Già làng Y Kông 99 tuổi vẫn mê đẽo trống Cơ Tu
Nhịp sống văn hóa 26/09/2024 14:36
Già làng Y Kông đã dành nhiều năm để sưu tầm, phục chế và truyền dạy những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình, từ những nhạc cụ truyền thống đến các bức tượng gỗ chạm khắc tinh xảo. Cụ còn đẽo gọt trống cổ Cơ Tu, một loại nhạc cụ quan trọng trong các dịp lễ hội, đám cưới và tang lễ của người dân nơi đây. Những chiếc trống được làm từ thân cây, bịt da bò, nai… và từng chi tiết đều được cụ thực hiện thủ công, tỉ mỉ với kĩ thuật điêu luyện.
Từ năm 2010 - 2012, thấy các làng Cơ Tu không còn hoặc ít sử dụng trống cổ. Lo lắng di sản văn hóa mai một, cụ phục hồi và chế tác trống cổ, làm ra hàng chục chiếc mỗi năm, bán với giá rẻ cho người dân và các đơn vị có nhu cầu. Nhờ niềm đam mê và tài năng, già làng Y Kông đã khôi phục nghề chế tác trống cổ truyền thống, giúp tiếng trống Cơ Tu vang lên trong các lễ hội văn hóa.
Ngoài việc chế tác trống, già làng Y Kông còn nổi tiếng với nghệ thuật đục đẽo tượng gỗ Cơ Tu. Những bức tượng gỗ lớn, được chạm khắc với hình ảnh nam nữ Cơ Tu trong trang phục truyền thống, cùng các loài động vật, là minh chứng sống động cho nền văn hóa phong phú của dân tộc này. Với sự khéo léo và tài năng thiên phú, cụ đã sáng tạo ra nhiều tác phẩm nghệ thuật độc đáo, vừa mộc mạc nhưng lại chứa đựng sâu sắc các giá trị văn hóa của đồng bào Cơ Tu.
Già làng Y Kông. |
Không chỉ dừng lại ở việc sáng tạo nghệ thuật, già Y Kông còn xây dựng một bảo tàng văn hóa Cơ Tu “thu nhỏ” ngay tại nhà mình. Bảo tàng này là điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước, với hàng trăm đoàn khách đã đến tham quan, tìm hiểu về văn hóa và cuộc sống của người Cơ Tu. Nhà Moong - gươl nhỏ được cụ xây dựng năm 2010, không chỉ là nơi trưng bày những vật phẩm truyền thống mà còn là nơi để khách tham quan thưởng thức văn hóa qua các màn múa "Tâng tung - Da dá" của các chàng trai, cô gái Cơ Tu, cùng với những bữa ăn mang đậm hương vị của núi rừng Trường Sơn.
Với tâm huyết bảo tồn văn hóa dân tộc, già làng Y Kông không chỉ là người nghệ nhân đam mê với các tác phẩm gỗ và nhạc cụ truyền thống, mà còn là người truyền cảm hứng về lòng tự hào dân tộc, một "cây đại thụ" của núi rừng Trường Sơn, được dân làng Đông Giang yêu mến và kính trọng.
Trao đổi với chúng tôi, già Y Kông chia sẻ: “Chúng tôi không mong cầu lợi lộc cá nhân, chỉ mong bảo tồn và quảng bá văn hóa truyền thống của người Cơ Tu để bạn bè khắp nơi biết đến. Văn hóa Cơ Tu là một phần không thể thiếu của dãy Trường Sơn, của đất nước, và là niềm tự hào mà tôi luôn nỗ lực gìn giữ và phát huy”.