Đôi điều về áo dài cách tân
Đời sống 18/03/2024 09:40
Trang phục truyền thống của Việt Nam ta là áo dài, điều đó ai cũng biết. Nhưng không phải khoác lên chiếc áo dài là cho rằng giữ gìn bản sắc văn hóa. Hãy thử nhìn xem, trong các trường học ngày nay, nữ sinh mặc áo dài nhưng lại xỏ khoen ở nhiều bộ phận trên cơ thể: Mũi, tai, chân mày, rốn… Rồi còn kèm theo những phụ kiện như móng tay giả, lông mi giả, tóc thì nối từng lọn, nhuộm đủ thứ màu sắc lòe loẹt như tắc kè hoa(!) Vậy liệu có phù hợp với môi trường học đường không? Có nhiều em cột hai tà áo dài lại, hoặc mặc áo dài nhưng chạy nhảy làm bứt nút, vấy bẩn trông rất phản cảm. Thậm chí một số nữ sinh dù mặc áo dài nữ tính nhưng lại kết bè kết phái đánh nhau ra oai như các tay anh chị giang hồ.
Ảnh minh họa |
Ngoài đường, thỉnh thoảng người ta cũng bắt gặp nhiều cô gái trẻ, phụ nữ trung niên mặc áo dài nắm tay dạo phố. Nhưng chao ôi, chiếc áo ấy nó cứ sao sao. Các nhà thiết kế gọi đó là áo dài cách tân. Đồng ý rằng, thời trang cần phải giao thoa, tiếp thu cái mới, sáng tạo nhằm hợp thời, hội nhập. Tuy nhiên ở vấn đề này có lẽ nên phải suy nghĩ lại. Chấp nhận được chăng khi gọi đó là chiếc áo dài nhưng lại mặc với quần jeans rách lỗ chỗ, mặc với đầm ngắn cũn cỡn; áo nhiều tà nhiều lớp, xẻ tà tứ tung, tay ngắn sát nách như sườn xám, cổ thì hở ngực… Một số người đẹp đại diện cho Việt Nam tham dự các cuộc thi nhan sắc quốc tế mang theo chiếc áo dài (trang phục truyền thống) được đầu tư kĩ lưỡng nhưng khán giả nhìn vào không hiểu đó là trang phục ở nước nào?
Trên các diễn đàn báo mạng, mạng xã hội facebook, dư luận chia ra hai phe: đồng tình và không tán thành về áo dài cách tân. Theo cá nhân tôi, một bộ trang phục không phản cảm, không vi phạm thuần phong mĩ tục, không vi phạm pháp luật thì mọi công dân đều có quyền mặc. Đẹp hay không do mỗi cách nhìn khác nhau. Tuy nhiên, xin đừng gọi đó là áo dài, mà chỉ nên gọi là trang phục gì đó sẽ không làm dư luận khó chịu. Bởi chiếc áo dài là quốc phục. Mà một khi gọi là phục quốc thì nên nghiêm túc, dù có “cách tân” thì cũng chỉ ở mức vừa phải và không làm mất đi bản sắc văn hóa vốn có của nó. Chẳng hạn như chiếc áo dài cách tân nhẹ nhàng, quyến rũ, chỉn chu mà những nữ tiếp viên hàng không Vietnam Airlines mặc. Giữ gìn bản sắc văn hóa vốn dĩ đã khó, mà xây dựng và phát huy lại càng khó hơn khi mà nước ta đang trong thời kì hội nhập với thế giới. Sự giao thoa văn hóa ảnh hưởng rất nhiều đến bản sắc văn hóa Việt, nhưng không vì thế mà ta “thấy trăng quên đèn”. Chiếc áo dài luôn đẹp với phụ nữ khi người mặc biết cách chọn màu, size, không gian, chứ không phải đẹp ở chỗ độc, lạ, sáng tạo quá mức. Nên nhớ, khi chúng ta khoác lên mình quốc phục chính là đang tôn vinh vẻ đẹp kiêu hãnh của Việt Nam.