Lão ngư mê viết sách và làm từ thiện
Nhịp sống văn hóa 27/11/2019 09:00
Chúng tôi hăm hở đến thăm và thật ấn tượng khi thấy trong các tủ kính ở nhà ông xếp kín nhiều bộ sách giá trị.
Ông Anh sinh ra trong một gia đình có truyền thống nho học ở xứ Quảng nên từ thuở thiếu thời sớm được rèn giũa đạo lí thánh hiền. Ông cũng say mê những lời hát ru, hò khoan đối đáp, hát bội, chuyện kể về các nhân vật lịch sử hay lễ hội văn hoá truyền thống của làng quê...
Ông Lê Duy Anh tặng quà cho bà con dân tộc Cơ Tu tại thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng. |
Cách đây hơn 20 năm, trong khi chăm sóc người vợ mắc bạo bệnh, ông tranh thủ nghiên cứu các loại sách về lịch sử, văn hóa. Từ đó, ông cộng tác với nhiều tờ báo ở trung ương, địa phương, tham gia công tác văn hoá, văn nghệ dân gian, biên soạn 16 đầu sách, trong đó có một số tác phẩm viết chung với Nhà biên soạn Lê Hoàng Vinh, Phạm Ngô Minh. Các tác phẩm như “Sự nghiệp Lê Thánh Tông và Lê tộc Quảng Nam - Đà Nẵng”, “Nhân vật họ Lê trong lịch sử Việt Nam”, “Lần giở lịch sử văn hoá miền Thuận Quảng”, “Lược sử Đà Nẵng 700 năm (1936 - 2006)”, “Văn hoá Quảng Nam, những giá trị đặc trưng”, “Bà chúa Tằm tang xứ Quảng”, “Nữ lưu đất Việt”.
Năm 2010, nhân đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, ông sưu tầm và biên soạn tác phẩm “Minh quân Lê Thánh Tông và triều thần” NXB QĐND 2010, được nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu viết lời giới thiệu và được trao Kỉ niệm chương của Trung tâm Giáo dục Truyền thống Lịch sử Việt Nam. Hiện nay, ông đang viết chung tác phẩm: “Vai trò họ Lê trong lịch sử Việt Nam”, khoảng 4.000 trang, với 1.000 nhân vật họ Lê từ cổ đại đến cận đại.
Những sách này được “kết tinh” từ hơn 500 bài viết của ông trên các báo và hàng chục tác phẩm đoạt giải thưởng khác. Qua tác phẩm "Lễ hội và Văn hóa dân gian xứ Quảng", người đọc hiểu sâu sắc về 23 lễ hội dân gian như "Lễ hội Bà Chúa Ngọc", "Lễ hội cầu ngư", "Lễ tục cưới hỏi của người Cơ Tu"...; hai bản chèo cổ (hát Bả trạo) “Đưa Ngư ông” và “Kỵ Ngư ông”; 10 giai thoại về nhân vật lịch sử xứ Quảng; 26 chuyện kể tại xứ Quảng đậm nét văn hóa dân gian. Các nội dung được sắp xếp theo trình tự khoa học: Đối tượng suy tôn, địa điểm, thời gian lễ hội, đặc điểm… giúp người đọc có cái nhìn vừa tổng thể, vừa chi tiết. Đại tá, nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu Lê Anh Dũng, Trưởng đại diện Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân; người tổ chức bản thảo, nhận xét: "Đây là cuốn cẩm nang thiết thực giúp mọi người, nhất là học sinh, sinh viên nghiên cứu và tìm hiểu văn hóa dân gian xứ Quảng - một vùng đất địa linh nhân kiệt, vùng văn hóa thấm đẫm bản sắc dân gian…".
Vốn là ngư dân nhiều năm lênh đênh mưu sinh trên biển nên trong một số tác phẩm của ông có những kiến thức căn bản về thủy sản, hải sản, ngư cụ và các nghề xăm, chốt, mành đèn, giã đôi, giã chiếc, lưới chuồn... của ngư dân xứ Quảng. Ông đã nhiều năm tham gia các tổ chức: Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử và Hội Văn nghệ Dân gian TP Đà Nẵng…
Hơn 10 năm qua, ông nhiều lần ủng hộ Quỹ Khuyến học địa phương; quyên góp áo quần cũ, dùng tiền bán sách mua bút, sách vở tặng học sinh vùng bị thiên tai bão lụt ở Quảng Bình, Quảng Trị và người nghèo vùng sâu vùng xa ở Quảng Nam - Đà Nẵng, Tây Nguyên. Ở tuổi “thất thập cổ lai hi”, nhưng niềm đam mê của ông vẫn là làm từ thiện và viết sách, đóng góp công sức bảo tồn văn hóa, lịch sử quê hương, đất nước.