Doanh nghiệp Việt vào thế cạnh tranh không công bằng
Xã hội 18/01/2022 20:22
PV: Thưa Luật sư, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT xuyên biên giới như Netflix, We TV, iQiYi, iFlix,… thu được lợi nhuận rất lớn từ Việt Nam nhưng việc thu thuế từ các đơn vị này rất khó khăn. Theo luật sư, đâu là giải pháp cho vấn đề này?
Luật sư Phan Vũ Tuấn: Điều 26 Luật An ninh mạng năm 2018 đã quy định doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet phải lưu nhật kí hệ thống để phục vụ điều tra, xử lí hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng trong thời gian theo quy định của Chính phủ.
Ngoài ra, trong trường hợp “có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lí dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra” thì doanh nghiệp đó phải có trách nhiệm lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam trong thời gian nhất định theo quy định của Chính phủ. Đồng thời doanh nghiệp nước ngoài có hoạt động nói trên còn phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Tại Điều 42.4 Luật Quản lí thuế quy định nguyên tắc khai thuế, tính thuế với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam như sau: “Nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng kí thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam”.
Luật sư Phan Vũ Tuấn |
Trong trường hợp nhà cung cấp ở nước ngoài chưa thực hiện đăng kí, kê khai, nộp thuế thì ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán thực hiện khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật thuế đối với từng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ mà người mua là cá nhân ở Việt Nam thanh toán cho nhà cung cấp ở nước ngoài liên quan đến hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số.
Tuy nhiên, việc áp dụng các quy định này vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức vì đây là những doanh nghiệp nước ngoài, không hiện diện tại Việt Nam. Vì vậy, các quy định của pháp luật vẫn cần được sửa đổi, bổ sung, nhất là trong lĩnh vực thuế, viễn thông, an ninh mạng nhằm cụ thể, chi tiết hóa hơn nữa các trách nhiệm của doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ OTT cũng như cơ chế giám sát, kiểm tra hoạt động của họ.
Đồng thời, tiếp tục áp dụng các giải pháp đấu tranh pháp lí, truyền thông, kinh tế, kĩ thuật, nhằm yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ OTT phải tuân thủ luật pháp Việt Nam.
PV: Dù chưa được cấp phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền theo Điểm b, Khoản 2 Điều 4 và Điểm a, Khoản 1 Điều 12 của Nghị định 06/NĐ-CP ngày 18/1/2016, nhưng một số dịch vụ OTT xuyên biên giới như Netflix, We TV, iFlix, iQiYi vẫn thu tiền người dùng liệu có phù hợp? Xin luật sư phân tích rõ hơn điều này.
Luật sư Phan Vũ Tuấn: Theo Điều 12 Nghị định 06, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền phải được cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ. Vậy nên, những doanh nghiệp nước ngoài có hoạt động cung cấp dịch vụ OTT tại Việt Nam có thu tiền người sử dụng mà chưa có Giấy phép cung cấp dịch vụ là chưa thực hiện đúng quy định và có thể sẽ bị phạt tiền từ 150 triệu đến 200 triệu đồng (Điều 17.6 Nghị định 119/2020/NĐ-CP).
Và như đã nêu tại câu hỏi 1, việc áp dụng các quy định đối với doanh nghiệp nước ngoài hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn.
PV: Hiện nay các OTT xuyên biên giới không phải qua bất kì khâu kiểm duyệt trước nội dung nào khi đưa sản phẩm vào thị trường Việt Nam. Điều này tạo ra lo ngại các nội dung không phù hợp về văn hóa, đi ngược quan điểm chính trị của Đảng và Nhà nước ta. Luật sư nhìn nhận thế nào về tình trạng này và đâu là giải pháp kiểm soát vấn đề này?
Luật sư Phan Vũ Tuấn: Theo quy định tại Điều 16 và Điểm b Điều 26.2 Luật An ninh mạng năm 2018, doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet phải ngăn chặn việc chia sẻ và xóa bỏ thông tin có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; nội dung làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lí kinh tế; bịa đặt, sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân; gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội; gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ; xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
Ngoài ra, các kênh chương trình nước ngoài cung cấp trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền tại Việt Nam còn phải đáp ứng các yêu cầu tại Điều 17 Nghị định 06, trong đó gồm điều kiện: (i) Nội dung lành mạnh, phù hợp văn hóa Việt Nam, không vi phạm những quy định của pháp luật về báo chí của Việt Nam; (ii) Được một đơn vị có Giấy phép biên tập kênh chương trình nước ngoài theo quy định thực hiện biên tập, biên dịch và chịu trách nhiệm về nội dung biên tập, biên dịch.
Dù vậy, nhìn chung pháp luật Việt Nam chưa có đầy đủ các quy định nhằm điều chỉnh, quản lí hoạt động của các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ OTT một cách toàn diện nhất.
Do đó, cũng dễ hiểu khi phát sinh các lo ngại về sự tự do, thiếu cơ chế quản lí đối với các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ OTT sẽ dẫn đến việc người dân Việt Nam thuộc mọi lứa tuổi có thể tiếp cận những nội dung không phù hợp. Tuy nhiên, cũng cần xem dịch vụ OTT có thể trở thành một phương tiện, công cụ tích cực, nhanh chóng và cực kì hiệu quả để giới thiệu lan tỏa, quảng bá những hình ảnh tốt đẹp về đất nước và con người Việt Nam ra thế giới.
PV: Luật sư có nghĩ việc này cũng khiến các doanh nghiệp trong nước rơi vào cuộc cạnh tranh không công bằng?
Luật sư Phan Vũ Tuấn: Việc không biên tập các nội dung theo quy chuẩn hiện đang không chỉ tạo lợi thế cho các OTT nước ngoài mà còn đang tạo cho các OTT này lợi thế cực lớn về thời gian, chi phí và cả cơ hội tiếp cận người dùng so với các doanh nghiệp tương tự của Việt Nam.
Đây thực sự là vấn đề hết sức đáng lưu tâm, trong điều kiện ngành công nghiệp sáng tạo còn non trẻ của Việt Nam đang phải cạnh tranh thiếu công bằng trên chính sân nhà của mình.
PV: Theo Luật sư, làm thế nào để quản lí các dịch vụ này cho phù hợp?
Luật sư Phan Vũ Tuấn: Việc quản lí các doanh nghiệp OTT cũng như các nội dung được phát trên các OTT là một vấn đề vô cùng phức tạp, cần phải nghiên cứu và xây dựng mô hình quản lí tương xứng nhất với pháp luật Việt Nam cũng như các điều ước quốc tế.
Việt Nam có thể học tập theo kinh nghiệm của một số quốc gia trong việc xử lí vấn đề về dịch vụ nội dung. Một số quốc gia, đơn cử như Hàn Quốc hay Trung Quốc, họ xây dựng một hệ thống nền tảng nội dung riêng để cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp OTT.
Việc xây dựng cho mình một hệ thống nền tảng nội dung riêng sẽ giúp quản lí các nội dung dễ dàng hơn. Hơn nữa, việc ngành công nghiệp nội dung phát triển cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát triển đất nước cũng như khẳng định vị thế của đất nước trên bản đồ nội dung thế giới.
PV: Trân trọng cảm ơn Luật sư!
Cần ngăn chặn những nội dung xấu, độc hại tới trẻ em trên nền tảng OTT xuyên biên giới |
Dịch vụ OTT xuyên biên giới: Nỗi lo thông tin xấu độc … |