Duyên nợ với... hồ Gươm
Văn hóa - Thể thao 29/03/2021 09:16
Hơn một thập kỉ, cụ đã sáng tác hàng nghìn tấm ảnh về hồ Gươm và Hà Nội. Trong đó nổi bật là các tác phẩm: “Ô Quan Chưởng về đêm”, “Lạc vào cõi thiền”, “Cổ tự lên đèn”, “Đôi bạn bên hồ”, “Lộc vừng mùa thay lá”… Chớp được những khoảnh khắc đắt giá về Thủ đô nghìn năm văn hiến, cụ Vinh từng được Nhà xuất bản Hà Nội vinh danh trong cuốn sách “36 con người Hà Nội”, xuất bản nhân dịp Kỉ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Cha của cụ là cụ Nguyễn Văn Trung - thợ ảnh từng có duyên chụp cho vua Khải Định. Thời kì đó, cụ Trung mở hai tiệm ảnh mang tên Gia Thọ photo và Vinh photo ở Nghệ An. Trong trí nhớ của cụ Vinh, máy ảnh cha dùng là loại chụp bằng kính. Tấm kính được tráng một lớp hóa chất, tương tự như film chụp ảnh sau này. Mỗi tấm kính chỉ chụp được 1 tấm hình. Cả thợ ảnh lẫn người chụp phải chuẩn bị nhiều công đoạn, làm sao chụp một lần là được ngay.
“Lộc vừng mùa thay lá” Ảnh Nguyễn Tấn Vinh |
“Thời xưa, chụp ảnh có nguyên tắc không được cười. Vì chụp ảnh được coi là việc quan trọng, phải thể hiện sự trang trọng. Ngoài ra, cũng do kĩ thuật chưa tiên tiến, chỉ cần có một cử động nhỏ là bức hình sẽ bị nhòe”, cụ Vinh giải thích.
Do công nghệ chụp và in tráng ảnh rất khó, cha cụ đã học cách tự in tráng bằng kĩ thuật pha chế hóa chất trong phòng tối. Trước khi rửa thì phải chấm, sửa ảnh trên kính. Chỉnh sửa ảnh xong mới mang in.
Vài năm sau, gia đình gặp biến cố, cụ Vinh theo mẹ về Hà Nội sinh sống. Cuộc đời nhiều thăng trầm, cụ trải qua các công việc khác nhau và kí ức về nghề chụp ảnh của cha chỉ còn là hoài niệm.
Khi tuổi đã ngoài 70, duyên nợ của cụ với nghệ thuật nhiếp ảnh mới thực sự nảy nở. Lúc rảnh rỗi cụ mang máy ảnh ra chụp thử. Cháu ngoại thấy cụ thích chụp ảnh, đã hướng dẫn cụ sử dụng máy vi tính, gia nhập diễn đàn “Xóm nhiếp ảnh” để tiếp xúc và giao lưu với những người chơi ảnh. Từ chỗ không biết gì về máy ảnh hiện đại đến những phần mềm chỉnh sửa ảnh, cụ đã có thể sử dụng các công cụ phụ trợ đó một cách chuyên nghiệp.
Cụ Nguyễn Tấn Vinh (bên trái) |
Mười ba năm “sống” cùng hồ Gươm, cụ Vinh sở hữu một gia tài ảnh đồ sộ. Thế nhưng cụ chưa từng tổ chức một buổi triển lãm ảnh cá nhân. Hàng nghìn bức ảnh được cụ đăng tải lên trang facebook, giới thiệu đến mọi người các tác phẩm của mình một cách công khai.
Thi thoảng có người còn nhờ cụ đến các địa điểm từng gắn với thời thơ ấu của họ khi còn ở Việt Nam, chụp vài tấm. Mặc dù không quen biết, chưa từng gặp họ ngoài đời nhưng cụ vẫn xách xe đi săn ảnh giúp. “Tôi nghĩ, một hành động nhỏ của mình mang vạn niềm vui đến với người khác. Tại sao phải từ chối”, người đàn ông cao tuổi nói.
Cụ cũng chưa bao giờ nhận tiền, cho dù họ sẵn sàng gửi một khoản lớn. Với cụ, nhiếp ảnh là đam mê, không phải mua - bán.
Nhiếp ảnh gia lớn tuổi khẳng định, cụ theo đuổi được nghệ thuật đều nhờ vào sự ủng hộ của cụ bà Phạm Bích Hằng - người vợ gắn bó với cụ hơn nửa thế kỉ. Vợ cụ là con gái Hà Nội gốc, sinh ra trong gia đình nề nếp, thuộc tầng lớp khá giả. Khi hai người tìm hiểu, cụ nghèo nhưng bố mẹ vợ không cấm cản mà còn ủng hộ chuyện tình cảm của con gái.
Hơn nửa thế kỉ cùng nhau nếm trải mọi cay, đắng, ngọt, bùi của cuộc sống, đôi vợ chồng già vẫn ngày ngày viết nên câu chuyện tình đẹp như cổ tích. Bà không chỉ vun vén, chăm sóc chồng mà còn khích lệ ông chơi ảnh. Mỗi buổi chiều, bà sẽ đợi ông trở về, cùng ông xem những tấm hình mới chụp.
Bao năm qua đi, cụ vẫn nhớ như in hình ảnh cảm động vợ dành cho mình. Lần đó, áo khoác của bà đã sờn cũ, ông giục bà đi mua chiếc khác nhưng bà liên tục nói không có tiền. Hóa ra, bà tích cóp tiền mua tặng chồng bộ máy ảnh kĩ thuật số mới.
“Ngày trẻ bà xã chắt chiu nuôi con, trở thành hậu phương cho chồng công tác. Về già, bà ấy làm điểm tựa cho tôi thăng hoa với nghệ thuật”, nhiếp ảnh gia Tấn Vinh tâm sự.