Mô hình đổi mới sáng tạo nào sẽ "ngự trị" trong tương lai?
Kinh tế 02/11/2021 07:47
Cần liên kết để lấp đầy khoảng trống trong hệ sinh thái ĐMST
Theo ông Từ Minh Hiệu, Phó Trưởng phòng Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo, Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, bức tranh hệ sinh thái đổi mới sáng tạo (HST ĐMST) ở Việt Nam trong giai đoạn vừa qua đã có nhiều khởi sắc với các hoạt động kết nối các doanh nghiệp KN ĐMST, điển hình như TECHFEST - một sự kiện thường niên đã trở thành một sân chơi tạo nền tảng để kết nối, hỗ trợ cho các doanh nghiệp KN ĐMST.
HST ĐMST của Việt Nam hiện nay đã phát triển rộng khắp với các hoạt động của các thành phần trong HST, từ những tổ chức hỗ trợ KN ĐMST, chương trình hỗ trợ đến sự tham gia của các quỹ đầu tư, nhà đầu tư phát triển… Giai đoạn này đang là sự chuyển mình trong vấn đề thay đổi nhận thức, là sự bùng nổ của công nghệ thông tin. Do đó, việc triển khai các hoạt động như ươm tạo, đào tạo, kết nối đã không còn hiệu quả nữa, mà thay vào đó, cần phải có sự liên kết, hợp tác nhằm thúc đẩy bên cạnh việc nâng cao năng lực cho các chủ thể, lấp đầy khoảng trống cho HST, thu hút nguồn lực cho ĐMST trong nước.
Để có thể liên kết các thành phần của HST, ông Hiệu đã đề xuất mô hình đổi mới sáng tạo mở, tức là đưa những nghiên cứu, phát triển ra ngoài khuôn khổ 1 tổ chức, doanh nghiệp; là việc thúc đẩy dòng dịch chuyển của công nghệ, tri thức từ khu vực Viện, Trường ra doanh nghiệp và ngược lại. Mô hình này không chỉ tạo sự liên kết, hợp tác để thúc đẩy ĐMST mà còn tạo giá trị cho doanh nghiệp, tổ chức và cho cả nền kinh tế.
HST ĐMST mở phải gắn chặt chẽ với doanh nghiệp, phát triển công nghệ, phát triển con người và tạo ra giá trị cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Với sự phát triển của công nghệ hiện tại, từ những chương trình ĐMST nâng cao năng lực của doanh nghiệp, tới những ứng dụng sản phẩm KHCN đã trở thành sức mạnh mới cho sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Chỉ khi áp dụng công nghệ, ĐMST thì doanh nghiệp mới có thể đứng vững trong thị trường.
Cũng theo ông Hiệu, hiện nay có 8/10 doanh nghiệp đứng đầu thế giới đều áp dụng công nghệ, và cách thức để doanh nghiệp gắn ĐMST với hoạt động sản xuất kinh doanh của mình chính là liên kết hợp tác, sử dụng tri thức không chỉ của bản thân doanh nghiệp, mà còn của cả những tổ chức bên ngoài.
Phó Trưởng phòng Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo nhấn mạnh, bên cạnh mô hình HST ĐMST mở, cũng cần hình thành các vườn ươm mở - các vườn ươm không chỉ tập trung hoạt động ươm tạo, mà còn cần có sự liên kết hợp tác với các chủ thể khác trong HST như chuyên gia, quỹ đầu tư… để tạo giá trị mới.
Mô hình ĐMST mở tập trung vào 3 từ khóa chính: nền tảng (platform) - HST (ecosystem) - mở (open). Mở ở đây là mở về mặt tư duy, thị trường, mở về mặt giới hạn địa lý, vật lý, ĐMST mở tạo ra sự liên kết không giới hạn trong doanh nghiệp, không giới hạn trong địa phương hay quốc gia nào. Và công cụ để hỗ trợ làm việc đó chính là những nền tảng kết nối - giúp liên kết, chia sẻ dễ dàng hơn, chẳng hạn mô hình của Got It. Cuối cùng, không ai có thể đứng một mình trong bối cảnh hiện tại, mà phải có sự liên kết hợp tác, chia sẻ nguồn lực với nhau tạo nên 1 hệ sinh thái hoàn chỉnh.
