Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV: Phát huy tinh thần tự cường, phấn đấu hoàn thành cao nhất kế hoạch năm
Tin tức - Sự kiện 16/11/2022 13:06
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc kỳ họp. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN |
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước
Thực hiện chức năng lập pháp, tại Kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua 6 luật. Trong số 6 văn bản luật này, báo cáo tiếp thu giải trình trước khi Quốc hội bấm nút thông qua Luật Dầu khí (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết dự thảo đã bổ sung quy định về Thủ tướng Chính phủ quyết định cơ chế điều hành hoạt động khai thác tận thu mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí. Đây là chính sách mới của dự thảo Luật với nhiều nội dung mang tính đột phá, là cơ sở pháp lý cần thiết để khai thác hiệu quả hơn tài nguyên dầu khí, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước trong bối cảnh dự báo những năm tới có nhiều mỏ dầu khí ở giai đoạn cuối đời mỏ sẽ chuyển sang thời kỳ khai thác tận thu.
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được sửa đổi nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế nhà nước, xã hội, cũng như vai trò của gia đình trong phòng, chống bạo lực gia đình, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới. Luật Thanh tra được sửa đổi nhằm tiếp tục cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, nhất là những nội dung mới về kiểm soát quyền lực nhà nước, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; khắc phục những hạn chế, vướng mắc của Luật hiện hành nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thanh tra đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được ban hành nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò làm chủ của nhân dân với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” và thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở; tiếp tục cụ thể hóa quyền làm chủ của nhân dân, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp năm 2013…
Quốc hội cũng đã thông qua 3 nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật, cho ý kiến lần 2 dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); thảo luận lần đầu dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và 6 dự án luật khác như: Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và phát huy dân chủ, thực sự cầu thị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan tổng hợp đầy đủ, tiếp thu, giải trình kịp thời, thấu đáo ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, nhất là đối với các vấn đề lớn, quan trọng hoặc còn có ý kiến khác nhau nên đã đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao đối với các dự án luật, dự thảo nghị quyết khi Quốc hội thông qua.
Đối với dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Quốc hội đã thảo luận kỹ lưỡng, cân nhắc thận trọng, nhiều mặt và đã thống nhất với Chính phủ quyết định chưa xem xét, thông qua tại Kỳ họp này để có thêm thời gian hoàn thiện, nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu thiết thực cả trước mắt và lâu dài của ngành y tế, nhưng vẫn đảm bảo thời gian có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024 như dự kiến của Chính phủ và Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi). Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Song hành cùng công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Tại kỳ họp này, cử tri, nhân dân cả nước và dư luận đặc biệt quan tâm tới chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021.
Chuyên đề có quy mô và lực lượng huy động tham gia rất lớn, bao gồm cả 63 Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ; được tiến hành công phu, bài bản và thực sự là cuộc tổng rà soát khá toàn diện về thực trạng công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong phạm vi cả nước.
Báo cáo giám sát đã nêu bật những kết quả quan trọng, khá toàn diện đã đạt được, chỉ rõ các tồn tại, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Theo Chủ tịch Quốc hội, kết quả hoạt động giám sát bước đầu đã làm chuyển biến cả về nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành.
Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã và đang tập trung rà soát tổng thể tình hình và các thông tin, số liệu có liên quan; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đồng thời, ban hành kế hoạch, giải pháp để chấn chỉnh, khắc phục ngay các tồn tại, hạn chế theo kiến nghị của Đoàn giám sát.
Cùng với đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết “Đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, trong đó, yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức hữu quan làm rõ các vi phạm, thất thoát, lãng phí đã được phát hiện; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện các giải pháp khắc phục các khuyết điểm, tồn tại, hạn chế trong Báo cáo của Đoàn giám sát.
Các cơ quan hữu quan nghiêm túc thực hiện Nghị quyết về giám sát, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả huy động, quản lý, phân bổ và sử dụng các nguồn nhân lực, vật lực, tài lực để đất nước ngày càng phát triển nhanh và bền vững, tạo chuyển biến rõ rệt, căn bản trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để song hành với những kết quả quan trọng trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác giám sát các nội dung liên quan và việc thực hiện các kiến nghị trong Nghị quyết giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong kế hoạch giám sát năm 2023 và các năm tiếp theo.
Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ tư. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN |
Nội dung chất vấn hướng đúng trọng tâm
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4 kéo dài trong hai ngày rưỡi. Có thể thấy, việc lựa chọn đúng và trúng vấn đề, đổi mới phương pháp chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội, cùng với sự tâm huyết, thẳng thắn, tinh thần trách nhiệm cao trước Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước của người chất vấn và người trả lời chất vấn đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn, bảo đảm các nội dung chất vấn hướng đúng trọng tâm.
Những vấn đề nóng, thời sự “quốc kế dân sinh” nhận được sự quan tâm tán thành, đánh giá cao từ các đại biểu Quốc hội cũng như cử tri và nhân dân cả nước. Cử tri Lê Vũ (Giám đốc Trung tâm Học liệu và Truyền thông - Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng) cho rằng, các đại biểu tham gia chất vấn đã đưa ra những câu hỏi sát với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước; đồng thời gợi mở những giải pháp trong quá trình quản lý, điều hành của Chính phủ. Đặc biệt, nhiều vấn đề nóng đã được đưa ra, nhìn nhận thẳng thắn. Qua đó, Chính phủ có thể tập trung nghiên cứu, giải quyết những tồn tại, khắc phục yếu kém, đưa ra mục tiêu và kế hoạch hướng đến trong năm 2023.
