Nên đưa nhãn hàng vi phạm đạo đức trong lính vực quảng cáo vào "danh sách đen"
Tin tức 30/05/2024 16:41
Có 4 hiện tượng quảng cáo vi phạm phổ biến về TPCN hiện nay, đó là quảng cáo sai sự thật, lừa gạt, giả mạo; quảng cáo phóng đại, thổi phồng sản phẩm; quảng cáo mơ hồ, gây hiểu nhầm; quảng cáo nhắm vào các đối tượng nhạy cảm (người bệnh ung thư, bệnh hiểm nghèo).
"Thực tế, không có sản phẩm khoa học nào có tác dụng như quảng cáo đánh bay tiểu đường type 1, type 2, chữa dứt điểm hoàn toàn huyết áp cao… Chính những quảng cáo sai phạm trong lĩnh vực TPCN đã và đang gây ra những tác hại nguy hiểm cho xã hội", ông Trần Đáng nhấn mạnh.
Nguyên nhân của thực trạng này được chỉ ra là do thiếu quy chế pháp luật đối với người quảng cáo, người kinh doanh quảng cáo, người phát hành quảng cáo. Hiện nay, mới có quy định xử lý người quảng cáo. Bên cạnh đó, còn do hệ thống quản lý, thanh tra chưa hoàn thiện, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe…
Ảnh: Minh họa |
Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, Luật An toàn thực phẩm chỉ quản lý chung về thực phẩm, còn quy định về quảng cáo hàng hóa nói chung và quảng cáo TPCN nói riêng nằm trong Luật Quảng cáo và các văn bản hướng dẫn. Theo đó, người phát hành quảng cáo chỉ được phát hành quảng cáo theo đúng nội dung đã thẩm định.
Tuy nhiên, thực tế, nhiều doanh nghiệp quảng cáo sản phẩm không theo nội dung đã thẩm định. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp cho biết, họ không quảng cáo sản phẩm sai quy định, mà do đơn vị, cá nhân khác quảng cáo, họ không nắm được.
Nhiều sản phẩm còn có nội dung quảng cáo "lách luật" giữa thuốc đông y và TPCN, không nói rõ sản phẩm là gì, gây hiểu lầm nghiêm trọng, đặc biệt trên nền tảng công nghệ số.
Về chế tài xử phạt, pháp luật đã quy định. Song vấn đề là người phát hành quảng cáo, đặc biệt là các trang mạng xã hội có máy chủ ở nước ngoài nên rất khó xử phạt.
"Nguy hại về quảng cáo gian dối trong lĩnh vực y tế không chỉ về tài chính mà nhiều người mắc bệnh nan y, nếu được phát hiện, điều trị sớm có thể chữa khỏi bệnh hoặc kéo dài sự sống. Tuy nhiên, những quảng cáo TPCN "cam kết chữa khỏi" đã lấy đi thời gian vàng điều trị bệnh của họ.
Thậm chí, nhiều sản phẩm quảng cáo: giảm cân, xương khớp, tăng cường sinh lý nam…còn chứa chất cấm", lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm nhấn mạnh.
Các chuyên gia khẳng định, TPCN có đóng góp lớn vào việc nâng cao sức đề kháng của cơ thể, hỗ trợ điều trị một số bệnh. Tuy nhiên, TPCN không thể thay thế thuốc chữa bệnh.
Thời gian qua, nhiều sản phẩm TPCN bị thổi phồng về công dụng như thần dược đã khiến không ít NCT bị “dính bấy” tiền mất, tật mang. Chỉ vì tin vào nội dung quảng cáo, lợi dụng hình ảnh của người nổi tiếng, nghệ sĩ, bác sĩ, người có ảnh hưởng xã hội, các nhà phân phối TPCN thiếu lương tâm, nhắm vào đối tượng NCT để bán hàng thu lợi bất chính. Đa số NCT đều mắc nhiều bệnh mãn tính nên việc ưu tiên cho sức khỏe được đặt lên hàng đầu, đây cũng chính là yếu điểm để các tổ chức đơn vị kinh doanh TPCN lợi dụng để quảng cáo bán hàng thu lợi.
Để thị trường TPCN phát triển lành mạnh, góp phần bảo vệ sức khỏe của người dân, Hiệp hội TPCN Việt Nam đã ban hành quy chế về đạo đức quảng cáo TPCN. Quy chế gồm 5 chương, 16 điều, chỉ ra cụ thể những hành vi được coi là vi phạm trong quảng cáo TPCN và nêu rõ những chuẩn mực đạo đức trong quảng cáo, biện pháp hạn chế vi phạm đạo đức quảng cáo…
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng việc quảng cáo TPCN hiện nay không chỉ nằm ở đơn vị phát hành quảng cáo, những nền tảng xuyên biên giới như TikTok, Facebook mà còn cả trí tuệ nhân tạo, các thuật toán. Đây là những khó khăn đặt ra trong việc quản lý, xử lý và cảnh báo người tiêu dùng. Để kiểm soát được những nội dung quảng cáo TPCN sai sự thật, cần chú ý đến không gian mạng. "Hiện nay, đã có nhiều biện pháp xử lý đối với những tên miền, doanh nghiệp vi phạm về quảng cáo như chặn tên miền quốc tế hoặc xử phạt trong nước. “ Bên cạnh đó, chúng ta có thể xếp hạng doanh nghiệp, nhãn hàng TPCN theo chuẩn mực đạo đức trong lĩnh vực quảng cáo. Song song với đó là thống kê, phát hiện xử phạt vi phạm, đưa nhãn hàng vào “danh sách đen” để cảnh báo đến người tiêu dùng”../.