Hạn chế và ngừng dùng bao bì nhựa
Xã hội 04/12/2019 09:07
Theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam hiện ở mức rất cao, chiếm khoảng 8-12% trong chất thải rắn sinh hoạt, xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm. Tính riêng các loại túi nilon, ước tính mỗi năm Việt Nam sử dụng và thải bỏ khoảng hơn 30 tỉ túi/năm.
Ở các đô thị, lượng túi nilon được tiêu thụ trung bình khoảng 10,48-52,4 tấn/ngày, riêng tại hai thành phố lớn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh mỗi ngày có khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon thải ra môi trường. Trong số này, chỉ khoảng 17% số túi nilon được thường xuyên tái sử dụng, số còn lại đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần. Nếu tính chỉ số sản phẩm nhựa trên đầu người, đến nay là trên 41kg/người/năm, trong khi chỉ số này năm 1990 là 3,8kg/người/năm.
Theo thống kê của Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam (Bộ Công Thương), lượng nhựa tiêu thụ bình quân toàn ngành công thương có xu hướng ngày càng tăng để đáp ứng nhu cần sản xuất kinh doanh.
Rác thải nhựa trắng xóa tại một bãi biển |
Trong khi đó, cơ sở tái chế và xử lí rác thải nhựa còn thiếu, công nghệ lạc hậu, phân loại rác tại nguồn chưa hiệu quả. Mặt khác, chính sách quản lí phế liệu nhựa nhập khẩu, nhựa dùng một lần, nhựa khó phân hủy còn bất cập. Giá các sản phẩm nhựa dùng một lần, nhựa khó phân hủy thấp, dễ mua. Sản phẩm thay thế nhựa dùng một lần, nhựa khó phân hủy còn ít, khó tìm, giá cao... Trong khi đó, chúng ta chưa xác định được nhu cầu sử dụng nhựa tái chế từ phế liệu...
Trên thực tế, còn nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp (DN) khi sản xuất các loại túi nilon thân thiện với môi trường. Do yêu cầu túi nilon thân thiện với môi trường trước khi được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy chứng nhận thì nhà sản xuất phải có kiểm nghiệm “đạt” về khả năng tự phân hủy tại phòng thí nghiệm được cấp phép tại Ấn Độ, Thụy Điển. Tiêu chuẩn kiểm nghiệm này rất khắt khe trong khi tại Việt Nam chưa có đơn vị nào được cấp phép. Mặt khác, tâm lí e ngại của các DN khi sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường trong tiêu thụ sản phẩm. Bởi việc sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường chưa trở thành bắt buộc, cũng phần nào ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh của DN.
Để giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành công thương nói riêng, ông Đặng Chương Linh, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, Vụ đang triển khai xây dựng văn bản quy định, hướng dẫn việc kiểm soát, hạn chế chất thải nhựa phát sinh trong hoạt động tại chợ, siêu thị, trung tâm thương mại. Cụ thể, đánh giá hiện trạng sử dụng, phát thải túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại. Xây dựng kế hoạch thực hiện mục tiêu đến năm 2021 các cửa hàng, chợ, siêu thị ở các đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần; đến năm 2015 cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.
Việc loại bỏ túi nilon khó phân hủy, theo ông Linh, cần sự vào cuộc của 3 bên. Đối với các DN, cần có lộ trình giảm thiểu việc sản xuất túi nhựa sử dụng hằng ngày hoặc chuyển đổi sang sản xuất các sản phẩm tái chế. Đối với người dân, cần thay đổi hành vi sử dụng như chuyển đổi thói quen khi đi chợ. Về phía chính quyền, cần tăng cường kiểm tra các hoạt động tái chế, kiểm soát việc sử dụng túi nilon tại các trung tâm thương mại, siêu thị, đặc biệt là chợ truyền thống.
Việc hạn chế tiến tới ngừng sử dụng bao bì nhựa, túi nilon sử dụng một lần, khó phân hủy là việc làm cần thiết. Nhưng việc này không thể thực hiện ngay lập tức hoặc trong thời gian ngắn, thay vào đó, cần có lộ trình cùng sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành và các cơ quan liên quan, đặt ra các nhiệm vụ cụ thể, triển khai từng bước một cách hợp lí. Cùng đó, nghiên cứu triển khai các sáng kiến giảm thiểu sử dụng túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần, tăng cường tái chế, tái sử dụng.