Một hành trình buồn...
Xã hội 10/02/2023 09:06
Bản Tia Ma Mủ - vùng lõi cao sâu nhất xã Tà Tổng có hơn 50 hộ, với gần 300 nhân khẩu là người Mông di cư từ nơi khác về cách đây hơn 10 năm. Nhà văn hóa bản nằm chơ vơ trên một bãi đất trống, không nước sạch, không điện lưới. Cả bản trông vào một chiếc máy thủy điện cực nhỏ đặt ngoài suối nhưng liên tục hỏng hóc. Đèn, quạt, tivi, loa đài karaoke đủ cả, nhưng chỉ để làm cảnh, vì “cứ dùng là ọt ẹt giãy chết”. Sau cái bắt tay hờ hững chào chúng tôi, Trưởng bản Giàng A Trừ than rằng: “Tia Ma Mủ đất nhiều ruộng ít. Cả bản chỉ có một khe suối, đủ nước tưới cho 9 - 10 ha lúa ngô. Còn lại thì trông cả vào ông giời. Dân bản mình canh tác lạc hậu từ bao năm rồi cũng chỉ có phương thức duy nhất là chọc lỗ, tra hạt thôi. Vì thế, nửa số hộ trong bản là hộ nghèo có người nghiện thuốc phiện, còn lại là cận nghèo”.
Xóa bỏ việc trồng cây thuốc phiện. |
Giàng A Trừ tuy tâm thế không mặn mà mấy, nhưng là người rất hoạt ngôn, nói nhanh và khá hài hước khi kể cho chúng tôi nghe chuyện sóng di động ở bản: “Đó là thứ sóng mà mỗi khi muốn gọi điện thoại, mình và đồng chí Bí thư chi bộ bản phải chạy ra tận mỏm đồi này, vách núi kia cách đây hàng chục cây số. Nếu mình muốn cái máy điện thoại thay chân mình xuống xã báo cáo tình hình mọi mặt của bản thì phải chạy ra thật xa mới bắt được sóng. Bản đang lập danh sách số người nghiện thuốc phiện để nhờ điện thoại báo cáo chính quyền địa phương cử Công an xã đến khuyên bảo cách cai nghiện, bỏ trồng cây anh túc. Thứ việc này giống y như cách thức lực lượng chức năng xã nhiều lần vào rừng phá bỏ, bắt, thuyết phục những người Mông, người Hà Nhì đang ẩn náu thu hoạch nhựa cây thuốc phiện ở chốn rừng sâu, núi thẳm nào đó ra đầu thú, thành khẩn nói không tái trồng cây anh túc. Rồi sau đó, bắt đầu với những bài toán khó không dễ gì giải được một sớm, một chiều: Lấy đâu ra ruộng nương cho bà con canh tác đủ cái ăn, cái mặc để không phải ngày ngày chui rừng xuyên núi trồng cây anh túc. Và xa hơn, là việc thúc bọn trẻ đến trường nội trú trung tâm xã học cho cái bụng no chữ”.
Cô giáo mầm non Đặng Thị Hà có đến 9 năm “cắm” điểm trường Tia Ma Mủ, nay đã luân chuyển sang điểm trường bản Nậm Ngà, Trường Mầm non trung tâm xã Tà Tổng, cũng bộc bạch về sự cơ hàn ở bản Mông này và niềm mơ ước lớn nhất của mình: “Ngày đầu lên bản chưa có lớp học mầm non, tôi và phụ huynh chặt tre, lấy nứa về đan phên, dựng lớp. Có lớp rồi, tôi trèo đèo, lội suối đến từng nhà vận động cha mẹ cho con đến trường. Có khi phải đi 5 - 6 lần mới gặp được phụ huynh. Nhiều trẻ nhút nhát chạy trốn cô giáo và không muốn đến lớp. Cuộc sống, học hành vất vả, thiếu thốn là vậy, nhưng biết đâu một ngày nào đó ở đây có vài học sinh người Mông sẽ vào đại học, sẽ trở về xây dựng quê hương không khói thuốc phiện”.
