Mở cửa, phục hồi nền kinh tế nhưng phải bảo đảm an toàn
Đời sống 17/10/2021 09:16
Hướng mở cho doanh nghiệp
Mở cửa để khôi phục các hoạt động kinh tế, trong đó có tổ chức lại sản xuất, đẩy mạnh khôi phục xuất khẩu, kích cầu tiêu dùng, du lịch, khơi thông mọi nguồn lực xã hội, đẩy mạnh đầu tư công… là tín hiệu vui, một động thái tích cực cho thấy cả nước nói chung và An Giang nói riêng đang nhanh chóng thích ứng với tình hình dịch bệnh. Mở cửa nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn, trong đó an toàn dịch bệnh, an sinh xã hội, an ninh trật tự phải được bảo đảm để góp phần an dân. Đây là những nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu, huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia thực hiện.
Điều mong muốn của doanh nghiệp là cần có hướng dẫn cụ thể từ cơ quan chức năng, chính quyền địa phương về sản xuất thích ứng an toàn. Đồng thời, cho phép mở cửa dần đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở dịch vụ… nhằm đáp ứng tốt nhu cầu đời sống người dân, trong đó có NCT, cũng như cung ứng đầu vào, tiêu thụ đầu ra của các doanh nghiệp.
Doanh nghiệp chế biến thanh long tổ chức sản xuất trở lại. |
Trong giai đoạn phục hồi sản xuất - kinh doanh, lưu thông hàng hóa, nguyên vật liệu là yêu cầu rất quan trọng. Vì vậy, từng huyện, thị, thành phố trong tỉnh không đặt ra yêu cầu phải test tại chốt mà công nhận giá trị test của cơ sở y tế ở địa phương khác, tránh phát sinh thêm nhiều chi phí và mất thời gian.
Một trong những hướng mở được doanh nghiệp quan tâm là tổ chức hoạt động theo phương châm “4 xanh”, gồm: “người lao động xanh”, “cung đường xanh”, “vùng sản xuất xanh”, “nơi ở xanh”. Theo đó, “người lao động xanh” được đi lại bằng phương tiện cá nhân giữa “nơi làm việc xanh”, “nơi ở xanh” theo một “cung đường xanh” (không dừng, đỗ dọc đường và không đi ngang qua các vùng có nguy cơ lây nhiễm cao và rất cao) trong các khung giờ phù hợp. “Phương án này hợp lí hơn “3 tại chỗ” bởi vừa giảm gánh nặng cho doanh nghiệp, vừa tạo tâm lí thoải mái cho người lao động, thuận tiện chia ca, kíp sản xuất với quy mô tăng dần.
Cùng với đẩy nhanh tiến độ phủ vaccine cho người lao động, phương án sản xuất “4 xanh” là hướng mở để dần phục hồi hoạt động của doanh nghiệp theo hướng an toàn. Tuy nhiên, cần có hướng dẫn và lộ trình cụ thể, sớm đưa hoạt động sản xuất - kinh doanh trở lại trạng thái bình thường mới.
Xuất khẩu cá da trơn |
Chăm lo tốt an sinh xã hội
Doanh nghiệp đẩy mạnh khôi phục sản xuất, thu hút lao động để góp phần cùng tỉnh An Giang thực hiện tốt an sinh xã hội. “Thấy bà con về quê, tôi cảm thấy rất lo lắng cho công tác an sinh xã hội. Trước thực tế này, để chia sẻ gánh nặng với địa phương, Tập đoàn Nam Việt quyết định thu tuyển từ 2.000 - 3.000 lao động vào làm việc tại các nhà máy. Tôi kêu gọi các doanh nghiệp trong tỉnh, cùng với Tập đoàn Nam Việt đẩy mạnh thu tuyển lực lượng lao động từ TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An… trở về để góp phần thực hiện công tác an sinh xã hội với tỉnh” - Tổng Giám đốc Tập đoàn Nam Việt Doãn Tới kêu gọi.
Theo ông Doãn Tới, chủ trương mở cửa, phục hồi các hoạt động kinh tế của tỉnh đã giải quyết được áp lực rất lớn cho doanh nghiệp. Tập đoàn Nam Việt phải tổ chức sản xuất trở lại để đáp ứng đơn hàng trên 20.000 tấn cá tra mà các nhà nhập khẩu trên thế giới đặt hàng. Để sản xuất trở lại bình thường, doanh nghiệp rất cần sự chung tay, hỗ trợ của chính quyền địa phương.
Hiện nay, lao động từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh trở về quê rất đông, ít nhiều ảnh hưởng đến công tác an toàn dịch bệnh, an sinh xã hội, an ninh trật tự. Các địa phương trong tỉnh đã nỗ lực rất lớn để thực hiện công tác an sinh xã hội. Công tác này có sự đồng hành của nhiều tổ chức tôn giáo, nhà hảo tâm. Trong đó, tín đồ Phật giáo Hòa Hảo có những việc làm thiết thực, góp phần chăm lo đời sống Nhân dân, trong đó nhiều NCT. Trưởng ban Trị sự Trung ương Giáo hội PGHH Nguyễn Tấn Đạt cho biết, tính đến thời điểm này, toàn đạo đóng góp trên 60 tỉ đồng cho các hoạt động an sinh xã hội. Từ tổ chức nấu cơm phục vụ lực lượng tuyến đầu đến việc tặng gạo, rau, củ, quả cho các gia đình thực hiện cách li tại nhà, khu cách li tập trung…
Thực hiện tinh thần “học Phật, tu nhân”, tín đồ Phật giáo Hòa Hảo trong tỉnh cùng với hệ thống chính trị tại các địa phương, tích cực tham gia chống dịch. “Từ khi bùng phát dịch, Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo đã kêu gọi toàn thể tín đồ cùng chung tay, góp sức với Đảng, Nhà nước để chống lại dịch bệnh theo phương châm “tùy tài, tùy sức, nỗ lực hi sinh…”. Ai có tiền thì ủng hộ tiền, không có tiền thì đóng góp công sức nhưng phải đoàn kết và tuân thủ mọi hướng dẫn của cơ quan chức năng, tổ chức khoanh vùng, dập dịch. Đến nay, dịch bệnh trên địa bàn toàn tỉnh đã cơ bản được kiểm soát, tỉnh đang mở cửa, khôi phục các hoạt động kinh tế. Đây là một tín hiệu rất vui cho toàn thể đồng đạo và Nhân dân trong tỉnh” - ông Nguyễn Tấn Đạt vui mừng.
Mở cửa, khôi phục các hoạt động kinh tế, đưa xã hội trở lại trạng thái bình thường mới sau thời gian nỗ lực chống dịch, không chỉ là tín hiệu vui đối với doanh nghiệp, người lao động mà còn là sự hi vọng của NCT, người yếu thế khi cuộc sống của họ sẽ từng bước giảm bớt khó khăn.