“Ông điếu văn”
Tuổi cao gương sáng 19/12/2024 15:28
Vốn, hồi là học sinh phổ thông, do học khá môn Văn, từng nhiều lần đi thi môn này ở cấp tỉnh, nên bây giờ, gần tuổi “xưa nay hiếm”, bà con trong khu dân cư vẫn cho là “hay chữ”, thành thử, cái khoản viết điếu văn tiễn biệt người quá cố, tôi luôn phải đảm nhận. Trước kia vai này, do một cụ trong tổ đảm trách, từ khi cụ mất, nên như kiểu “tre già măng mọc”, tôi nối “nghiệp” cụ.
Như hôm vừa rồi chuông điện thoại của tôi đổ vang, mở ra chưa kịp a lô thì đã nghe:
- A lô! Mình Tr, Chi hội trưởng đây, trao đổi nhanh với ông là cụ M mới mất, ông qua nhà người ta, nắm lí lịch, để viết bài điếu, rồi xem lịch tang lễ ra sao, báo để chi hội tổ chức tới viếng...
- Dạ, tôi hiểu.
Tác giả phát biểu tại một cuộc họp ở phường. |
Với kỉ luật của người lính năm xưa “Quân lệnh như sơn”, chỉ ít phút sau, tôi có mặt ở nhà tang chủ. Thấy tôi, gia chủ kính cẩn mời vào bàn nước. Tôi cười thầm trong bụng,té ra cái chức “cán bộ cỏn con của mình “có giá” ra phết (!) Thực thi chức năng, nhiệm vụ, tôi nêu các yêu cầu của bài điếu văn, đại diện gia chủ cung cấp thông tin theo yêu cầu. Sau một thôi ghi chép vào sổ tay về thân thế, sự nghiệp người mất, về con cái của người mất, tôi về nhà lên dàn bàn mà viết, cái gì trước, cái gì sau. Người mất đa phần là phải ca ngợi (kiêng kị không thể đưa khuyết điểm của họ, như tiền nhân vẫn truyền: “Người trong bụng mẹ, người mất đi, luôn trong sáng”! Đôi khi, những chi tiết còn chưa rõ hay chưa thật tin vào việc mình ghi nên lại phải hỏi lại gia chủ thêm cho rõ. Đại loại: “Cụ đi bộ đội năm nào? Có mấy cháu, mấy chắt?...
Viết xong, chỉnh sửa, rồi đọc đi, đọc lại nhiều lần để khi vào cuộc không bị vấp, chỗ nào ngắt câu, lúc nào trầm, lúc nào bổng, những cụm từ “Thiên Thu vĩnh biệt”, hay “Nay âm dương cách biệt”, người ta hay dùng, được “chế ra” vần, cho thêm phần xúc động, thí dụ:
Than ơi! Lễ tiễn khiến mưa sa
Trách mãi con tàu, bỏ bến xa
Hương khói còn đây, hồn lạnh lẽo
Bồng lai Tiên cảnh, đã đi xa!
Cứ vậy, tự viết, tự đọc, tự làm, tham khảo cả trên mạng (nhất là bài điếu đã đi vào lịch sử, có thể nói là kinh điển như bài điếu văn Bác Hồ, do đồng chí Lê Duẩn đọc hôm truy điệu).
Theo thời gian, tôi ngày càng được các cụ trong Chi hội tín nhiệm, và “tự nhiên” được giao trọng trách này. Với tinh thần chia buồn với gia đình có người qua đời, tôi luôn cố gắng để công việc trở nên “chuyên nghiệp”, chẳng thế mà sau khi dự đám tang một người bạn thân, một cựu chiến binh sinh hoạt cùng Chi hội với tôi bộc bạch: “Nghe ông đọc điếu văn, nó đã “lấy nước mắt” của bao người”! Nghe bạn khen, tôi cũng thấy vui vui. Mỗi lần viết điếu, tôi đơn giản chỉ nghĩ viết nên “thông điệp” về công lao của người mất, nói hộ về tình cảm, công ơn của người thân đối với người đã khuất. Đấy là tính nhân văn của người sống, của xã hội, chứ đâu của mình nữa!
Viết tới đây, tôi bỗng nhớ lời ông Chủ tịch Hội NCT phường nói tại hội nghị công tác năm vừa rồi. Ông Chủ tịch Hội NCT phường nói đại ý: Người ta vào Hội NCT phải được bảo vệ, chăm sóc về nhiều mặt, không chỉ quan tâm về đời sống vật chất mà còn phải quan tâm tới sức khỏe, tinh thần, vui chơi, giải trí. Chúng ta luôn quý trọng họ, họ là “những thư viện sống”!
Vâng, đúng vậy, như “rết nhiều chân”, mỗi cán bộ Hội NCT dù chức nhỏ như tôi (Chi hội phó Chi hội NCT khu dân cư) nhưng khi đã làm việc thì mỗi người, mỗi việc đều làm hết mình, tất cả hướng về hội viên. Quan tâm tới NCT không chỉ ở những điều đã quy định trong các văn bản chính sách, pháp luật, mà cả những việc nhỏ như việc viết và đọc bài điếu văn sao cho con cháu họ và những người đến viếng cảm động, vô cùng thương tiếc người vừa đi xa, cố gắng sống tốt hơn, nhân văn hơn. Như vậy đã góp phần nhỏ cho đời, phải không các bạn?.