Một hành trình buồn...
Xã hội 09/02/2023 15:31
Kì 1: Gặp lại người quen và câu chuyện về hai chữ “gần hết”!
Mấy lần trước theo xe các đoàn tình nguyện đến bản trung tâm xã Tà Tổng , huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu tặng quà, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho đồng bào các dân tộc một vài ngày là xong nên chúng tôi chỉ được nghe đại diện lãnh đạo “tăng cường” địa phương quảng bá: Cái văn minh, cái thành quả xây dựng cơ sở an ninh, chính trị, xóa bỏ gần hết hủ tục lạc hậu và vấn nạn tái trồng, nghiện hút thuốc phiện trên địa bàn mà thôi.
Thượng nguồn sông Đà hùng vĩ và lãng mạn tựa như câu thơ: Nơi ngủ dậy núi đong đầy trong mắt/ Trong chiêm bao còn vọng tiếng lai chiều…”, nhưng cuộc sống của nhiều người Mông, người Hà Nhì tại các bản vùng lõi không điện lưới thuộc xã Tà Tổng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu thì vẫn cứ lầm than bởi vấn nạn tái trồng và nghiện hút thuốc phiện, tiêm chích ma túy. Chúng tôi đi giữa sự cách trở, nghèo làn, lạc hậu của mảnh đất núi rừng biên giới này mà ớn lạnh khi thấy những vạt cây anh túc đang ẩn dật trổ hoa, những mớ kim tiêm vệ đường mòn còn dính máu, những bàn đèn thuốc phiện đen ngòm cứ leo lét cháy làm mê hoặc biết bao phận người… |
Chính hai chữ “gần hết” ấy đã thôi thúc chúng tôi trở lại mảnh đất biên giới xa xôi này vào đúng thời khắc hoa anh túc bắt đầu chớm nở ẩn dật trong các khu rừng sâu, núi thẳm mờ sương. Vừa đến đầu bản trung tâm xã Tà Tổng, chúng tôi gặp luôn một người quen ngày nào là ông Giàng Chờ Sình đảng viên cao tuổi bậc nhất ở đây đang dẫn một đàn con cháu gùi ngô trên nương về nhà, đứng lại tay bắt nhưng ánh mắt ông Sình không mừng: “Hầy dà! Lại đến nữa à? Nói thật đừng quở trách nhá: Từ ngày gia đình mình đang ở trên đỉnh núi cao chót vót chuyển xuống bản trung tâm xã định cư tới giờ đã có không ít báo đài, thời sự ti vi kể về cuộc sống, an ninh chính trị và bà con người Mông các bản gần trung tâm xã nhà toàn là cái tốt, cái ấm no văn minh thôi. Còn những cái hủ tục lạc hậu, những phận người bơ vơ đói cơm, đói cả thuốc phiện ở các bản vùng lõi của quê hương mình thì các báo, đài gần xa mãi chẳng chịu kể chút nào. Chắc là các báo, đài ấy sợ Tia Ma Mủ, A Mé núi cao, vực sâu án ngữ, cản đường ý mà”.
Không khí chỉ vui lên khi chúng tôi cười, đỡ gùi ngô trên lưng cho ông Sình vào sân nhà thì thầm thông báo: “Dịp này chúng cháu sẽ quyết vào bằng được hai bản Tia Ma Mủ của người Mông, bản A Mé của người Hà Nhì xã ta trong rừng sâu vừa được xếp vào danh sách là những bản nghèo nhất Tây Bắc đấy…”. Ông Sình cười: “Đúng là Lai Châu nghèo nhất cả nước. Mường Tè nghèo nhất Lai Châu. Tà Tổng thì nghèo nhất Mường Tè. Còn các bản Tia Ma Mủ, A Mé… thì vì mãi không triệt được hết cây anh túc mà nghèo nhất xã nhà, nghèo từ nguồn nước đến điện lưới, nghèo trong mỗi bữa ăn của người dân và nghèo đến cả điệu khèn, tiếng sáo, lời ca lên nương ngô, nương lúa… đấy nhá”.
