Dự thảo về Luật Cảnh sát cơ động: Tránh sự chồng chéo với các cơ quan khác
Sự kiện 21/10/2021 16:38
Việc xây dựng Luật CSCĐ nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của Hiến pháp năm 2013 về việc luật hóa các quy định hạn chế quyền con người, quyền công dân; thống nhất với quy định của các luật có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và xây dựng lực lượng CSCĐ.
Ông Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Cảnh sát cơ động (chiều ngày 21/10). |
Xác định những nhiệm vụ, quyền hạn của CSCĐ
Theo Tờ trình, Pháp lệnh CSCĐ được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 23 tháng 12 năm 2013, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014, đây là cơ sở pháp lý quan trọng để CSCĐ phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang xử lý kịp thời, có hiệu quả các hoạt động gây phương hại đến an ninh, trật tự, biểu tình, bạo loạn; trấn áp các đối tượng phạm tội nguy hiểm, đấu tranh triệt phá các chuyên án, các băng, ổ nhóm tội phạm có tổ chức; bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, hội nghị, sự kiện chính trị quan trọng… góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Được xem là lực lượng đặc thù so với các lực lượng khác trong Công an nhân dân, việc xây dựng và ban hành Luật CSCĐ nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng lực lượng CSCĐ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại tại các văn kiện như Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, XII, XIII của Đảng và Nghị quyết của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ An ninh quốc gia, cũng như Đề án hiện đại hóa lực lượng CSCĐ đến năm 2025, tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Mặt khác, trước những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, khu vực tác động ảnh hưởng trực tiếp đến ANTT của nước ta như: Xung đột vũ trang, sắc tộc, tôn giáo, khủng bố quốc tế, biểu tình, bạo loạn; các mối đe dọa an ninh truyền thống, phi truyền thống (thiên tai, dịch bệnh)... đặt ra yêu cầu cấp thiết phải xây dựng Luật về lực lượng CSCĐ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Ông Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, Dự thảo Luật CSCĐ gồm 5 chương, 31 điều, nội dung cơ bản được xây dựng trên cơ sở bám sát các giải pháp của 4 chính sách đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua; kế thừa các quy định còn phù hợp của Pháp lệnh CSCĐ năm 2013.
Bên cạnh đó, dự thảo còn bổ sung những quy định mới phù hợp với yêu cầu thực tiễn hoạt động của lực lượng này. Xác định 7 nhóm nhiệm vụ cơ bản của CSCĐ tại Điều 9 dự thảo Luật, trong đó kế thừa những nhiệm vụ còn phù hợp của Pháp lệnh CSCĐ, đồng thời bổ sung 2 nhóm nhiệm vụ cho CSCĐ.
Ngoài ra còn quy định cụ thể 7 quyền hạn của CSCĐ tại Điều 10 của dự thảo Luật. Trong đó bổ sung thêm 2 quyền hạn mới phù hợp với yêu cầu thực tiễn thực hiện nhiệm vụ của CSCĐ.
Tránh sự chồng chéo nhiệm vụ của các cơ quan
Để tránh sự chồng chéo, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội (UBQPAN) cũng có báo cáo thẩm tra về dự thảo này.
Ông Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm UBQPAN cho biết, ngày 8/10 vừa qua Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội đã tổ chức phiên họp toàn thể thẩm tra dự thảo này. Quá trình thẩm tra, các đại biểu đồng tình quan điểm về sự cần thiết ban hành dự án Luật CSCĐ, đồng thời nêu ra một số ý kiến về nhiệm vụ, quyền hạn của CSCĐ và nhất trí với quy định trong dự thảo.
Về quyền hạn của Cảnh sát cơ động, một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể, chặt chẽ hơn các trường hợp được “ngăn chặn, vô hiệu hóa phương tiện bay không người lái” ở khoản 3 Điều 10; đồng thời rà soát, đối chiếu với quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và pháp luật có liên quan để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; đề nghị cân nhắc quy định tại khoản 4 vì thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của Cảnh sát cơ động đã được quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Về hệ thống tổ chức của CSCĐ, đa số ý kiến Ủy ban Quốc phong và An ninh Quốc hội cơ bản nhất trí với Phương án 1 của dự thảo Luật vì cơ bản thống nhất với pháp luật hiện hành, đồng thời bảo đảm linh hoạt trong quá trình tổ chức lực lượng theo yêu cầu thực tế đặt ra.
Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến nhất trí Phương án 2 của dự thảo Luật để thể hiện tính chất đặc thù của CSCĐ, đồng thời đề nghị giao Chính phủ quy định cụ thể cơ cấu tổ chức của CSCĐ để bảo đảm chặt chẽ.
Về hệ thống tổ chức của CSCĐ tại Điều 13 dự thảo Luật, Chính phủ xây dựng 2 phương án trình Quốc hội xem xét cho ý kiến, cụ thể như sau:
Phương án 1: Chính phủ đề nghị tại dự thảo Luật chỉ quy định mang tính nguyên tắc về hệ thống tổ chức của Cảnh sát cơ động gồm Bộ Tư lệnh CSCĐ và CSCĐ, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết về hệ thống tổ chức của CSCĐ để đảm bảo thống nhất với quy định của Luật Công an nhân dân năm 2018.
Liên quan đến vấn đề huy động người, phương tiện, thiết bị (Điều 17), ông Lê tấn Tới cho rằng, đa số ý kiến của Uỷ ban Quốc phong và An ninh tán thành quy định của dự thảo Luật nhằm tạo cơ sở pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi, nhanh chóng để lực lượng CSCĐ thực hiện nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên ông Tới cũng đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu các ý kiến khác để hoàn thiện hơn.
Báo cáo thẩm tra về dự thảo Luật CSCĐ cũng đề cập về hợp tác quốc tế của CSCĐ (Điều 7), về điều động CSCĐ thực hiện nhiệm vụ (Điều 18)… và Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cơ bản nhất trí với quy định của dự thảo Luật.