Giải pháp kích cầu phục hồi kinh tế bền vững
Kinh tế 30/10/2021 11:09
Khó khăn khi tổng cầu yếu
Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến sản xuất - kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm đặc biệt là tiêu thụ các sản phẩm nông sản trong và ngoài nước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng năm 2021 giảm 7,1% so với cùng kì năm trước, chứng tỏ nhu cầu tiêu dùng suy giảm.
Đặc biệt, đại dịch làm ảnh hưởng hoạt động cung - cầu, đứt gãy chuỗi cung ứng do thiếu nguồn lao động thu hoạch, chế biến và sản xuất; làm hạn chế lưu thông, vận chuyển hàng hóa giữa các địa phương… Đối với thị trường trong nước, khó khăn lớn nhất là thu nhập của người tiêu dùng sụt giảm do tác động của dịch Covid-19 khiến phải điều chỉnh hành vi tiêu dùng, dẫn đến tổng cầu suy giảm.
Qua theo dõi tổng mức bán lẻ 9 tháng qua, đặc biệt tháng 8 và 9 khi TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh thành phía Nam thực hiện giãn cách thì tổng mức bán lẻ lần đầu tiên âm hơn 7,0%. Trong khi trước đây thông thường hằng năm, tổng mức bán lẻ trong nước tăng trưởng 9 - 10%, luôn luôn cao 1,5 lần GDP.
Bài toán đặt ra: Cần tìm ra các giải pháp kích cầu nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới... “Mục tiêu kép” đang chuyển dần từ tập trung chủ yếu cho phòng, chống đại dịch Covid-19 sang trạng thái “bình thường mới”, khôi phục kinh tế, đời sống người dân, trong đó có người cao tuổi (NCT). Để khôi phục kinh tế, đời sống, việc đánh giá tổng cầu và có giải pháp kích cầu nên được quan tâm đặc biệt.
Biểu đồ tốc độ tăng trưởng của tiêu dùng cuối cùng, tích lũy tài sản so với tốc độ tăng của GDP. |
Tổng cầu yếu do nhiều nguyên nhân. Chủ yếu nhất là tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng, tập trung ở những nơi có nhiều doanh nghiệp, đông dân cư, trong thời gian khá dài, làm cho thu nhập bị giảm bởi số doanh nghiệp ra khỏi thị trường nhiều và tăng; do tâm lí tiết kiệm tiêu dùng hoặc tỉ lệ tự cấp, tự túc tăng lên trên 10% tổng tiêu dùng cuối cùng.
Giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa để thúc đẩy phục hồi kinh tế
Qua đại dịch Covid-19, thế giới có ba giải pháp kích cầu cơ bản. Một là, Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho người dân bằng tiền. Hai là, Nhà nước trợ giá, giảm thuế, giảm chi phí sản xuất sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp. Ba là, Nhà nước đứng ra mua sản phẩm, dịch vụ mà các doanh nghiệp cung cấp.
Việt Nam cũng nằm trong diễn biến chung của thế giới. Để tăng tổng cầu cần có nhiều giải pháp tác động đến các bộ phận dân cư. Trước hết là đối với đầu tư, cần lưu ý một số điểm.
Một là, cần giữ tỉ lệ vốn đầu tư/GDP bằng 30% như chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ số lượng sang chất lượng, từ chiều rộng sang chiều sâu, giảm sự phụ thuộc của tăng trưởng vào việc tăng lượng vốn đầu tư.
Hai là, cần có giải pháp mạnh hơn đối với từng nguồn vốn đầu tư. Đối với nguồn vốn thuộc khu vực Nhà nước cần giải ngân nhanh, đẩy nhanh tiến độ thi công; tìm thêm nguồn vốn thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ để vay trong nước cho đầu tư công. Đẩy nhanh cổ phần hoá để huy động vốn xã hội. Mạnh dạn thoái vốn Nhà nước ở các doanh nghiệp, thoái vốn ngoài ngành để tập trung cho chuyên ngành chính...
