Một kỉ niệm với đồng chí Lê Khả Phiêu
Văn hóa - Thể thao 11/08/2021 13:00
Tại Hội thảo, đồng chí Lê Khả Phiêu trình bày tham luận đầu tiên, với nội dung: "Phong trào cách mạng Trung Lào với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở Lào". Sau khi điểm lại lịch sử trong những năm 1945 đến 1949, khi Pháp gây chiến tranh hòng tiêu diệt cách mạng Lào, đồng chí đã nhấn mạnh: “Sự kiện 2 Đảng, 2 Chính phủ Việt Nam và Lào thoả thuận đưa QTN Việt Nam sang giúp cách mạng Lào (30/10/1949) đánh dấu bước phát triển trong liên minh chiến đấu giữa hai nước. Từ đó, QTN Việt Nam đã sát cánh với Nhân dân và Quân đội Pa thét Lào đẩy cuộc đấu tranh lên một bước mới. Năm 1953-1954, hai Chính phủ quyết định mở chiến dịch Trung - Hạ Lào, giải phóng thị xã Thà Khẹt, mở rộng căn cứ cách mạng Trung Lào. Đến thời kì kháng chiến chống Mỹ, bộ đội Pa thét Lào sát cánh với QTN Việt Nam đánh bại "Chiến tranh đặc biệt tăng cường" của Mỹ - ngụy Lào, đỉnh cao là đánh bại chiến dịch "Cù kiệt" ở Bắc Lào, rồi chiến dịch "Đường 9 - Nam Lào" đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ đến thắng lợi, buộc địch phải kí Hiệp định Viêng Chăn ngày 21/2/1973, tạo thời cơ để đi đến thắng lợi 1975 nước CHDCND Lào ra đời”.
Tác giả (bìa trái) chụp chung với nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu |
Đồng chí cảm ơn Đảng, Chính quyền, Mặt trận, Nhân dân Lào đã ủng hộ hết mình cho cách mạng giải phóng miền Nam Việt Nam, sự hi sinh vì nhiệm vụ giải phóng của 2 dân tộc, góp phần làm nên kì tích của đường Hồ Chí Minh huyền thoại và chiến thắng 30/4/1975 của Việt Nam.
Đoàn CCB Sư đoàn 968 cũng đóng góp hai tham luận của Đại tá Hoàng Xiển và Đại tá Lê Quang Huân. Các tham luận nêu lên vai trò có tính quyết định thắng lợi về quân sự, đánh bại chiến tranh "Đặc biệt tăng cường" của đế quốc Mỹ ở Nam Lào; nói lên sự liên minh chiến đấu của QTN Việt Nam và bộ đội Pa thét Lào, sự phối hợp chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng cách mạng Lào và đường Hồ Chí Minh, biểu tượng của tình đoàn kết đặc biệt Lào - Việt.
Trong giao lưu, các CCB của 2 nước kể cho nhau nghe nhiều kỉ niệm về những trận đánh thắng có sự hiệp đồng giữa bộ đội ta và bạn, tô đẹp thêm truyền thống đoàn kết chiến đấu giữa Quân đội và Nhân dân hai nước. Các CCB còn kể những câu chuyện đầy ân tình của người dân Lào đối với bộ đội Việt Nam trong những năm tháng sống, chiến đấu trên đất nước bạn. Đại tá Võ Ngọc Đạo, có 12 năm chiến đấu tại Lào, kể: Hồi đó, mỗi lần vào bản công tác, nắm tình hình địch, đứng trước nhà phò bản, ông thường cất câu hát vui: Phò mè ơi, lục khơi ma lẹo, vay tum khạu hạy lục khơi kin (Bố mẹ ơi, con rể đến rồi, mau nấu cơm cho con rể ăn). Gia đình phò bản mừng rỡ đón chào ông như người thân đi xa trở về, còn cô con gái thì e lệ, thẹn thùng... để lại trong ông niềm vương vấn. Bà Phan Thị Thúy Liễu, có 7 năm là cán bộ dân vận trong vùng địch. Bà vốn là Việt kiều được giác ngộ cách mạng, từng lặn lội trong dân để tuyên tuyền, phát động quần chúng. Trong câu chuyện về những năm tháng ấy, bà xúc động nói lời xin lỗi đến những chàng trai bản, vì công tác cách mạng mà bà đã từ chối tình cảm riêng tư mà họ dành cho. Giữa không khí đầm ấm nghĩa tình đó, tôi cùng Viêng Kẹo, nguyên nữ tuỳ viên văn hoá Đại sứ quán Lào tại Hà Nội, hát bài dân ca Chăm pa Mường Lào bằng hai thứ tiếng, cả hội trường rộn ràng hưởng ứng, vỗ tay hoà theo...
Mặc dù phóng viên báo chí hai nước liên tục xin phỏng vấn, đồng chí Lê Khả Phiêu và đồng chí Sa mản Vi nhạ kệt vẫn dành thời gian đến thăm hỏi đoàn CCB Sư đoàn 968. Nguyên Tổng Bí thư khen ngợi: "Thành tích chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn ở Nam Lào trong thời kì kháng chiến chống Mỹ (1968-1974) và thời kì bảo vệ Nhà nước CHDCND Lào (1978-1988) đã góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng và mối quan hệ đặc biệt giữa hai dân tộc". Hai đồng chí lãnh đạo thân mật chụp ảnh lưu niệm cùng các CCB Sư đoàn 968 với tình cảm quý mến. Riêng với nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, trong những năm chống Mỹ, từng là Chính uỷ Trung đoàn 9 và trong cuộc Tổng tấn công Mậu Thân mùa Xuân 1968, đồng chí kiêm Trung đoàn trưởng, chỉ huy đơn vị chiếm giữ thành Huế 25 ngày đêm. Từ tháng 5/1970, Trung đoàn 9 về Sư đoàn QTN 968 chiến đấu trên chiến trường Nam Lào, vì vậy tình cảm của đồng chí đối với đoàn CCB Sư đoàn 968 chúng tôi càng đặc biệt thân thương.
Hôm sau, vì còn bận nhiều việc đồng chí Lê Khả Phiêu rời Quảng Trị về Hà Nội. Còn chúng tôi vẫn tiếp tục chương trình, sang Savanakhet giao lưu với các CCB Lào, thăm một số di tích lịch sử - cách mạng và cơ sở kinh tế của tỉnh Savanakhet hợp tác với Việt Nam trong thời kì đổi mới.