Giáo sư cao tuổi người Hàn yêu Việt Nam
Xã hội 22/01/2023 11:00
Từ “Yêu cây dừa vùng sông nước” mà GS Ahn đã “Yêu Việt Nam!”, đặt niềm tin yêu để tôi quyết tâm học tiếng Việt, yêu ngôn ngữ xứ sở những vườn dừa mượt mà vùng sông nước. GS Ahn đã nói điều này không chỉ một lần mà nhiều lần - lời nói mộc mạc và chân thành từ trái tim. Yêu cây dừa, GS Ahn yêu ca khúc nổi tiếng Dáng đứng Bến Tre: “Ai đứng như bóng dừa tóc dài bay trong gió … Ơi lúc đi xa dừa ơi ta nhớ lắm nghe…” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý - nhạc sĩ và GS Ahn tuy chẳng mấy lúc gặp nhau nhưng trong tâm khảm họ như là người bạn tri kỉ vậy - từ dáng đứng thiên nhiên, rừng dừa.
Tháng 10/2022, tôi gặp GS.TS Ahn Kyong Hwan tại Văn phòng MHGroup (4A Lê Thánh Tông, TP Hà Nội), khi doanh nghiệp này tổ chức cuộc tọa đàm về xây dựng, phát triển đô thị ở Việt Nam. Chính ông là người kết nối sự kiện, các nhà khoa học chuyên ngành - những người bạn tin cậy của GS.TS Ahn Kyong Hwan từ Hàn Quốc đã bay sang Hà Nội thảo luận với MHGroup những dự án của tương lai. Tôi và tiến sĩ, nhà khoa học Trương Thành Công, thành viên Liên hiệp các hội Khoa học -Kĩ thuật Việt Nam; cố vấn đặc biệt của MHGroup, nguyên Trưởng ban Tuyên Giáo Thành ủy Hà Nội, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Viêt Nam, nhà báo, nhà văn Hồ Quang Lợi cùng đến dự sự kiện.
GS, TS Ahn Kyong Hwan (thứ 2 từ phải qua) trong cuộc toạ đàm kinh tế- thương mại Việt - Hàn, tại Hà Nội ngày 27/10/2022. |
Nhà báo, nhà văn Hồ Quang Lợi thân mật giới thiệu với tôi và tiến sĩ Trương Thành Công về GS.TS Ahn Kyong Hwan khi cùng chúng tôi tí tách bên giọt cà phê Việt:
- GS Ahn là người bạn thân thiết của Việt Nam. Ông học tiếng Việt từ năm 1974. Tôi thân quen GS Ahn từ ngày còn làm Phó Tổng Biên tập báo Quân đội Nhân dân và Tổng Biên tập báo Hà Nội mới. Ngay câu nói đầu tiên khi tôi gặp GS Ahn, ông đã thốt lên bằng ngôn ngữ Việt thành thạo: Tôi yêu Việt Nam. GS Ahn ngồi cạnh, lắng nghe những lời trần tình của nhà báo, nhà văn Hồ Quang Lợi, ông chỉ mỉm cười - nụ cười hiền tỏa nắng, toát lên vẻ đẹp nhân hậu.
Dành cho chúng tôi sự bất ngờ, Tiến sĩ Trương Thành Công bắt tay GS Ahn:
- Tôi biết GS Ahn tại TP Hồ Chí Minh khi ông dịch tác phẩm “Nhật kí trong tù” của Hồ Chủ tịch và chuyển ngữ Truyện Kiều bất hủ của Đại thi hào Nguyễn Du sang tiếng Hàn.
