiêu dùng lành mạnh, góp phần hạn chế tín dụng đen và đã đầu tư hơn 7.570 tỉ đồng cho vay các cá nhân, hộ gia đình với lãi suất ưu đãi, đặc biệt là các hộ nông dân, hộ NCT ở vùng nông thôn còn gặp nhiều khó khăn về vốn trong tổ chức mua bán nhỏ, giải quyết việc làm, chăn nuôi…
Kéo dài miễn giảm gia hạn nợ
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Bạc Liêu, tổng dư nợ đến cuối tháng 8/2021 đạt hơn 31.800 tỉ đồng, tăng 1.684 tỉ đồng và tăng gần 6% so với đầu năm. Trong đó, nhiều chương trình tín dụng thế mạnh của tỉnh tiếp tục được các tổ chức tín dụng trên địa bàn quan tâm đầu tư, như cho vay phát triển sản xuất nông nghiệp hơn 14.445 tỉ đồng, cho vay xuất khẩu trên 3.669 tỉ đồng, cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ gần 7.500 tỉ đồng…
Trong điều kiện sản xuất - kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhưng các chương trình cho vay đều tăng so với cùng kì, bình quân khoảng 5% - 6% và góp phần cho tăng trưởng tín dụng chung trong 8 tháng của năm 2021 tăng gần 6%. Đây là một thành tích đáng ghi nhận, thể hiện sự nỗ lực, chia sẻ khó khăn và đồng hành với doanh nghiệp, khách hàng của các tổ chức tín dụng. Sự nỗ lực này cũng hỗ trợ đáng kể cho nông dân, ngư dân với không ít chủ hộ, người lao động là NCT ở khu vực nông thôn của tỉnh giảm bớt khó khăn trong thu hoạch, gieo trồng nông thủy sản đúng mùa vụ trong bối cảnh dịch bệnh.
Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp như hiện nay, cùng với tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vốn, miễn giảm lãi suất cho vay, các tổ chức tín dụng cần có ngay các kế hoạch và giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp hậu dịch Covid-19. Đó là tiếp tục đầu tư vốn cho phát triển sản xuất - kinh doanh, nhất là các ngành dịch vụ và thương mại, xuất khẩu cho doanh nghiệp. Đồng thời, có ngay các gói tín dụng nhỏ phục vụ cho phần đông lao động nghèo với các ngành nghề kinh doanh và mua bán nhỏ, trong đó có nhiều hộ NCT, nhằm hạn chế tối đa “nạn vay nóng” hoặc tín dụng “đen” với lãi suất “cắt cổ” thông qua các công ty tài chính vốn khó kiểm soát và thật sự trở thành gánh nặng cho lao động nghèo và NCT.