Nhịp cầu bạn đọc

Pháp luật - Bạn đọc 29/10/2019 08:53
Cuộc cưỡng chế “hoành tráng”!?
Cuộc cưỡng chế với lực lượng hơn 200 người tham gia, được trang bị máy móc, phương tiện, cùng công cụ hỗ trợ của một số cơ quan nghiệp vụ cấp tỉnh.
Trong thời gian tiến hành cưỡng chế các ngả đường xung quanh khu vực cưỡng chế trong bán kính 1 km đều được cắm biển "Khu vực bảo vệ", cùng với 1 tổ 3 người dân phòng và công an chốt chặn. Trên trục đường chính từ Quốc lộ 1 rẽ vào khu vực cưỡng chế có 2 trạm kiểm soát, lực lượng cảnh sát giao thông, quân đội ngăn tất cả mọi phương tiện ra vào khu vực cưỡng chế.
Đúng 7 giờ sáng, cán bộ địa chính xã Hàm Kiệm công bố quyết định cưỡng chế. Ngay sau đó, hơn 10 người dân đang thu hoạch hoa màu trên diện tích đất bị cưỡng chế bị lực lượng chức năng đưa ra khỏi khu vực, tập trung tại địa điểm cách vị trí cưỡng chế khoảng 100 m, tiếp đó máy móc của Công ty Xây lắp điện 8 Bình Thuận cày xới và tháo dỡ các chòi lá của các hộ dân ở cạnh trục đường chính; tất cả hoa màu gồm dưa hấu, bầu bí đang thu hoạch của dân bị phá bỏ. Có 2 người dân bị lực lượng chức năng tịch thu điện thoại cầm tay. Tất cả 7 hộ dân thuộc diện bị cưỡng chế không được phản ánh bức xúc của mình với cơ quan chức năng.
![]() |
Các ngả đường xung quanh khu vực cưỡng chế được cắm biển "Khu vực bảo vệ", cùng với 1 tổ 3 người trong lực lượng bảo vệ chốt chặn. |
Đến 10 giờ, Biên bản bàn giao đất giữa lãnh đạo xã Hàm Kiệm và Công ty Xây lắp điện 8 Bình Thuận được lập xong tại chỗ. Sau đó các lực lượng được rút về, để lại 1 xe cứu hỏa và 1 bộ phận cảnh sát giao thông, an ninh và dân phòng canh giữ hiện trường xe, máy của Công ty Xây lắp điện 8 Bình Thuận cho đến hết ngày.
Cưỡng chế thu hồi đất đã đúng quy trình?
Trao đổi với phóng viên Báo Người cao tuổi, một thành viên trong ban cưỡng chế của xã Hàm Kiệm cho biết: Chương trình cưỡng chế được chuẩn bị trước cả tháng, khi triển khai huy động mọi lực lượng của xã, huyện và sự hỗ trợ của tỉnh. Mọi phương án được chuẩn bị hết sức tỉ mỉ, đề phòng tình huống xấu xảy ra.
Đây là khu vực đất sản xuất nông nghiệp của bà con ở thôn Dân Hiệp có từ sau năm 1975 cho đến những năm 1987 - 1988. Từ đó đến nay thực hiện lời kêu gọi của Đảng ủy xã, bà con đồng lòng để lại một số diện tích đất (chiều ngang 1.000 m tính từ ranh bưng hiện hữu trở lên) để tái tạo rừng đầu nguồn bảo vệ xói mòn và cát bay. Trước khi bị san ủi đây là khu rừng phòng hộ do xã quản lí có những cây đã lớn đường kính 20 - 30 cm. Nếu Nhà nước thu hồi rừng phòng hộ để xây dựng công trình phúc lợi chung, dân sẽ đồng tình. Nhà nước thu hồi đất phòng hộ giao cho tư nhân đầu tư kinh doanh thì dân bức xúc. Mặt khác trong khu vực đất giao cho dự án có một số hộ dân biết trước đã sang nhượng cho người ở xa tới; họ bán lại cho chủ dự án, còn bà con ở tại chỗ không biết sự việc nên cho rằng mất công bằng. Cá biệt, có một số hộ đã được cấp sổ đỏ sang nhượng thu lợi, gây thất thu cho ngân sách xã. Sự việc này dân đã có đơn phản ánh về xã, huyện từ đầu năm 2019. Báo Người cao tuổi đã có loạt bài phản ánh: Dự án điện năng lượng mặt trời tại thôn Dân Hiệp không minh bạch, không công khai thông tin dự án cho dân biết từ đầu.
Thông tin từ một thành viên Ban cưỡng chế huyện cho hay: Người dân khu vực này từ xưa đến nay rất hiền lành chất phác, mọi chủ trương, chính sách của trên đưa xuống người dân chấp hành nghiêm. Riêng sự việc này chủ trương trên đưa ra là đúng thể hiện qua Quyết định số 173/QĐ- UBND ngày 17/1/2019 của UBND tỉnh. Song cách tổ chức thực hiện không minh mạch, thiếu dân chủ, không khảo sát thực tế hiện trạng dự án, phổ biến chủ trương dự án cho dân không đầy đủ, thiếu khách quan... Cấp dưới báo cáo lên, cấp trên thiếu kiểm tra cụ thể. Dân bức xúc bởi lẽ trước đây dân vào rẫy của họ chặt đốn 1 cành cây bị xã phạt, với lí do phá hoại rừng đầu nguồn. Nay máy móc từ đâu đến chặt phá, san bằng hết cả khu rừng thì lãnh đạo xã không có động thái phản ứng gì(!?)
Ông Nguyễn Văn Điền (Tư Điền), 76 tuổi, 1 trong 7 hộ bị cưỡng chế cho biết: "Dân chúng tôi không chiếm đất của Nhà nước". Dân giữ đất cho Nhà nước và đã báo cho chính quyền biết có sự việc rừng phòng hộ bị san bằng, trong đó có đất trước đây của họ bỏ ra để tái tạo rừng đầu nguồn, nhưng xã không có biện pháp giải quyết. Người dân yêu cầu nhà đầu tư dừng ngay việc triển khai dự án để xem xét việc đền bù cho các hộ dân có đất trong dự án (23,5ha) như Điều 3 của Quyết định số 173 nói trên.
Theo hồ sơ của Công ty Xây lắp điện 8 Bình Thuận thì toàn bộ 45ha đất tỉnh Bình Thuận thu hồi giao cho Công ty đã có "sổ đỏ" chỉ sau 4 ngày làm việc khi có Quyết định số 173.
Sự việc "bé xé ra to" là do các cấp quản lí thuộc Dự án Điện mặt trời Hàm Kiệm 1 chưa làm đúng quy định hiện hành. Khách quan mà nói, chưa đến mức phải tổ chức cưỡng chế với quy mô như vậy. "Buồn nhưng vui" ông Tư Điền chia sẻ: "Buồn" vì người dân không được phản ánh cái gì. "Vui" vì hơn 40 năm tại đây mới có một sự kiện như thế này.
Như vậy, 7 hộ dân ở thôn Dân Hiệp, xã Hàm Kiệm để lại đất nhằm tái tạo rừng phòng hộ theo chủ trương của xã trước đây, nay bỗng dưng biến thành đất dự án của nhà đầu tư, nhưng chính quyền không yêu cầu nhà đầu tư thỏa thuận với dân khi muốn lấy đất. Câu hỏi được người dân địa phương đặt ra, liệu các hộ dân bị cưỡng chế thu hồi đất đã đúng quy định?.