GS Ahn cũng ngạc nhiên, tiến sĩ Trương Thành Công cũng là bạn quý, nhà khoa học chuyên ngành mà am tường thời cuộc giới văn chương. Nhà báo, nhà văn Hồ Quang Lợi tiếp tục mạch chuyện thân tình và cởi mở:
- GS Ahn còn dịch “Những năm tháng không thể nào quên” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra tiếng Hàn, sách được nhà xuất bản Zmanz ấn hành, độc giả Hàn Quốc chào đón nồng nhiệt. Cảm phục trước những tấm gương dũng cảm và yêu nước, hi sinh quên mình vì nghiệp lớn của phụ nữ Việt Nam, GS Ahn dịch “Nhật kí Đặng Thùy Trâm” từ năm 2008, Nhà xuất bản Erum ấn hành - Bản dịch về nữ liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm được độc giả xứ sở Kim Chi đón nhận và càng thêm cảm phục người phụ nữ Việt Nam hi sinh vì sự nghiệp lớn.
Tôi như bị cuốn hút vào những câu chuyện cởi mở bên bàn trà, khi kết thúc sự kiện do MHGroup vào cuối giờ chiều, tôi tặng GS Ahn 3 cuốn sách do tôi viết: Truyện ngắn “Hoa bằng lăng”, bút kí “Chuyện tình phố cổ”, “Khúc hát sông Ngàn” xuất bản năm 2021, 2022. Sau khi giới thiệu rất vắn tắt nội dung 3 cuốn sách, tôi hỏi thêm ông lí do nào mà năm 2022, ông chọn dịch sang tiếng Hàn tiểu thuyết “Chúa đất” của nhà văn Đỗ Bích Thủy?”. GS Ahn nhiệt thành, nụ cười ấm áp:
- Tôi đến Hà Giang nhiều lần, một vùng đất biên ải rất đặc biệt. Tôi mến mộ chuyện tình Khâu Vai, đọc và tìm hiểu văn hóa dân tộc Mông trong cái nôi văn hóa Việt cùng với những nét tương đồng về văn hóa Hàn. Đọc “Chúa đất”, tôi cảm phục trí tưởng tượng và sự dẫn dắt câu chuyện của nhà văn Đỗ Bích Thủy. Tôi dịch tác phẩm này sang tiếng Hàn để người Hàn có cơ hội hiểu thêm văn hóa Việt Nam, đất và người Việt Nam, cũng là cách để tôi học và hiểu sâu thêm đất và người xứ sở cao nguyên đá tuyệt vời này.
Chuyện này nối tiếp chuyện kia, mạch kể như không bao giờ cạn. Tôi và GS.TS Ahn kết nối điện thoại mạng zalo, telegram, facebook để lại tiếp tục những câu chuyện đang dang dở. Thạc sĩ, chuyên gia ngôn ngữ Hàn - Việt Dương Thanh Hoài kể cho tôi nghe nhiều câu chuyện về một người bạn Hàn mà “Tâm hồn Việt”, “Người kết nối bền bỉ” không mệt mỏi đưa văn học Việt đến với bạn đọc Hàn Quốc, góp phần giao thoa nền văn hóa hai dân tộc. GS Ahn cùng các nhà thư pháp Hàn Quốc qua Việt Nam tổ chức triển lãm thư pháp Hàn tại Hà Nội về 133 bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh; đến huyện Nghi Xuân, quê hương của Đại thi hào tặng bảo tàng Nguyễn Du bản Truyện kiều do chính ông dịch sang tiếng Hàn.
