Gìn giữ "nếp nhà" để con cháu noi theo
Hoạt động hội 21/12/2024 16:22
Ông Vương Đình Long phát biểu tại hội nghị tổng kết toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. |
Ở làng Đông Bích, xã Trung Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, có một nếp nhà như thế, một nếp nhà mà khi nhắc đến người làng trên, xóm dưới nơi đây đều mến kính, tấm tắc ngợi khen. Nếp nhà ấy là gia đình Nhà giáo ưu tú Vương Đình Long và vợ là bà Trần Thị Liên. Mặc dù đến nay đã qua cái tuổi trên thất thập, thế nhưng cả 2 ông bà đều vẫn rất minh mẫn và khỏe mạnh. Đã trải qua cuộc hôn nhân hơn 50 năm, thế nhưng họ vẫn trao nhau những ánh nhìn đắm đuối. Được dịp chia sẻ những kí ức thanh xuân ngày ấy, ông bà như trẻ lại, như thể cái xôn xao ngày trẻ tràn về bên khóm lá, góc vườn sáng nay.
Cả hai vợ chồng ông Long ở cùng làng Đông Bích. Ngày ấy, bà là cô thôn nữ xinh đẹp nhất vùng được nhiều người theo đuổi. Ông cũng là chàng trai tài hoa, bảnh bao nhất họ. Hai người tình cờ có dịp làm quen và tìm hiểu nhau khi tham gia văn nghệ ở địa phương. Rồi từ đó ông bà nên duyên vợ chồng.
Khi được hỏi về bí quyết để giữ gìn được cuộc hôn nhân sau 50 năm, bà Liên chia sẻ: “Vợ chồng tôi sống với nhau bao nhiêu năm cũng không tránh được những lúc xô bát xô đũa nhưng ông nhà tôi khéo lắm. Tôi vốn là người khá nóng tính nhưng ông ấy là người khéo chiều vợ, chăm con. Hễ cứ tôi nóng giận lên là ông ấy đều có cách để làm tôi mát ngay được”. Khẽ nắm chặt lấy bàn tay ông, bà mỉn cười mãn nguyện khi nhớ lại những năm tháng họ đã cùng nhau trải qua.
Với quan điểm lấy chữ Đức làm gốc, lấy sự học làm trọng, ông bà Long luôn dạy con cháu sống trên đời phải có đạo đức. Vợ chồng sống với nhau phải biết nhẫn nhịn. Ông Long tâm sự: “Theo tôi thì khi đã bước vào cuộc sống hôn nhân thì cả 2 vợ chồng đều phải có nghĩa vụ giữ gìn mối quan hệ đó. Vợ chồng như cái chén cái bát, ở với nhau cũng phải có lúc nọ lúc kia nhưng điều quan trọng nhất đó là phải biết tự dung hòa lẫn nhau. Đặc biệt, trọng trách lớn nhất là ở người phụ nữ. Phụ nữ chính là ngọn lửa giữ gìn sự ấm áp của ngôi nhà”.
Bức ảnh gia đình được treo trang trọng nhà để nhắc nhở con cháu phải gìn giữ nếp nhà |
Trong việc nuôi dạy con cái, vợ chồng ông Long cũng thống nhất với nhau phải đồng nhất quan điểm để dạy con. Vợ chồng ông bà có 3 người con, trong đó 2 con trai và một con gái. Riêng chuyện học hành vẫn được truyền kể để những thành viên trong gia đình có trách nhiệm giữ lấy nếp nhà “thi thư trạch”. Tức là phải chăm đọc sách, lấy sách làm bạn mà trau dồi vốn sống, mà lớn lên, lấy danh dự và tiết tháo làm trọng.
Không phụ công ông bà, 3 người con đều lấy sự học làm trọng. Vợ chồng con trai cả và vợ chồng con gái nối chí cha ông làm nghề dạy chữ, vợ chồng đứa út cũng là công chức văn hóa. Cháu đích tôn du học ở Đại học Luther Mỹ và hiện làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin tại Mỹ; cháu nội Vương Trần Huệ Minh, sinh viên xuất sắc của Học viện Ngoại giao, đạt sinh viên 5 tốt; các cháu nội ngoại kế cận đã và đang theo học con chữ ở các trường chuyên trong huyện và trong tỉnh. Tựa như dòng sông đổ ra biển lớn, nếp nhà ấy đã là huyết mạch trong mỗi thành viên của gia đình để rồi thế hệ này tiếp nối thế hệ trước mà vươn xa, mà góp phần bồi đắp hình hài xứ sở !…
Năm tháng đã đi qua, ông bà giờ đã ngoài 70 tuổi, niềm vui của ông bà là con cháu họ đã có “chữ gối đầu, đã có sách soi đường”. Bức ảnh gia đình được ông bà phóng to, đặt ngay giữa nhà như một lời nhắc nhở con cháu: Hãy giữ lấy nếp nhà, giữ lấy những giá trị là nền tảng của mỗi gia đình.
Đặc biệt, ông bà cũng chính là sợi dây gắn kết con cháu lại với nhau. Ông bà luôn chủ động tạo ra những “bữa tiệc” nho nhỏ để con cháu có dịp gặp gỡ, sum họp. Bà kể: Tết năm nào cũng vậy, dù ở xa hay gần thì các con, các cháu đều thống nhất với nhau về cùng một ngày để chúc Tết bố mẹ và gặp gỡ nhau. Những buổi trùng phùng của gia đình không hẳn cứ mâm cao cỗ đầy, mỗi tuần hay cuối tháng các con cháu không hẹn lại về đây như một lẽ tự nhiên. Khoảng vườn nhỏ ríu ran tiếng trẻ, góc bếp ấm bắp ngô luộc, nồi sắn vừa bới cuối góc vườn…chỉ thế thôi mà hân hoan hạnh phúc. Ông cháu lại nói về 1 cuốn sách mới, 1 bài thơ hay, 1 câu đối bên cửa nhà thờ.
Ông Long là tác giả của nhiều quyển sách. |
Gia đình ông Long là niềm tự hào của vùng Đông Bích. Ngoài răn dạy con cháu trong nhà những điều từ nhỏ nhặt đến ứng xử ngoài đời, người lớn luôn làm gương, sống mẫu mực và trân trọng những giá trị cội nguồn để lại.
Cùng với sự yêu thương, chia sẻ thì truyền thống gia đình đã bồi đắp nên những giá trị đẹp đẽ, gắn kết các thành viên để dù đi đâu, làm gì, ai cũng mong muốn được gần gũi, nương tựa sau những vất vả của cuộc sống. Gia đình ông Long đã và đang gìn giữ những giá trị tốt đẹp, vun đắp qua nhiều thế hệ đã góp phần tạo nên giá trị bền vững, cái đẹp trong nếp sống Nếp nhà.