Kì bí tảng đá in hình đầu người ở Thành nhà Hồ
Văn hóa - Thể thao 29/08/2024 09:07
Đền thờ nàng Bình Khương ở làng Đông Môn, xã Vĩnh Long luôn hấp dẫn du khách mỗi khi có dịp tham quan Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ, bởi một phần vì nơi đây đang thờ tảng đá in hình đầu người và hai bàn tay đầy kì bí. Tảng đá được đặt ở hậu cung, dài chừng 2m, rộng khoảng 1,5m, trên bề mặt có vết lõm sâu to cỡ đầu người, hai bên đều có vết hằn trông giống như hai bàn tay.
Huyền tích kể rằng, sau khi dời đô từ Thăng Long về Tây Đô (huyện Vĩnh Lộc), năm 1397, Hồ Quý Ly cho xây dựng thành, đắp lũy rất nhiều gian khổ, khi phải khai thác, vận chuyển những phiến đá nặng hàng chục tấn.
Đền thờ nàng Bình Khương. |
Trong số những người tham gia xây thành có Cống sinh Trần Công Sỹ, chồng của nàng Bình Khương. Lúc bấy giờ, Trần Công Sỹ được giao nhiệm vụ đốc thúc xây dựng đoạn tường thành phía Đông. Tiến độ xây thành đang gấp rút từng ngày, thế nhưng đoạn thành phía Đông do ông phụ trách cứ xây gần xong lại sập, không ai rõ nguyên nhân do đâu. Nghi ngờ Trần Công Sỹ có mưu đồ làm phản, cố ý chậm trễ công việc, Hồ Quý Ly tức giận hạ lệnh cho quân lính chôn ông vào ngay vị trí bức tường thành bị đổ để răn đe. Hay tin chồng bị xử tội chết oan, nàng Bình Khương đau khổ tột cùng. Trong cơn uất hận, nàng đã lao tới bức tường đá - nơi vùi thân xác chồng để tuẫn tiết theo chồng. Phiến đá nơi nàng tuẫn tiết lõm một hố rất sâu như hình đầu người và hai vệt bàn tay cào xé.
Tiếc thương số phận nàng, người dân trong vùng đã lập đền thờ tại đúng nơi nàng tuẫn tiết theo chồng. Tảng đá nàng đập đầu được Nhân dân trong vùng đưa vào thờ tại hậu cung. 500 năm sau, vào thời vua Đồng Khánh (nhà Nguyễn), câu chuyện về tảng đá in hình đầu người và hai bàn tay khiến người dân khắp nơi hiếu kì đến xem rất đông. Viên hào lí trong làng Đông Môn lo ngại tiếng đồn ngày càng vang xa sẽ gây phiền nhiễu nên thuê thợ về đục cả phiến đá đem chôn. Nhưng đục xong, nhóm thợ mắc bệnh lạ rồi qua đời.
Tri phủ Đoàn Thước nghe tin lo sợ mới sai lính tìm và cho đào phiến đá đó lên, lắp đúng vào chỗ cũ, đồng thời sai thợ khắc dòng chữ “Trần triều Cống Sinh - Bình Khương nương, phu nhân tri thạch”. Đại ý: Tảng đá này ghi dấu vết của nàng Bình Khương, là nương tử của ông Cống Sinh, triều nhà Trần. Tri phủ lại dựng thêm một phiến đá ở chân thành, nơi xưa kia Cống Sinh bị chôn lấp, trên đó cũng khắc một dòng chữ "Trần triều Cống Sinh - Bình Khương phu quân chi biếm" (có nghĩa nơi chôn lấp chồng nàng Bình Khương, là Cống Sinh triều Trần).
Năm 1903, Tổng đốc Thanh Hóa Vương Duy Trinh đã cho người xây dựng lại ngôi đền. Đồng thời, làm sớ tâu lên nhà vua ban sắc phong cho nàng Bình Khương 4 chữ: "Tiết liệu khả phong". Ngôi đền nằm ở cổng phía Đông di sản Thành nhà Hồ, phía sau đền là mộ ông Trần Công Sỹ.
Trải qua thời gian ngôi đền đã bị xuống cấp. Tháng 12/2009, đền được Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ trùng tu tôn tạo, bảo tồn kiến trúc gỗ truyền thống. Ông Vũ Đình Xoén, người làng Đông Môn, xã Vĩnh Long, một trong những người tham gia trùng tu ngôi đền cho biết, thời điểm trùng tu ngôi đền, ông và nhóm thợ đều hốt hoảng khi phát hiện bộ hài cốt cạnh tảng đá in hình đầu người và 2 bàn tay. “Sáng mùng 1/9 âm lịch năm 2009, tôi cùng nhóm thợ đang tiến hành giằng móng ngôi đền thì phát hiện bộ hài cốt ngay ở phía sau tảng đá bà Bình Khương đập đầu. Chúng tôi vội báo cáo sự việc với cơ quan chức năng”, ông Xoén nhớ lại.
Hằng năm, cứ vào dịp 1/9 âm lịch, Nhân dân trong vùng lại tổ chức lễ hội. Đây cũng là một trong những lễ hội lớn nằm trong vùng Di sản thế giới Thành nhà Hồ. Di tích đền thờ nàng Bình Khương được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh năm 1995.