Hạn chế tai nạn giao thông, bắt đầu từ ý thức của người tham gia giao thông
Đời sống 23/01/2025 14:01
Tai nạn giao thông (TNGT) là hiểm họa thường trực đối với mỗi người khi tham gia giao thông trên phạm vi cả nước. Mỗi ngày trên cả nước xảy ra hàng trăm vụ TNGT, làm chết và bị thương rất nhiều người. Trước thực trạng đó, việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về ATGT để làm thay đổi thái độ, hành vi tự giác chấp hành của người tham gia giao thông luôn được xem là mục tiêu quan trọng trong công tác bảo đảm trật tự ATGT.
Theo thống kê, Việt Nam là quốc gia có tỉ lệ tử vong do TNGT hàng đầu thế giới. Từ lâu, TNGT đã trở thành một vấn nạn bởi những thiệt hại mà nó mang lại như: tạo gánh nặng kinh tế cho gia đình và xã hội, để lại những vết thương lòng không thể nào nguôi cho những người còn sống, tạo nên sự đổ vỡ trong gia đình.
Việc nghiên cứu bổ sung các chế tài xử lí vi phạm về trật tự ATGT bảo đảm tính nghiêm khắc, răn đe hơn so với hiện nay. Biện pháp xử lí phải tạo được hiệu ứng tích cực để người tham gia giao thông xây dựng được ý thức chấp hành và không dám thực hiện hành vi vi phạm về trật tự ATGT, tạo tác dụng phòng ngừa vi phạm, phòng tránh TNGT. Đặc biệt, xem xét tăng cường nguồn kinh phí bảo đảm trật tự ATGT, nhất là ở cấp cơ sở; nên để lại nguồn tiền (thu được qua xử phạt vi phạm trật tự ATGT) cho địa phương tái đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông phục vụ cho công tác bảo đảm trật tự ATGT của địa phương đó.
Năm 2025 có chủ đề “Hành trình an toàn, kiến tạo tương lai”, nhằm tiếp tục nâng cao hiệu lực và hiệu quả công tác quản lí nhà nước và hoạt động thực thi pháp luật trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, ATGT, nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông. Theo số liệu thống kê, TNGT trong một vài năm gần đây có giảm đi, nhưng không đáng kể. Thực tế những con số thống kê cũng không phải là kết quả chắc chắn. Bởi hàng giờ, hằng ngày vẫn có những vụ va chạm gây người chết, người bị thương hai bên thương lượng với nhau… Bản tin thời sự hằng ngày vẫn đăng những vụ tai nạn thảm khốc, thương tâm khiến chúng ta không khỏi bàng hoàng lo sợ mỗi khi ra đường.
Ngày 27/12/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 168 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Nghị định này chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, với một điểm nổi bật là việc tăng mạnh mức xử phạt đối với nhiều hành vi vi phạm. Đặc biệt, các hành vi tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông cũng sẽ bị xử lí nghiêm khắc hơn.
Năm 2025, lĩnh vực giao thông sẽ có rất nhiều thay đổi và cập nhật mới trong chính sách: Nghị định 168 chính thức có hiệu lực, tăng nặng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; chính sách mới về giấy phép lái xe, đăng kí xe, cấp biển số xe,…
Thực tế cho thấy, sau 2 tuần áp dụng triển khai Nghị định 168, nhìn chung, tình hình trật tự an toàn giao thông có nhiều chuyển biến tích cực khi người dân đã nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc chấp hành nghiêm pháp luật về ATGT. Vào những khung giờ cao điểm trên các tuyến đường trọng điểm, tình trạng người điều khiển phương tiện tham gia giao thông dừng chờ đèn tín hiệu nghiêm túc, dừng đúng vạch quy định, có trật tự. Không còn tình trạng người tham gia giao thông điều khiển phương tiện lưu thông trên hè phố, lưu thông không đúng phần đường, lưu thông ngược chiều...
Cùng với đó, người dân đã có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, đặc biệt là văn hóa không lái xe sau khi đã sử dụng rượu, bia dần được cải thiện (người dân đã quen việc sử dụng hình thức phương tiện xe công nghệ sau khi đã sử dụng rượu bia).
TNGT là nỗi kinh hoàng của gia đình và xã hội, vậy chúng ta cần phải làm gì để giảm thiểu TNGT hiện nay? Để làm được điều này đòi hỏi mọi người phải cùng nhau chung tay góp sức xây dựng mới thành công.
ATGT là những hành vi văn hóa khi tham gia giao thông bao gồm các hiểu biết, ý thức chấp hành luật giao thông. Hay nói cách khác đó là sự an toàn khi tham gia giao thông của các chủ phương tiện xe gắn máy, xe ô tô,… được bảo đảm bằng cách chấp hành tốt các quy định luật giao thông và không gây ra tai nạn, thương tích đối với người tham gia giao thông.`
Giải pháp của các cấp, ngành là vậy, song, thiết nghĩ, để TNGT không còn là vấn đề nhức nhối của xã hội, gây ra những nỗi đau, mất mát cho bản thân, gia đình thì điều quan trọng vẫn là mỗi người dân phải nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành pháp luật về ATGT. Đây là cách kéo giảm TNGT bền vững nhất.