"Thẳng thắn, mạnh mẽ, không né tránh, đúng trọng tâm" là ý kiến của nhiều cử tri tỉnh Quảng Bình sau khi theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Theo cử tri Võ Văn Thắng (thường trú tại thị trấn Hoàn Lão, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), nội dung đặt câu hỏi của các đại biểu về lĩnh vực Nội vụ đều mang tính bao quát cao, gắn với những vấn đề hiện hữu mà xã hội quan tâm như khó khăn, vướng mắc trong sắp xếp bộ máy, tinh giảm biên chế, xây dựng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Với lĩnh vực Thanh tra thì các câu hỏi chủ yếu tập trung vào các giải pháp ngăn chặn, xử lý và thu hồi tài sản tham nhũng; nâng cao chất lượng đạo đức công vụ của cán bộ Thanh tra…
Quốc hội đã thống nhất cao thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, xác định rõ nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và thời hạn hoàn thành cụ thể, đồng thời yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các vị Bộ trưởng, trưởng ngành thực hiện quyết liệt, có hiệu quả những vấn đề đã cam kết, có giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực được chất vấn, báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện tại các kỳ họp sau.
Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, phát huy tinh thần tự cường
Trong thời gian 21 ngày của cả kỳ họp, Quốc hội đã dành nhiều thời gian thảo luận tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công năm 2022; đánh giá về những kết quả quan trọng, nổi bật, khá toàn diện đã đạt được cả về phát triển kinh tế, xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh; an sinh xã hội; chăm sóc người có công và công tác đối ngoại của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Trước tình hình kinh tế và chính trị - an ninh thế giới vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, Quốc hội cũng đã đưa ra những dự báo. Theo đó, trong những tháng cuối năm 2022 và năm 2023, ở trong nước, áp lực lạm phát, tỷ giá, lãi suất tăng cao; thị trường tiền tệ, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân còn nhiều khó khăn.
Từ đó, Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu tiên quyết là phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô trong mọi tình huống.
Cùng với đó là tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ, tập trung giải quyết căn cơ, có kết quả cụ thể các yếu kém, điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công, trong xử lý các tổ chức tín dụng, các dự án, doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ; việc thiếu hụt nguồn cung ứng xăng dầu, tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên y tế, giáo dục và tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế…
Quốc hội cũng đã chỉ ra tầm quan trọng của việc tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu; kêu gọi sự chung sức, đồng lòng, phát huy tinh thần tự cường, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành cao nhất Kế hoạch năm 2022 và 2023, tạo tiền đề để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cho cả giai đoạn 2021 - 2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc kỳ họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Lan tỏa tinh thần đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội
Tại Kỳ họp này, với việc kiện toàn nhân sự Tổng Kiểm toán Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Quốc hội đề nghị các “Tư lệnh ngành” mới được Quốc hội bầu, phê chuẩn nêu cao trách nhiệm, bản lĩnh, sớm nắm bắt công việc, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, giải quyết có hiệu quả những vướng mắc, bất cập để tạo bước phát triển mới trong các lĩnh vực được giao để đóng góp vào sự phát triển chung.
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV với nhiều nội dung quan trọng, trong đó, đã quyết nghị: Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 54/2017/QH14; giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14, trình Quốc hội xem xét, quyết định trong thời gian sớm nhất; Áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật hành chính đối với hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức đồng bộ với quy định xử lý kỷ luật của Đảng; Bổ sung thông tin “nơi sinh” vào hộ chiếu cấp cho công dân Việt Nam để tạo thuận lợi và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân khi nhập cảnh tại các nước.
Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cấp, các ngành khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện các luật, nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua. Các vị đại biểu Quốc hội sớm tiếp xúc cử tri để báo cáo kết quả Kỳ họp, giữ mối liên hệ chặt chẽ, lắng nghe, phản ánh trung thực ý kiến và nguyện vọng của cử tri, tích cực giám sát việc giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân.
Là kỳ họp cuối năm, Quốc hội cũng đã lưu ý các cấp, các ngành nỗ lực thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, gia đình chính sách, người lao động, người có hoàn cảnh khó khăn; chuẩn bị chu đáo các điều kiện phục vụ nhân dân đón mừng năm mới 2023 và Tết Nguyên đán Quý Mão, bảo đảm mọi người, mọi nhà đều được vui Xuân, đón Tết đầm ấm.
Có thể khẳng định, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp. Với sự quyết tâm, nỗ lực của các cơ quan, tổ chức hữu quan, chuẩn bị kỹ lưỡng, chất lượng những nội dung của Kỳ họp, mặc dù có những điều chỉnh nhất định về chương trình, bổ sung thêm nội dung nhưng vẫn bảo đảm sự thông suốt, linh hoạt, hiệu quả trong điều hành và thực hiện thành công chương trình Kỳ họp với sự đồng thuận, thống nhất cao và thời gian kỳ họp được rút ngắn hơn.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa qua đã yêu cầu tập trung thực hiện một số chủ trương, nhiệm vụ quan trọng để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó nhấn mạnh phải tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội.
Tinh thần chỉ đạo đó đã được quán triệt, thực sự lan tỏa, thấm nhuần và được thể hiện đậm nét trong từng quyết sách và hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và từng vị đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp lần thứ 4 này, để lại những dấu ấn, hình ảnh tốt đẹp đối với cử tri và đồng bào cả nước.
Quốc hội thông qua Nghị quyết về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô có hiệu lực từ ngày 1/7/2023 Chiều 15/11, với 473/489 đại biểu có mặt tán thành (chiếm 94.98% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội thông qua Nghị quyết về ... |
Thông qua Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) Sáng 15/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) với 466/468 đại biểu tham gia ... |
Thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột Sáng 15/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn ... |