Do vậy, bên cạnh việc tổ chức học và ôn tập hướng đến mục tiêu chung là kỳ thi THPT quốc gia, các trường THPT còn có định hướng cung cấp kiến thức và kỹ năng để học sinh (HS) đáp ứng yêu cầu các kỳ thi riêng.
|
Học sinh lớp 12 nhiều trường THPT tại TP.HCM được ôn tập làm quen với đề thi đánh giá năng lực của các trường ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH |
Phối hợp trường ĐH tổ chức thi thử
Bà Vũ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), cho hay hầu như HS có học lực khá giỏi ở những trường THPT thuộc tốp đầu đều đăng ký tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, Trường ĐH Luật TP.HCM, Việt Đức… Ngay tại Trường Bùi Thị Xuân, bà Ngọc Dung thông tin, ban giám hiệu phối hợp cùng các tổ trưởng chuyên môn, giáo viên phụ trách lớp 12 thường xuyên lưu ý đến thông tin các trường tổ chức thi riêng, định hướng và cấu trúc bài thi để kịp thời xây dựng phương án hỗ trợ học trò. Chẳng hạn, nhận thấy HS của trường quan tâm đến kỳ thi đánh giá năng lực vào ĐH Quốc gia nên nhà trường đã phối hợp ĐH này tổ chức kỳ thi thử. 100% HS lớp 12 đã làm quen với cấu trúc bài thi và quy trình của kỳ thi, từ đó có thể tự rút cho mình những kinh nghiệm cho lần thi chính thức.
Nếu như năm 2018, chỉ có 30% HS đăng ký tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực thì đến thời điểm này, gần 100% HS lớp 12 Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức, TP.HCM) đăng ký tham gia. Ông Phạm Phương Bình, Hiệu phó nhà trường, lý giải về sự thay đổi tỷ lệ HS tham dự là do HS nhận thấy có thêm một kênh rèn luyện kiến thức, cọ xát với những kỳ thi quan trọng và đặc biệt có thêm cơ hội xét tuyển vào các trường ĐH mình mong muốn. Ngoài ra, ông Bình cũng cho hay việc phối hợp với các trường ĐH có hình thức thi đánh giá năng lực tổ chức thi thử, kiểm tra độ tin cậy của bộ câu hỏi đã giúp HS thích thú với nội dung câu hỏi, từ đó đăng ký tham gia ngày một tăng.
Tương tự với xu thế tăng về số lượng, 100% HS lớp 12 Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM) cũng đăng ký tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực của các trường ĐH. “Xuất phát từ việc ngày càng có nhiều HS quan tâm nên nhà trường đã liên hệ và phối hợp với các trường ĐH để từ nay đến ngày thi, HS có ít nhất 2 lần thi thử”, Hiệu trưởng Hà Hữu Thạch thông tin. Đặc biệt, nhà trường còn có lộ trình cho HS lớp 11 làm quen với hình thức đánh giá này.
Học thuộc lòng, luyện thi… sẽ không có giá trị
Ông Phạm Phương Bình cho hay đề thi đánh giá năng lực của các trường có độ rộng, bao quát kiến thức và thoát ly hoàn toàn với những câu hỏi truyền thống, tăng cường khả năng vận dụng. Từ đó, đòi hỏi HS không thể học bài theo kiểu thuộc lòng, luyện các dạng bài tập và theo giáo viên hướng dẫn. Khi không bị áp lực học thuộc, HS phải học hiểu, học linh động để vận dụng kiến thức vào giải quyết các câu hỏi.
Giáo viên Nguyễn Hoàng Huy, Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), đánh giá mức độ yêu cầu của định hướng câu hỏi trong đề thi mẫu và đề thi thử của ĐH Quốc gia TP.HCM có phần nhẹ nhàng hơn đề thi THPT quốc gia, dù đề cập đến tất cả kiến thức trong chương trình THPT. Không còn thuần túy là những câu hỏi tập trung vào kiến thức mà từ câu hỏi, đề thi yêu cầu thí sinh thể hiện khả năng đọc hiểu, tư duy logic, xử lý số liệu để giải quyết các vấn đề thuộc lĩnh vực toán học, ngôn ngữ, lịch sử, địa lý…
Ông Huy nhấn mạnh, chẳng hạn ở lĩnh vực toán học, các câu hỏi thực tế tập trung ở phần thống kê, kiến thức về đồ thị là những nội dung đã học từ lớp 10 và các yêu cầu xử lý có thể là cơ sở tiếp cận đến nhiều ngành nghề khác nhau như nghiên cứu, kinh tế tài chính, văn phòng… Vì vậy, ông Huy lưu ý HS không nên bỏ qua bất cứ nội dung kiến thức nào và khi học cần có sự liên hệ kiến thức đang học liên quan gì với thực tiễn, giải quyết ra sao…
Đối với đề thi mẫu của các trường đào tạo nhân lực trong lĩnh vực xã hội, ông Lê Minh Tân, giáo viên tại Q.1, cho hay đề thường yêu cầu thí sinh thể hiện kỹ năng sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt, kiến thức xã hội tổng hợp bao gồm kiến thức phổ quát về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, lịch sử, địa lý và kiến thức về pháp luật trên nền tảng là tư duy logic và khả năng lập luận.
Ông Tân cũng lưu ý: “HS hãy thoát ra khỏi lối mòn suy nghĩ, cứ thi là phải luyện và quăng mình vào các lớp luyện thi. Điều này hoàn toàn có thể trở nên vô giá trị vì các câu hỏi là phổ quát chứ không chuyên sâu và đòi hỏi các kỹ năng hiểu, tư duy. Do đó, cần bám sát kiến thức sách giáo khoa, dành thời gian tư duy và suy luận. Bên cạnh đó, đừng quên bổ sung kiến thức về thực tế để biết thế giới xung quanh đang diễn ra điều gì và thế nào. Trong thực tế hiện nay, năng lực không chỉ là kiến thức môn học mà còn cần biết vận dụng môn học đó vào cuộc sống”.
Thanh Niên