Những “cây cao bóng cả” trên quê hương Dị Nậu
Hoạt động hội 22/12/2024 15:02
Rừng cây do các thành viên CLB LLVT nghỉ hưu xã Dị Nậu trồng trên gò Trạm Lĩnh đang khép tán |
Ông Hán Hưng Thanh, Chủ nhiệm CLB cho biết: CLB có 23 hội viên, người cao tuổi nhất cũng đã 93 tuổi, người thấp nhất 61 tuổi. Cán bộ, hội viên luôn giữ vững và phát huy phẩm chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” và danh hiệu “Công an Nhân dân”, sống giản dị, chan hòa; gương mẫu chấp hành và giáo dục con cháu, vận động người dân thực hiện mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương. Phát huy vai trò “cây cao bóng cả” trong gia đình, cộng đồng, các thành viên CLB luôn đoàn kết, thống nhất, có trách nhiệm cao trong các hoạt động của CLB; luôn tiên phong hưởng ứng các phong trào do địa phương phát động, nêu tấm gương sáng cho con cháu và thế hệ trẻ noi theo; chung tay xây dựng CLB trở thành sân chơi lành mạnh, giúp thành viên sống vui, sống khỏe, sống có ích cho gia đình và xã hội; xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc. Qua bình xét thi đua hằng năm, 100% gia đình hội viên đều đạt tiêu chuẩn Gia đình văn hóa kiểu mẫu. Để CLB hoạt động tốt, ông Hán Hưng Thanh cho rằng: Bên cạnh sự nhiệt tình, đồng thuận của các thành viên còn có sự ủng hộ của gia đình và sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và người dân trong xã.
Rừng cây do các thành viên CLB LLVT nghỉ hưu xã Dị Nậu trồng trên gò Trạm Lĩnh đang khép tán |
Nhìn lại năm 2024, ảnh hưởng của kinh tế thế giới và cơn bão lịch sử số 3 (Yagi) tác động không nhỏ đến đời sống người dân, song CLB LLVT nghỉ hưu xã Dị Nậu vẫn tổ chức hiệu quả các chương trình công tác đề ra. Bố trí 43 công lao động dựng cây đổ sau bão, nâng tổng số công trồng và chăm sóc khu rừng bản địa lên con số 800 và số tiền đầu tư trồng rừng lên đến gần 100 triệu đồng. Nhìn đồi cây đang khép tán, lên nhanh, khỏe mạnh là thấy trong đó công sức, mồ hôi và tình yêu quê hương mãnh liệt của các thành viên CLB. Ngoài ra, CLB còn tổ chức các chương trình thiện nguyện hỗ trợ đồng bào bị ảnh hưởng do thiên tai, bão lũ, tặng quà người nghèo…, số tiền hàng chục triệu đồng và trồng, chăm sóc cây tại khu vực nghĩa trang liệt sĩ xã… Tổ chức tặng quà hàng chục lượt hội viên và thân nhân hội viên trong dịp mừng thọ, khi ốm đau và có việc hiếu…
Lãnh đạo xã Dị Nậu và các thành viên CLB chăm sóc rừng cây mới trồng |
Trong số các hội viên cao tuổi nhất có cụ Tạ Đình Hạp, 87 tuổi, hội viên danh dự của CLB. Cụ Hạp cho biết: Ngôi đền Quốc Tế, Di tích Lịch sử văn hóa cấp quốc gia, nơi sinh hoạt tâm linh, truyền thống của quê hương Dị Nậu tọa lạc trên gò Trạm Lĩnh linh thiêng. Đền được xây dựng từ năm 258 trước công nguyên, thờ Đức Thánh Cao Sơn có công dẹp giặc giữ nước thời Hùng Vương. Xa xưa, gò Trạm Lĩnh là khu rừng lim và nhiều cây bản địa cổ thụ do các bậc tiền nhân trồng từ bao đời làm cho ngôi đền càng linh thiêng, cổ kính. Tiếc thay, những năm chiến tranh, khu rừng nguyên sinh bị chặt phá, để lại một vùng đồi trơ trụi, khô cằn.
