Góc khuất của phim bạo lực trong điện ảnh?
Nhịp sống văn hóa 26/03/2022 05:46
Thực tế cho thấy, những bộ phim lành mạnh về gia đình, bạn bè, công sở, học đường,... dựa trên việc xây dựng tình thương yêu, nhân ái giữa con người với con người để cùng phát triển, luôn được khuyến khích triển khai trong tác phẩm điện ảnh Việt.
Tuy nhiên, dưới tác động của đời sống xã hội, hiện nay vẫn có một số tác phẩm điện ảnh còn chuyển tải những ý nghĩa không phù hợp với sự phát triển của xã hội - con người. Đặc biệt là gần đây, một số phim điện ảnh Việt đang có xu hướng lạm dụng những cảnh “nóng” và cảnh bạo lực quá mức thực tế để “câu khách” nhằm đạt được doanh thu.
Poster phim "Thanh Sói". (Ảnh: CGV) |
Trong thời điểm dịch COVID-19 đang tác động tới mọi ngõ ngách của đời sống xã hội, khiến mọi thứ đều trở nên khó khăn, thì việc tận dụng mọi "chiêu thức" để đạt được doanh thu trong điện ảnh… cũng là điều dễ hiểu trong phạm vi cho phép.
Tuy nhiên, nhiều nhà làm phim đã dùng “chiêu trò” câu khách một cách bằng những cảnh quá bạo lực, không phù hợp với môi trường điện ảnh. Đặc biệt khi những thước phim này được quảng bá quá đà, đôi khi dẫn đến sự hiểu lầm của khán giả với các cơ quan quản lý.
Chiêu trò đổ lỗi?
Nhiều nhà làm phim kháo nhau về “chiêu trò” để “qua mặt” cơ quan kiểm duyệt điện ảnh hiện tại, hoặc “đổ lỗi” cho cơ quan kiểm duyệt quá khắt khe để cắt bỏ những cảnh bạo lực, nhằm đổ lỗi cho các cơ quan quản lý không ủng hộ điện ảnh phát triển. Thực hư thế nào?
Có một thực tế, trong quá trình quay phim, nhiều khi bộ phận PR sẽ thực hiện một số cảnh quay rất bạo lực (cắt, chém hay thanh trừng rất ghê rợn). Việc này, chủ yếu để thực hiện công tác truyền thông PR và dựng trong bản phim mang đến cơ quan kiểm duyệt. Và đôi khi, họ cũng biết chắc chắn rằng những cảnh quay đó sẽ bị “cắt” vì không phù hợp hay lệch chuẩn thuần phong mỹ tục của Việt Nam.
Các cơ quan quản lý sẽ rất khó xử, chấp nhận cắt thì sẽ thành vấn đề của truyền thông, không cắt sẽ khó vì nó quá bạo lực.
Không dừng lại ở đó, các nhà sản xuất song song với việc đi “xin” kiểm duyệt, họ sẽ tung lên truyền thông Teaser hay Trailer với những cảnh ghê rợn đó để quảng bá bộ phim. Họ tạo ra sự thu hút khán giả bằng những cảnh quay như trên.
Trường hợp phim bị cắt và khi chiếu phim tại rạp, khán giả thấy thiếu những cảnh đã tung lên truyền thông trước đó thì họ có cớ “đổ lỗi” cho cơ quan quản lý đã cắt bỏ để “lu loa” lên rằng, họ muốn mang đến khán giả nhưng đã bị cắt khi kiểm duyệt.
Đây cũng là lý do “vàng ngọc” cho các chiến dịch truyền thông đã được chuẩn bị sẵn và giống như miếng mồi ngon cho các trang mạng và nhiều cá nhân lên tiếng “lu loa” và có thể dồn áp lực cho các cơ quan quản lý bị oan khi duyệt phim.
Có nên yêu cầu Teaser hay Trailer phim phải giống các cảnh trong phim?
Hiện tượng có nhiều phim đã tung các hình ảnh bạo lực và man rợ trong các Teaser hay Trailer nhưng không có cơ quan quản lý nào có ý kiến, hoặc luật chưa quy định kiểm soát vấn đề này, nên nhiều nhà làm phim vẫn có tính toán để lạm dụng nhằm thực hiện chiêu trò truyền thông đã diễn ra trong môi trường điện ảnh Việt từ rất lâu, đôi khi mang cái nhìn thiếu thiện chí đối với các cơ quan quản lý Nhà nước.
Như phim “Thanh Sói” vừa mới tung Teaser ra có những những cảnh bạo lực phản cảm theo phong cách phim Hong Kong cũ đã làm rất nhiều rồi, (cắt cổ, đâm dao vào cổ). Phim có xu hướng câu khách bằng những cảnh bạo lực, không biết có được các cơ quan quản lý kiểm duyệt hay không?
Mới đây, thảo luận tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi); Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhắc nhở rằng, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu với thế giới, cho nên chính sách của Nhà nước về các loại phim cũng phải khác nhau. Phim hoạt hình cho trẻ em có cần phải ưu tiên không? Phim kinh dị hay phim bạo lực như thế nào, có cần khuyến khích không?...
Chúng ta vẫn biết rằng, để ủng hộ các nhà làm phim, Luật Điện ảnh vẫn luôn cởi mở. Tuy nhiên hiện tại, một số vấn đề vẫn đang được thả lỏng cần phải xem xét, tránh ảnh hưởng đến sự phát triển của điện ảnh. Nhưng cũng phải hạn chế điện ảnh bạo lực vì một số nhà làm phim có thể mang đến những bộ phim có những yếu tố ảnh hưởng đến các thế hệ.
Rõ ràng, các bộ phim bạo lực luôn là thứ "chất độc tinh thần" làm ô nhiễm tâm hồn của người trẻ và làm băng hoại đạo đức xã hội. Điều này, rất cần được ngăn chặn, bởi thực tế xã hội loài người đã phải chứng kiến không biết bao nhiêu tội ác có nguồn gốc từ bắt chước phim ảnh.
Nên chăng, các cơ quan quản lý Nhà nước về điện ảnh cần có cơ chế phù hợp, khuyến khích các nhà làm phim xây dựng các bộ phim có tính giáo dục, tính nhân bản, xây dựng nền tảng tình yêu thương và đề cao giá trị nhân văn trong đời sống xã hội.