Đồng Tháp: Nhiều hoạt động văn hóa, thể thao kỷ niệm 203 năm ngày Giỗ ông bà Chủ chợ Cao Lãnh - Đỗ Công Tường
Nhịp sống văn hóa 27/07/2023 08:28
Trong 4 ngày diễn ra chương trình hoành tráng, mang đậm nét văn hóa bình dị, hồn quê Nam Bộ. Khuôn viên trước cổng Đền thờ - Mộ ông, bà Đỗ Công Trường là không gian văn hóa Góc quê với các hoạt động phong phú như: Viết chữ Thư pháp, tái hiện chợ Vườn Quít, trang trí công cụ nông nghiệp cổ xưa. Bên cạnh, Góc phố Hội An diễn bài chòi hằng đêm kết hợp với không gian an bình làng Hòa An xưa cũng lôi cuốn khán giả đến xem cổ vũ.
Đến trải nghiệm, du khách còn mãn nhãn với làng nghề thủ công mỹ nghệ, như: Nghề đan mê bồ, đan lục bình, rổ rế, trà tim sen, hạt sen sấy, rượu sen, v.v. Chưa hết, đặc sắc là khu triển lãm ảnh các thành tựu nổi bật 40 năm tái lập thị xã Cao Lãnh, ngày hội đặc sản đất Sen Hồng, niềm tự hào của Đồng Tháp, cũng được tổ chức khéo léo tạo nên không gian náo nhiệt với Hội thao các môn thể thao dân tộc, biểu diễn Thể dục dưỡng sinh, cải lương tuồng cổ, đơn ca tài tử- hò ĐồngTháp, hội diễn Lân Sư Rồng, hội thi cờ tướng, cờ thế, v.v.
Theo sử sách ghi lại, ông Đỗ Công Tường, tục danh là Lãnh, người gốc miền Trung, di cư vào Nam thời vua Gia Long- Nguyễn Ánh. Ông cùng gia đình đã chăm chỉ, cần cù khai hoang vùng đất rộng lớn thôn Mỹ Trà. Sau một thời gian dài, ông bà Lãnh đã tạo nên một diện tích mênh mông trồng quít. Khu vườn rộng lớn này thuận tiện cả đường bộ lẫn đường sông nên người dân nơi đây thường họp chợ ngồi, sạp tạm để buôn bán, lâu dần thành chợ, một chợ quê như bao chợ dung dị khác của miền quê Nam Bộ xưa.
Để giúp đỡ xóm làng, vợ chồng ông Lãnh dựng lên những lều, quán bằng tre lá tại vườn quít cho họ có chỗ mua bán không lo nắng mưa. Sau, các hàng quán, tiệm tùng bên Hòa Thành, là chợ Hòa An hiện nay, cũng di dời qua, tạo nên một khu chợ tấp nập người mua bán, hình thành khu chợ tên Chợ Vườn Quít nổi tiếng. Người dân nơi đây mến mộ, đồng cử ông Đỗ Công Tường giữ chức Câu đương, giữ việc phân xử các vụ tranh tụng lớn, nhỏ trong thôn. Từ đó, người dân quen gọi chức vụ và tên của ông là Câu Lãnh, nói trài trại thành Cao Lãnh bây giờ. Khu Chợ Vườn Quít cũng được người dân gọi tên chợ là chợ Ông Câu Lãnh. Sử ghi, năm Canh Thìn, 1820, địa phương này xảy ra dịch tả làm nhiều người chết. Ông bà Đỗ Công Tường lo tìm thầy thuốc cứu chữa cho người dân, về mặt tâm linh xưa, ông bà cầu khẩn Trời, Phật với tâm niệm nguyện chết thế cho người dân để dứt dịch bệnh. Sau đó, hai vợ chồng đã mất và dịch bệnh cũng qua đi. Cảm cái nghĩa cử cao đẹp của hai ông bà, người dân đã cùng nhau dựng nên ngôi miễu (bên Rạch Thầy Kham), còn gọi là miễu Ông bà Chủ Chợ để thờ cúng. Dần dà, chợ Ông Câu được gọi là chợ Câu Lãnh, nay thành Cao Lãnh. Năm 1935, vua Bảo Đại phong sắc cho ông bà là “Dực bảo trung hưng linh phò chi thần”. Địa danh này tồn tại đến nay đã hơn 200 năm.
Đền thờ ông bà Đỗ Công Tường đã được UBND tỉnh Đồng Tháp xếp hạng di tích cấp tỉnh, thành phố vào ngày 20/4/2001. Đến ngày 8/7/2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có quyết định xếp hạng Mộ và Đền thờ ông bà Đỗ Công Tường là Di tích lịch sử- văn hóa Quốc gia; Là nơi lưu lại dấu tích tiền nhân, người đã khai hoang, mở rộng vùng đất Cao Lãnh bây giờ. Địa điểm này là nơi người dân đến vãng cảnh, tham quan, tham gia các hoạt động văn hóa tâm linh; là điểm du lịch đầy ấn tượng cho mọi du khách trong và ngoài nước khi đến với TP. Cao Lãnh.
Toàn cảnh cổng trang trí Lễ giỗ được thiết kế mộc mạc rất dung dị |
Tái hiện không gian văn hóa Chợ Vườn Quýt xưa |
Không gian trưng bày đặc sản đất Sen Hồng |
Đền thờ ông bà chủ chợ Cao Lãnh Đỗ Công Tường được trùng tu khang trang trong những năm gần đây là nơi tôn thờ tâm linh để mọi người đến viếng, cúng bái trong những ngày diễn ra Lễ hội. |
Người dân tín ngưỡng đến cúng viếng ông, bà Đỗ Công Tường |
Hoạt động đờn ca tài tử Nam Bộ, hò Đồng Tháp được nghệ nhân, diễn viên chuyên và không chuyên biểu diễn phục vụ công chúng trong những ngày Lễ giỗ. |
Phóng viên trao đổi với người sư tầm đèn dầu, một trong những kỷ vật còn lưu lại nhắc nhớ về chợ Ngã tư Đèn Dầu có từ thập niên 80-90 |