Lưu giữ nghề làm bánh đa truyền thống
Tuổi cao gương sáng 26/10/2021 15:00
Nghề làm bánh đa truyền thống ở Hiệp Hòa có từ lâu. Cư dân chủ yếu ở Hiệp Hòa là người gốc Thủy Nguyên, Hải Phòng. Xưa kia, người Thủy Nguyên sang vùng đất này sinh sống đã mang nghề làm bánh đa để kiếm sống. Từ đó, nghề bánh đa cứ thế mà phát triển. Đến nay, chỉ còn vài hộ làm nghề bánh đa, trong đó hộ gia đình bà Bùi Thị Huệ làm nhiều nhất.
Nghề làm bánh đa truyền thống của gia đình bà Huệ được truyền đến nay là 4 đời. Nghề này cũng có lúc thăng trầm, bà Huệ tâm sự: “Hồi nhỏ, tôi được mẹ dạy cho cách trộn bột làm bánh. Lớn lên chút xíu, tôi được mẹ truyền nghề. Sau khi lấy chồng vì lí do kinh tế, nên tôi bỏ nghề một thời gian và sau đó mới làm lại”.
Nghề làm bánh đa phải thức khuya, dậy sớm và chỉ làm được khi trời nắng. Nắng càng to làm càng vất vả. Ngoài yếu tố thời tiết, nghề này còn cần kĩ thuật từ khâu chọn gạo, xay bột, thêm gia vị, tráng, phơi. Bánh đa ở đây làm từ gạo Khang Dân, sau khi ngâm vài giờ, gạo được đưa vào máy xay nhỏ; trước kia đây là công đoạn tốn sức nhất vì phải xay bằng cối đá. Sau khi gạo xay xong trộn thêm vừng đen, gia vị tiêu, tỏi, bột nêm, mì chính...
Bà Huệ tráng bánh đa |
Bà Huệ cho biết thêm: Gia đình tôi làm nghề làm bánh đa hoàn toàn bằng thủ công. Người thợ luôn phải làm việc trong không khí nóng nực của bếp, hoạt động liên tục. Trước kia, nếu gặp trời mưa, bánh đa không phơi được, để bánh không bị hỏng, phải hong bằng hơi nóng từ than và đương nhiên bánh sẽ không bảo đảm chất lượng, không ngon. Vì thế, ngày nay, nhiều gia đình đã đầu tư máy sấy, nhưng theo đánh giá của người dùng, bánh sấy bằng máy vẫn kém độ thơm, ngon so với bánh phơi dưới nắng mặt trời.
Với nghề làm bánh đa nguyên liệu chính và quan trọng nhất là gạo. Chất lượng gạo sẽ quyết định độ thơm ngon, dẻo của bánh. Sau khi vo, gạo sẽ được ngâm 6-7 tiếng ngậm đủ nước, đạt đến độ căng mọng thì cho vào xay, nếu ngâm quá giờ, gạo sẽ bị chua, cả mẻ bánh coi như hỏng. Cứ 10 kg gạo thì trộn 3kg vừng, các loại gia vị được gia giảm tùy vào bí quyết của mỗi nhà nghề. Một yêu cầu cũng cần đến kĩ thuật là độ đặc, loãng của bột lúc tráng bánh. Nếu bột đặc quá thì khó tráng, bột loãng bánh sẽ mỏng.
Để có bột tráng bánh đa, bà Huệ phải dậy từ 3 giờ sáng ngâm gạo, xay bột và từ 6 giờ bắt đầu tráng bánh. Sau đó đưa đi phơi, chừng 1 tiếng thì lật lại mặt sau, 4 - 5 tiếng là khô. Bánh nếu phơi quá khô sẽ cong giòn, dễ gãy, khó ép phẳng. Nếu phơi chưa đạt sẽ dễ bị mốc. Bánh sau khi phơi về để nguyên trên phên, xếp chồng lên nhau, ép 1 vật nặng chừng vài giờ cho phẳng, sau đó mới gỡ ra, xếp lại và đóng gói. Bình quân mỗi ngày gia đình bà tráng từ 500 đến 1.000 chiếc bánh đa, với giá bán 15.000 đồng/chiếc, trừ hết tri phí bà Huệ cũng thu lãi được 2.000.000 đồng.
Do được chế biến thủ công nên bánh đa của bà Huệ sản xuất được khách hàng khắp nơi trong tỉnh rất tin tưởng và ưa dùng. Ngoài ra, bánh đa của bà Huệ còn có mặt ở các chợ như: Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, thậm chí ở Hải Dương và Hà Nội...
Bà Huệ còn cho biết, cuối đời sẽ truyền nghề làm bánh đa cho con gái. Bởi nghề truyền thống này không chỉ là nghề của tổ tiên để lại mà nó còn là nghề kiếm sống của bà và gia đình bà hàng chục năm nay.