Ông Giàng Chờ Sình - người đảng viên cao tuổi ở bản trung tâm xã Tà Tổng |
Sự hứng khởi của ông Sình chợt tắt khi chúng tôi nhờ ông dẫn sang thăm chị Giàng Thị Lầu - người phụ nữ Mông xinh tươi, hoạt ngôn từng là “cánh tay phải” trợ giúp nơi ăn, chốn ở cho đoàn bác sĩ Bệnh viện 109, Quân khu 2 dịp lên bản trung tâm xã Tà Tổng tặng quà, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho đồng bào các dân tộc.
Thấm thoắt đã 3 mùa cây anh túc ra hoa, rồi lặng lẽ làm nhựa. Vừa dẫn chúng tôi đi sang nhà chị Lầu, ông Sình vừa than thở: “Cái Lầu trước kia là đứa con gái xinh có cái bụng sáng nhất trong bản Tia Ma Mủ bị thằng Cở bắt ra ngoài này làm vợ. Bây giờ nó không còn xinh đẹp và sáng cái bụng như trước nữa đâu vì sớm tối cứ “bất li thân” với chiếc đèn thuốc phiện dơ bẩn. Ngày nào cũng thấy nó dậy từ rất sớm đi bộ mấy chục cây số vào bản Giàng Ly Cha để kiếm bằng được thuốc phiện về hút thay chồng”.
Theo ông Sình bước vào trong căn nhà nhỏ thó bề bộn chăn màn, quần áo… chúng tôi không thể tin nổi mắt mình khi nhìn thấy chị Lầu xinh tươi hôm nào nay đã biến thành người đàn bà thiểu não đang nằm lim dim, mơ màng với chiếc đèn phập phù cháy mê hoặc, ma quái. Chờ cho chị dùng hết chút sái thuốc phiện ít ỏi còn lại, chúng tôi mới cất lời hỏi: “Chị Lầu còn nhớ chúng em không?” Chị ngơ ngác cố lục lại kí ức một lát rồi ánh mắt ngời sáng: “Mấy người ngày trước chụp ảnh theo các bác sĩ bộ đội đến cho thuốc dân bản uống chữa bệnh mà”. Chúng tôi lại hỏi: “Chị nghiện thứ này bao giờ?” Chị Lầu trút bầu kể: “Từ khi chồng mình bị Công an xã vây bắt trong rừng sâu khi đang lấy nhựa cây hoa anh túc về cô thành chỉ để bán, để tích bếp dùng dần. Chồng không đi rừng, suốt ngày ở nhà mơ màng nằm giường hút thuốc. Mùi thuốc thơm chồng hút đêm ngày tỏa ra theo khói mình ngửi nhiều rồi nghiện lúc nào không biết”.
Chúng tôi chợt giật mình hỏi thêm chị Lầu: “Thế chồng con chị hôm nay đi đâu mà không có ở nhà?” Chị chẳng cần suy nghĩ nói ngay: “Chồng mình đói thuốc chết một năm rồi. Còn thằng Sùng A Tủa mới bỏ học lớp 9 đi đâu mấy hôm chưa thấy về nhà. Biết nghiện cái thứ thuốc này sẽ khổ cả đời, đến đời con mình cũng sẽ khổ theo. Mình đã nghe công an, bộ đội ngoài xã vào khuyên bỏ nghiện thuốc phiện nhiều lần rồi, nhưng bây giờ trong bụng mình càng muốn bỏ thì cái tay vẫn cứ điều khiển mình nghiện nhiều hơn. Thuốc phiện khó bỏ lắm. Thôi! Muốn chụp ảnh người Mông nghiện thì chịu khó vào trong bản Tia Ma Mủ mà chụp, đường lên đó khó đi, xa lắm đấy nha”.