Động lực và khó khăn trong xuất nhập khẩu từ đầu tư nước ngoài
Kinh tế 17/02/2023 09:31
Kì cuối: Khó khăn và giải pháp
Những khúc gập ghềnh
Một vài nhà FDI đầu tư theo kiểu “mì ăn liền”, nhanh tạo kim ngạch lớn, lợi nhuận cao nhưng không quan tâm thích đáng đến khai thác tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam để tạo giá trị gia tăng lớn cho hàng XK.
Số ít DN FDI chỉ vào để gia công, lắp ráp nên công nhân chỉ “lặp đi lặp lại” thao tác giản đơn trên băng chuyền, không được đào tạo bài bản. Song, cường độ lao động cơ bắp tăng, sức lực bị bào mòn, thường không đủ sức “trụ” trong dây chuyền sản xuất đến tuổi nghỉ hưu, mà phải thanh lí hợp đồng sớm vì chỉ kí ngắn hạn.
Có FDI hành xử thô bạo với lao động Việt cùng chế độ lương thưởng, điều kiện bảo hộ lao động không thỏa đáng, có nơi xảy ra phản ứng tập thể, ngừng việc. Lại có nhà FDI bỗng dưng bỏ mặc thợ thuyền, đặc biệt từ quý IV/2022, do thiếu đơn hàng hoặc bị hủy hợp đồng, có DN dãn, thải công nhân bằng cho nghỉ Tết Nguyên đán siêu… dài.
Theo đánh giá, thị trường lao động tại chỗ chỉ đáp ứng khoảng 60% số lượng và chất lượng cho FDI. Chưa kể có vài DN FDI đưa lao động từ chính quốc sang gắn mác chuyên gia nhưng chỉ là trình độ thợ. Đóng góp của chủ nhà về lao động trong giá trị của FDI cũng khiêm tốn.
Có FDI chuyển giá, mập mờ mức thuế, định giá thấp đóng góp của phía Việt Nam trong liên doanh, tạo ra chuyện “lỗ giả, lãi thật”.
Phân vân là trong quá trình tham gia vào XK của Việt Nam, khi FDI đóng góp ngày càng cao thì Khối doanh nghiệp Việt Nam (DN XN) lại thụt lùi, kim ngạch đang cố tới mốc 100 tỉ USD dù trên danh nghĩa XK cả nước ta đã vượt ngưỡng 100 tỉ từ năm 2012 (114,6 tỉ USD). Xin xem biểu dưới đây:
Ngược lại, các DN Việt Nam lại NK với tỉ trọng lớn hơn tỉ trọng XK, hậu quả là nhập siêu lớn, triền miền. Năm 2022, Khối DN Việt Nam NK 125,8 tỉ USD, chiếm 34,8% tổng giá trị NK của cả nước, nhập siêu 30,7 tỉ USD. Việc NK lớn và nhập siêu triền miên đã phản ánh: Sản xuất và XK của ta còn phụ thuộc vào ngoại quốc. Cái “xiềng” gia công, lắp ráp chưa thể tháo gỡ. Khi XK được hàng chục tỉ đô la thì cũng phải NK không ít, mà không chỉ vật tư sản xuất, chế biến nông, thủy sản mà cả gạo, thịt, tôm cá, rau quả…
Sự thua kém trong XK và phụ thuộc vào NK “lây nhiễm” sang logistic. Thị phần vận tải hàng hóa XNK của Việt Nam vẫn bị đội tàu biển nước ngoài chiếm lĩnh, đặc biệt là bằng container. Thị trường vận tải hàng XNK do Việt Nam đảm nhận đã ít lại bập bõm, từ 11% năm 2015 xuống 8% năm 2016, 2017, 7% năm 2018, xuống 5% năm 2019, 2020 và trở lại 7% năm 2021.
Chủ nhà cũng đóng góp vào giá trị cùng hiệu quả áp đảo về XK và xuất siêu của Khu vực FDI, phù hợp với định hướng của ta và mong muốn của đối tác, song chưa được như mong muốn. Với các DN FDI đầu tư vào nông sản phẩm, thủ công mĩ nghệ, thì nguyên vật liệu họ dùng chỉ là thô ráp, giá thu mua thấp, vì thế cấu thành trong giá trị khi XK nhỏ nhoi. Với các DN FDI đầu tư vào công nghệ,họ cũng muốn được cung cấp phụ tùng, linh kiện, nguyên vật liệu (PT-NL) tại chỗ. Song do công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của ta còn đì đẹt, hiệu quả thấp. Ta chỉ làm được đồ nhựa gia dụng còn đồ nhựa kĩ thuật cao, chịu áp lực lớn… thì chưa. Hàng loạt nhà máy dệt, sợi của ta nay đã vắng bóng, đầu vào chính cho dệt may phải NK chủ yếu từ các thị trường ngoại. Trồng được bông song kéo ra sợi chuẩn cũng phải là bông ngoại. Các nhà máy thuộc da truyền thống chia tay thị trường, giày da XK phải đóng bằng da ngoại. Việc cung ứng phụ tùng nội địa cho ngành ôtô cùng cảnh ngộ do tỉ lệ nội địa hóa chiếm bình quân 30-23%. Việt Nam nằm ở vị trí thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu, chủ yếu ở khâu lắp ráp cuối cùng của chuỗi với giá trị gia tăng thấp. Hằng năm để sản xuất, nhất là làm hàng XK vẫn phải NK cả trăm tỉ USD PT-NL. Không phải sẵn tiền và khi nào cũng mua được hoặc đưa về ngay. Chỉ cần con Covid quấy đảo hay kênh Suy-ê ách tắc là đã nháo nhác…
Thời vận mới, phương sách mới
Trước những thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức trong thời gian tới, cũng như từ kinh nghiệm và thực trạng chúng ta đã trải qua vừa qua, để nền kinh tế Việt Nam phát triển mạnh và bền vững, thiết nghĩ chúng ta cần phải chú trọng một số vấn đề.
Chỉ chấp nhận những dự án có trình độ công nghệ trung bình khá trở lên, ưu tiên công nghệ cao, sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng lớn, sức lan toản rộng và gia nhập mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; tập trung vào công nghệ chế biến, chế tạo từ vật tư, nguyên liệu sẵn có, tại chỗ, sản vật thô, phụ phẩm, phế phẩm.
Xây dựng và hoàn thiện các KCN sinh thái, chuyển đổi số. Thu hút đầu tư vào các địa bàn có tiềm năng, những ngành nghề truyền thống, phát triển tam nông. Khuyến khích mở mang CNHT. Liên doanh giữa DN nội với DN FDI, tranh thủ học hỏi trình độ quản lí, kĩ thuật của họ. Không tiếp nhận những dự án vi phạm môi trường, khai thác bừa bãi, thâm dụng, lãng phí tài nguyên, tốn năng lượng, kĩ thuật lạc hậu.
Nhất quán chính sách ưu đãi đối với FDI. Không lạm dụng từ “linh hoạt”, để mỗi nơi đề ra biệt đãi nhằm kéo dự án, tổn hại lợi ích chung. Khai thác logistic. Thực hiện chủ quyền phù hợp với các định chế quốc tế. Triển khai đồng bộ quản lí, tiếp tục phân cấp cho các KCN. Đề cao trách nhiệm của nhà đầu tư.
Nâng cao tính chuyên nghiệp hiệu quả của xúc tiến đầu tư; kết hợp xúc tiến đầu tư với xúc tiến thương mại và xúc tiến du lịch.