Mô hình Open Innovation (ĐMST mở đa doanh nghiệp) phản ánh đúng bản chất của ĐMST khi doanh nghiệp mở cửa, chào đón nhiều ý tưởng bên ngoài, cùng hợp tác và phát triển. |
Mô hình đổi mới sáng tạo mở sẽ trở thành xu thế
Như đã thông tin trong bài viết "Tài sản trí tuệ - sức mạnh của doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo", chìa khóa để doanh nghiệp đổi mới sáng tạo có hiệu quả chính là ứng dụng sáng chế, phát huy sức mạnh của tài sản trí tuệ. Và sự đổi mới sáng tạo mở trong chính nội tại của doanh nghiệp sẽ trở thành cơ hội cho các nhà sáng chế. Vì vậy, một trong những con đường để hiện thực hóa được sáng chế đó chính là con đường hợp tác với doanh nghiệp, tổ chức... để các nhà sáng chế có thể đưa được sản phẩm ra thị trường.
Theo bà Trương Lý Hoàng Phi, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ Doanh nghiệp IBP, hiện có 3 loại hình ĐMST trong doanh nghiệp bao gồm:
Thứ nhất là mô hình R&D (nghiên cứu và phát triển trực thuộc doanh nghiệp). Đây là mô hình truyền thống, phổ biến từ những năm 1980, 1990, phục vụ trực diện những vấn đề bên trong doanh nghiệp với nguồn nhân lực hoàn toàn của doanh nghiệp. Điểm yếu của mô hình này chính là bị giới hạn ý tưởng sáng tạo, thiếu “cọ sát” đa chiều, đa ngành, thiếu nguồn lực mà phải chạy trên nền tảng cũ. Mô hình này đã trở nên lỗi thời vì chi phí cao nhưng tốc độ ĐMST chậm và hiệu quả thấp.
Thứ hai là mô hình Corporate Innovation (ĐMST thuộc doanh nghiệp) phổ biến từ những năm 2010, thường chỉ tập trung ở các doanh nghiệp công nghệ lớn có đủ chi phí để mua lại và đầu tư các công ty khác. Mô hình này chỉ phù hợp với những doanh nghiệp lớn, có nền tảng ĐMST sẵn, có “hầu bao” lớn. Bên cạnh đó, văn hóa hợp tác vẫn gặp rào cản vì các startup nhỏ ngại bị “nuốt chửng”.
Thứ ba là mô hình Open Innovation (ĐMST mở đa doanh nghiệp). Có thể nói, mô hình này phản ánh đúng bản chất của ĐMST, khi doanh nghiệp mở cửa, chào đón nhiều ý tưởng bên ngoài, cùng hợp tác và phát triển.
Bà Phi đánh giá đây chính là xu hướng hiện tại và tương lai của ĐMST thế giới, mở ra cơ hội kinh doanh cho các công ty quản lý và vận hành trung tâm ĐMST. Trong mô hình này, HST ĐMST đóng vai trò cốt lõi - nhiều nguồn lực, không bị hạn chế, rào cản, văn hóa hợp tác và cởi mở tạo nên yếu tố cộng hưởng.
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ Doanh nghiệp IBP chia sẻ: "ĐMST được coi là thành công không chỉ dừng lại ở giới hạn một cái đăng ký SHTT mà nó dựa trên ý tưởng mới xuất sắc và mô hình kinh doanh sinh lợi.
Nhưng điều này không hề dễ dàng, nó đòi hỏi phải có sự kết hợp giữa những nhà nghiên cứu, nhà khoa học có dự án R&D, nhà sáng lập có ý tưởng ĐMST, dự án R&D, công nghệ cao; nguồn vốn tài trợ R&D, vốn đầu tư mồi, vốn đầu tư mạo hiểm; và các tổ chức hỗ trợ thương mại hóa dự án R&D, chương trình ươm tạo công nghệ, tăng tốc startup công nghệ để phân tích ứng dụng sản phẩm.
Song trên thực tế, ở Việt Nam cũng có nhiều chương trình vườn ươm nhưng chưa thực sự sâu, chưa thực sự nhắm thẳng vào các sáng chế, điều này khiến cho các nhà sáng chế đang bị hạn chế cơ hội trong việc đưa một ý tưởng xuất sắc ra thị trường."
Tài sản trí tuệ - sức mạnh của doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Làm chủ công nghệ thông qua đầu tư sáng chế và khai thác chúng thông qua hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ giúp các ... |
Đổi mới sáng tạo trong công tác giáo dục nghề nghiệp Đứng trước những yêu cầu ngày càng cao của công tác giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện ... |
Dịch Covid-19 mở ra cơ hội cho doanh nghiệp trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tính chung 8 tháng đầu năm 2021, cả nước tới 85.500 doanh nghiệp rời khỏi thị trường, trung ... |