Hỗ trợ sinh kế, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Xã hội 25/06/2021 14:00
Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ: Chương trình mục tiêu quốc gia về dân tộc thiểu số và miền núi là 1 trong 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư với tỉ lệ vốn đầu tư phát triển được bố trí từ ngân sách Trung ương, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển KT-XH của đất nước, hỗ trợ sinh kế và bảo đảm đời sống cho Nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vốn là vùng "lõi nghèo" của cả nước.
Báo cáo với Ban Chỉ đạo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Hầu A Lềnh cho biết: UBDT đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và bộ, ngành liên quan chuẩn bị các hồ sơ, tài liệu phục vụ Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư Chương trình theo quy định.
Ảnh minh họa |
Nội dung chủ yếu của Chương trình gồm 10 dự án thành phần, như: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư những nơi cần thiết; phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng, miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất và đời sống Nhân dân. Phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào; chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc, phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em; thực hiện bình đẳng giới và các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; đầu tư tạo sinh kế bền vững; truyền thông, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giám sát và đánh giá việc tổ chức thực hiện.
Mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 là thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả nước. Đến năm 2025 giảm 50% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, đến năm 2030 cơ bản không còn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Tổng nguồn vốn thực hiện giai đoạn 2021-2025, tối thiểu là 147.052 tỉ đồng. Căn cứ kết quả thực hiện giai đoạn 1, Chính phủ trình Quốc hội quyết định nguồn lực thực hiện Chương trình giai đoạn 2026-2030.
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đánh giá cao UBDT và các bộ, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương đã chỉ đạo quyết liệt, sâu sát các nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, cần rút kinh nghiệm và phải khẩn trương hoàn thành 2 nhiệm vụ đã quá hạn là: Xây dựng tiêu chí, định mức, nguyên tắc phân bổ vốn thực hiện Chương trình trong trung hạn, hằng năm; kiện toàn tổ chức bộ máy Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cấp tỉnh.
Về các nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021, UBDT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành, địa phương liên quan cần phối hợp tốt hơn nữa, quyết tâm hoàn thành công tác chuẩn bị để triển khai thực hiện, trong đó tập trung hoàn thiện thể chế và các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình; xây dựng kế hoạch và đề xuất các giải pháp tổ chức thực hiện giai đoạn 5 năm và năm 2021 theo Quy chế quản lí, điều hành thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia…
Trong bối cảnh dịch Covid- 19 tiếp tục ảnh hưởng lớn đến mọi lĩnh vực của đời sống KT-XH, Chương trình mục tiêu quốc gia về dân tộc thiểu số và miền núi đóng một vai trò vô cùng lớn, vừa góp phần kích thích cung cầu, tạo việc làm, phát triển sản xuất, kinh doanh, vừa mang ý nghĩa quan trọng về an sinh xã hội, đặc biệt là đối với các đối tượng yếu thế, các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn tại các vùng sâu, vùng xa...