Một buổi sáng mùa Thu Hà Nội, bên tiệm cà phê Hồ Tây, đàn sâm cầm bay nhẹ trên mặt hồ dát bạc đón bình minh ngày mới, tôi cùng thạc sĩ Dương Thanh Hoài, tiến sĩ Trương Thành Công, thạc sĩ Nguyễn Minh Hằng, nhà báo, nhà văn Hồ Quang Lợi nhắc đến GS Ahn với tình cảm thân thiết, sự ngưỡng mộ, trân quý về GS.TS Ahn Kyong Hwan, người bạn quý của Việt Nam. Dương Thanh Hoài tâm sự với cả nhóm:
- GS Ahn là người bạn thủy chung, trọng nghĩa tình. Ông đã cất công đi tìm một cô giáo người Hà Nội, họ gặp nhau lần đầu và cũng là lần cuối trên sân ga xe lửa TP Vinh từ năm 2002, cách đây đúng 20 năm. Lần đầu tiên, GS Ahn từ Hà Nội một mình đi xe lửa vào Vinh lạ nước lạ cái, để tìm về làng Kim Liên, huyện Nam Đàn quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông nói, trước khi chuyển ngữ 133 bài thơ của Hồ Chí Minh sang tiếng Hàn, ông muốn đến Kim Liên để hiểu thêm về một nhân cách lớn, một tâm hồn thơ vĩ đại. Đang lúc lúng túng nơi sân ga hỏi đường đi Kim Liên, Nam Đàn thì cô giáo nọ xuất hiện, cô giáo đã chỉ cho giáo sư đường đi lối lại ở TP Vinh; hơn thế cô giáo còn mua tặng GS Ahn vé xe lửa để ông chủ động kịp quay về Hà Nội trong ngày.
Bên tách cà phê Tây Hồ, cả nhóm chúng tôi xúc động, tự hào về một cô giáo Hà Nội nào đó. Dương Thanh Hoài kể tiếp:
- Và suốt 20 năm nay, GS Ahn muốn tìm gặp lại cô giáo để được cảm ơn cử chỉ nghĩa tình của cô, nhưng tìm mãi mà như mò kim đáy biển, có thể số điện thoại của cô ấy đã thay đổi; hoặc cô giáo đã không còn ở Hà Nội. Có dịp là GS Ahn lại nhắc đến cô giáo xinh đẹp, chu đáo, nghĩa tình của xứ Tràng An ngàn năm văn hiến.
Tôi ghi lại câu chuyện của GS Ahn, không chỉ để bày tỏ tình cảm và sự tri ân đối với người bạn Hàn Quốc. Hơn thế, duyên trời tôi hi vọng cô giáo Hà Nội mến yêu sẽ đọc được bài viết này để có thể kết nối với nhóm bạn chúng tôi, may gì để người bạn Hàn Quốc, GS Ahn có dịp bày tỏ lòng cảm ơn chân thành cô giáo!
GS.TS Ahn Kyong Hwan, sinh ngày 29/1/1955, tại xã Suanbo, thành phố Chungju, thuộc miền Trung Hàn Quốc. Bài viết này xin được coi như một món quà mừng sinh nhật lần thứ 68 của ông. GS.TS Ahn Kyong Hwan học tiếng Việt tại trường đại học Hàn Quốc, làm luận án thạc sĩ và tiến sĩ Ngôn ngữ tại Trường đại học Xã hội Nhân văn TP Hồ Chí Minh. Hiện nay ông là Tổng Hiệu trường Trường Quốc tế Toàn cầu Hàn Quốc (Korea Global School-KGS) tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Ông vẫn còn ấp ủ tiếp tục dịch thuật nhiều tác phẩm văn học Việt Nam tiêu biểu khác, nhất là tác phẩm thơ văn của các danh nhân văn hóa từ tiếng Việt sang tiếng Hàn.
Qua Tạp chí Người cao tuổi, GS.TS Ahn Kyong Hwan xin được chúc mừng năm mới tới các cụ bà, cụ ông - người cao tuổi nước Việt mến yêu sức khỏe, hạnh phúc tuổi già trên một đất nước tươi đẹp, hòa bình và thịnh vượng! GS. TS Ahn Kyong Hwan thường tâm niệm: “Tôi yêu Việt Nam” - Việt Nam quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều danh nhân văn hóa thế giới, đất nước của hòa bình, thân thiện, mến khách, quê hương thứ hai của tôi”.
Xin được bày tỏ sự ngưỡng mộ một tấm lòng yêu đất Việt! Chân thành cảm ơn GS. TS Ahn Kyong Hwan, người bạn Hàn Quốc mến yêu!.