Đối với nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cần đẩy mạnh các dự án để thu hút kĩ thuật - công nghệ cao. Phát triển thị trường chứng khoán, mở “room” đối với ngành, lĩnh vực cho nhà đầu tư nước ngoài. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện vốn ODA...
Đối với nguồn vốn dân cư, doanh nghiệp tư nhân, cần có giải pháp mạnh hơn để vừa chống vàng hóa, đô-la hóa, vừa thu hút được lượng vốn khổng lồ đang nằm trong dân đầu tư trực tiếp cho sản xuất - kinh doanh...
Đối với tổng mức bán lẻ hiện nay cần quan tâm đến một số giải pháp. Chính phủ đẩy nhanh cắt giảm, giãn hoãn các khoản thuế, nhất là thuế VAT vì loại thuế này trực tiếp liên quan đến giá cả mà người mua phải trả.
Các doanh nghiệp cần tìm mọi cách để tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, kể cả hạ giá bán, bán trả góp, khuyến mại, đưa hàng hóa về nông thôn... Kiềm chế nhập khẩu những mặt hàng trong nước đã sản xuất; yêu cầu các doanh nghiệp FDI tăng hơn nữa tỉ lệ xuất khẩu các mặt hàng đã sản xuất.
Ba là, ngoài các biện pháp về tiền tệ, tài khoá, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đặc biệt kích cầu tiêu dùng nội địa, tiến hành nhiều giải pháp tăng tổng cầu, thúc đẩy tiêu dùng nội địa, kết nối cung cầu. Khởi động lại các chương trình online và offline, Chương trình khuyến mại quốc gia tập trung…. nhằm kết nối giữa người mua và người bán giúp người tiêu dùng tiếp cận hàng hóa thuận lợi, giá rẻ.
Bốn là, hỗ trợ những doanh nghiệp “xốc” lại tinh thần của nhân viên để họ lấy lại sinh khí, chuẩn bị bước vào cuộc tăng tốc mới. Đây sẽ là bước đầu tiên quan trọng cho việc tái đầu tư vào đội ngũ, thông qua các chương trình huấn luyện và đào tạo
Mặt khác, cần tránh tình trạng các địa phương đưa ra các biện pháp phòng chống dịch cực đoan, trái với chỉ đạo của Chính phủ về việc bảo đảm lưu thông hàng hóa, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng. Lưu thông là “huyết mạch” của nền kinh tế, vì vậy, vấn đề về thực thi các Chỉ thị, Nghị quyết chống dịch cần thật sự thống nhất tại các địa phương tránh gây ra những khó khăn nhất định cho doanh nghiệp.
Phát huy vai trò NCT trong hoạt động kích cầu
Với các doanh nghiệp do NCT làm chủ, cần động viên họ phát huy uy tín, kinh nghiệm quản trị lâu năm để thu hút lao động, huy động nguồn vốn, tiêu thụ sản phẩm. Trong đại dịch Covid-19, không ít doanh nghiệp do NCT làm chủ đã có những giải pháp tích cực trong sản xuất, kinh doanh để giảm thiểu tác động, từng bước vượt lên khó khăn, không để dứt gãy chuỗi sản xuất cung ứng.
Với lực lượng lao động là NCT, nhất là NCT còn sức khỏe trực tiếp sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực nông, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ… các địa phương, chủ doanh nghiệp cần tạo điều kiện thuận lợi như tiêm đủ 2 mũi vaccine, bảo đảm các yêu cầu về phòng chống dịch, lưu thông phương tiện, hàng hóa… để họ yên tâm làm việc, cống hiến.
Đối với hoạt động kết nối cung - cầu, cần phát huy vai trò của các cấp Hội NCT trong việc phối hợp, tham gia các hợp tác xã, tổ hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, cung cấp nguyên liệu, dịch vụ, hỗ trợ vay vốn, kết nối lưu thông hàng hóa thông suốt giữa các vùng miền… Qua đó thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, vận động NCT có điều kiện đầu tư vốn sản xuất, kinh doanh, góp phần phục hồi kinh tế, giải quyết khó khăn cho NCT.