Người dân hút thốc phiện tại nhà |
Nghe cô Hà nói thế, chúng tôi nhìn hiện tại để dự đoán tương lai đó ở Tia Ma Mủ vẫn còn xa lắm. Bởi bây giờ bản chưa có điện lưới, lại cách trung tâm xã ngót 70 km. Gần hơn nữa là cơm ăn, áo mặc của không ít dân bản còn chưa đủ… Hiện các lực lượng chức năng địa phương đang ngày đêm quyết tâm triệt hạ bằng được vấn nạn trồng, tái trồng cây anh túc ở đây.
Giữa màu trắng bàng bạc của núi rừng Tia Ma Mủ, tiếng chim khắc khoải gọi bạn tình nghe lành lạnh khi chúng tôi thấy anh Sùng Quơ Lềnh đang lụi cụi lấy chiếc bồ đựng hạt giống cây thuốc phiện xuống kiểm tra chất lượng, phân ra từng loại để mai kia đi tìm vạt rừng, khe núi hiểm gieo cho an toàn, hiệu quả. Sau khi nghe chúng tôi hỏi tại sao đã có lệnh cấm, xóa bỏ tái trồng, nghiện thuốc phiện từ lâu rồi mà anh bây giờ vẫn gieo trồng giống cây này? Anh Lềnh chẳng giấu giếm: “Nghiện quá rồi không trồng thì lấy gì mà hút, mà bán lấy tiền tiêu pha. Mình bí mật gieo cây này trong rừng cũng bị Công an xã vào phá nhổ nhiều lần rồi. Nhưng những lần như thế thấy bóng dáng Công an từ xa mình đã trốn vào rừng sâu nên Công an tới chỉ biết nhổ những cây đã mọc cao vô chủ rồi thôi, còn những hạt mầm mới gieo lứa kế tiếp ngay gốc những cây cao ấy thì Công an chẳng biết và cũng chẳng có sức đâu, thời gian đâu mà nhổ mới phá suốt được”.
Đúng là có vào “cắm” bản Tia Ma Mủ mới mắt thấy, tai nghe rõ hơi thở cuộc sống nghèo làn, lạc hậu, có nhiều người nghiện thuốc phiện như anh Lềnh cùng cách thức gieo trồng cây anh túc để ứng phó với Công an, lực lượng chức năng địa phương.
Khi chúng tôi hỏi: Mảnh đất vùng sâu này những năm gần đây từng diễn ra không ít cuộc “tổng lực” triệt phá tận gốc cây thuốc phiện cả nghĩa đen và nghĩa bóng mà sao vẫn không dập tắt được vấn nạn trồng, tái trồng cây thuốc phiện? Anh Giàng A Chu, Phó Chủ tịch xã Tà Tổng, kiêm Bí thư Chi bộ bản Tia Ma Mủ thừa nhận ngay: “Chắc chắn tôi vẫn phải dùng từ “chưa” vì bản Tia Ma Mủ hiện vẫn còn khá nhiều người nghiện lâu năm, trong khi quy định về xử lí hành vi trồng cây thuốc phiện chưa đủ sức răn đe. Một khi còn tồn tại khá nhiều người nghiện thì việc “tuyên chiến” với việc trồng, tái trồng cây thuốc phiện sẽ còn khó khăn, phức tạp bởi không trồng thì lấy đâu ra thuốc phiện hút? Đó là chưa kể, những nương thuốc phiện lại được trồng ở nơi hiểm trở, hẻo lánh đi lại khó khăn, các lực lượng chức năng còn gặp phải sự chống trả giấu mặt của các chủ nương bằng cách đặt bẫy cùng nhiều cách thức tinh vi hơn để đối phó với các cơ quan chức năng trong khi nguồn kinh phí dành cho chương trình xóa bỏ cây có chứa chất ma túy rất hạn hẹp”.
Là bản vùng lõi sâu nhất xã Tà Tổng nên Tia Ma Mủ rất lạnh, cái lạnh trong tâm can chúng tôi cũng vì thế mà cộng thêm sự ái ngại khi nghe Phó Chủ tịch xã Giàng A Chu nhấn nhá thêm: “Cuộc sống không điện, u mê làn khói thuốc phiện của không ít người Mông ở đây tụt hậu, cơ hàn bao nhiêu thì đồng bào Hà Nhì bên bản A Mé lại “nóng” về đói nghèo, tái trồng cây anh túc và nghiện chích hút thuốc phiện, ma túy bấy nhiêu”.