Mùa Xuân năm Mậu Tuất 2018, CLB LLVT nghỉ hưu xã Dị Nậu đã đăng kí với Ban Quản lí di tích xã, xin được tổ chức hoạt động thiện nguyện tái sinh khu rừng, trồng thêm những cây gỗ quý, cây bản địa. Được lãnh đạo xã ủng hộ, ông Thanh cùng Ban Chủ nhiệm phóng xe đi xa hàng trăm cây số, đến các khu vườn ươm trong và ngoài tỉnh để tìm mua cây giống. Bắt đầu từ sáng ngày 1/4/2018, những cây gỗ quý như đinh, lim xanh, sến, dổi, sưa, thông, trám, hồi, v.v và nhiều cây bản địa khác của quê hương lần lượt được ươm trồng trên gò Trạm Lĩnh.
Các thành viên CLB chăm sóc rừng cây mới trồng |
Thấm thoắt đã được 7 năm. Đến nay, cây đã thành rừng khép tán, tỏa bóng mát giữa làng quê đang trên đà đổi mới, phát triển. Hơn ai hết, cụ Hạp và các thành viên CLB đều tin tưởng chắc chắn rằng, không còn lâu nữa, gò Trạm Lĩnh có ngôi đền cổ 2.300 năm tuổi linh thiêng và rừng cây phát triển giống như những khu rừng nguyên sinh trước đây. Khi đó các loài chim thú lại nô nức trở về, ngày đêm rộn tiếng chim ca, hoa rừng bốn mùa đua nở tựa như những khu rừng bạt ngàn vốn có trên quê hương Dị Nậu tự ngàn xưa. Đó là di sản vô giá nhằm gìn giữ những nguồn gien sinh học phong phú, quý hiếm để vừa có một môi trường sinh thái đa dạng, lại vừa gìn giữ được dáng vẻ núi rừng của ông cha thuở trước, nhằm để lại cho con cháu hình ảnh quê hương thân thương đến muôn đời sau.
Đại tá Đinh Công Khoát, 92 tuổi hội viên cao tuổi nhất của CLB, tuy dáng đi đã chậm chạp nhưng không vắng mặt trong bất cứ buổi trồng, chăm sóc cây nào. Hình ảnh của cụ và Ban Chủ nhiệm đã tạo cảm xúc mạnh, truyền cảm hứng cho các hội viên trẻ cùng hưởng ứng tham gia. Cụ Khoát chia sẻ: Tôi tham gia CLB ngay từ đầu thàng lập, đến nay đã được 7 năm. Khi CLB đề xuất dự án trồng rừng trên gò Trạm Lĩnh, tôi hưởng ứng ngay. Mình là CCB cao tuổi, lại là sĩ quan, phải gương mẫu đi đầu làm gương cho các thành viên khác. Mỗi năm có hai đến ba đợt tổ chức phát dọn, chăm sóc cây, tôi đều tham gia đầy đủ, thậm chí đến sớm, về muộn hơn anh em trẻ. Nhìn thấy thành quả lao động của mình mấy năm nay được đền đáp, chúng tôi không gì vui bằng.
Cụ Tạ Đình Hạp, hội viên danh dự của CLB |
Trung tướng Hán Vĩnh Tưởng, 80 tuổi xúc động nói: “Tôi nghĩ, chương trình trồng rừng của CLB ngay từ đầu đã đi đúng hướng, đúng chủ trương của Đảng và Chính phủ, đúng với tâm nguyện của Bác Hồ kính yêu, chương trình ấy hợp lòng Dân ý Đảng. Vậy nên, khi tham gia vào CLB tôi luôn động viên anh em phải bảo vệ, chăm sóc rừng với nỗ lực cố gắng nhất có thể. Mình già rồi, còn làm được việc gì có ích cho dân cho đảng thì nên làm”.
Điều làm tôi cảm phục nhất là các thành viên CLB mặc dù đã cao tuổi (80 thậm chí là hơn 90 tuổi) cũng vẫn tiếp tục làm việc có ích, nêu tấm gương sáng về tinh thần lao động ý chí vươn lên của lớp người “cây cao bóng cả”, không chịu khuất phục trước khó khăn. Việc trồng rừng từ đồi đất trống của những cán bộ cựu LLVT với hi vọng nuôi mầm xanh cho tương lai không chỉ khẳng định tinh thần vươn lên mạnh mẽ mà còn thể hiện trách nhiệm đối với quê hương và thế hệ tương lai. Đó cũng là hoạt động thiết thực thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu mỗi độ Xuân về: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây”.