Điệu khắp Xuân vẫn còn tươi rói!
Xã hội 30/01/2020 12:24
Chiếc xe U-oat máy lạnh dọc đường bỗng giở chứng, ì ạch mãi gần tối đoàn mới lên đến Huyện đội Yên Châu. Hôm đó ở đây lại có đoàn công tác của Tỉnh đội Sơn La, nên ăn cơm xong, chúng tôi được mời sang nhà khách Huyện ủy nghỉ. 5 giờ kém 15 sáng hôm sau, mọi người bừng tỉnh giấc bởi tiếng nhạc véo von trên hệ thống loa truyền thanh của huyện. Hai giọng ca nam, nữ đang hát đối nhau bài dân ca gì đó bằng tiếng dân tộc, mở đầu và kết thúc mỗi đoạn đều có từ “Hà… ới…”, nghe như đọc thơ, như kể chuyện và kéo dài mãi không dứt…
Hôm đó, sau khi làm việc xong với đội công tác và Đồn Biên phòng ở xã biên giới Chiềng On, chúng tôi quay về huyện Yên Châu lúc chiều muộn. Ban Chỉ huy Huyện đội đề nghị đoàn ở lại dự bữa cơm thân mật cùng đoàn Tỉnh đội, mai hãy đi Sốp Cộp.
Vào bữa ăn, mọi người nâng chén “đi hai chân” (uống 2 chén liền) rồi vừa ăn uống, vừa trò chuyện rôm rả. Tôi đem câu chuyện nghe bài hát trên đài truyền thanh huyện buổi sớm ra hỏi thì được biết đó là làn điệu khắp của đồng bào dân tộc Thái. Ở đây đi làm dân vận ở vùng đồng bào Thái mà biết hát khắp thì bà con quý lắm. Tôi thắc mắc: “Làn điệu khắp khó thế, mình lại không biết tiếng Thái thì hát thế nào được!”. Một Trung tá là Trưởng ban Công binh Tỉnh đội bảo: “Mình hát tiếng Kinh cũng được, bà con hiểu hết mà. Quan trọng là nhớ được giai điệu, tiết tấu, nếu có sai một chút, đồng bào cũng không trách đâu. Tôi hát thử một câu khắp vui về Công binh cho các thủ trưởng nghe”. Nói đoạn, anh cất giọng: “Hà... ới… Xà beng đâm đá, xà beng cùn. Xà beng đâm bùn, xà beng sắc… Hà… ới…”. Cả mấy bàn rượu cười phá lên. Tôi cũng cười chảy nước mắt, nhưng cố tình bảo: “Cục tôi tên dài, lại trúc trắc, đưa vào lời hát khó lắm!”. “Không vấn đề gì. Để tôi hát luôn về đoàn công tác của Cục hôm nay nhé!”. Anh hắng giọng, ngẫm nghĩ giây lát rồi bắt đầu: “Hà… ới… Đoàn chúng tôi là cán bộ Cục Dân vận - Tuyên truyền đặc biệt. Hôm nay đến thăm bà con chẳng có tiền, có bạc. Chỉ có ít bánh kẹo, mì tôm và tấm lòng Bộ đội Cụ Hồ. Mong bà con thông cảm… Hà… ới…”. Mọi người lại cười ngặt nghẽo. Cục trưởng Vinh khoái chí, vỗ đùi đánh đét: “Được, được… Tay này về Cục Dân vận được!”. Bữa cơm tối hôm ấy diễn ra vui vẻ, đầm ấm và thật đáng nhớ.
Sau này, tôi còn nhiều dịp đi Tây Bắc. Mỗi lần đi lại cố gắng tìm hiểu qua bà con và đọc thêm tài liệu về hát khắp. Tuy vậy, tôi vẫn như “chim chích lạc rừng”. Thì ra, múa xòe và hát khắp là hai loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo của đồng bào Thái. Xòe có đến 36 điệu, còn khắp thì có hàng trăm bài với hàng trăm làn điệu như: Khắp sài peng (hát tình tự), khắp páy căn (hát chia tay), khắp chiêu (hò), khắp lồng tồng (hát xuống đồng), khắp báo sao (hát giao duyên)... phù hợp với từng hoàn cảnh. Thầy mo hát khắp khi tế lễ, chủ nhà hát khắp khi lên nhà mới, trai gái hát khắp để giao duyên, kết bạn, tỏ tình… Ngoài ra, còn nhiều bài khắp với nội dung vui chơi, đối đáp trữ tình ca ngợi thiên nhiên, cổ vũ tinh thần yêu lao động, đề cao tính trung thực, khuyên làm điều lành, tránh cái ác…
Là một thể loại hát dân gian nên các điệu khắp, lời khắp truyền từ đời này sang đời khác bằng truyền khẩu, bằng các truyện thơ Xống chụ xôn xao (Tiễn dặn người yêu), Chàng Lú - nàng Ủa... Rồi các thế hệ tiếp tục có nhiều bài thơ, bài khắp mới làm phong phú thêm kho tàng văn hóa của dân tộc mình. Điệu khắp mà Trưởng ban Công binh Tỉnh đội Sơn La hát hôm ấy là khắp chiêu - một điệu hát ứng tác hay hát gọi (hò) trong các dịp vui gặp gỡ, khi giã gạo, trong vòng xoè, tiệc tùng… Nhạc điệu của khắp chiêu vui, trong sáng, mở đầu mỗi khổ hát có đoạn “au hua” (đoạn mở đầu “Hà… ơi”), tiếp sau là hát ngân nga từ 1 đến 3 câu và kết thúc mỗi khổ lại có đoạn “au hang” (đoạn nhạc đóng “Hà… ơi” nhưng khác chút ít về giai điệu). Người hát hết một khổ, tập thể sẽ hát nhắc lại đoạn “au hang” để hưởng ứng gọi là “xương”, sau đó người hát mới hát sang khổ tiếp theo.
Thấm thoắt, 15 năm trôi qua, những người trong đoàn công tác hôm đó đã lần lượt nghỉ hưu, nhưng với tôi ấn tượng về điệu khắp đầu Xuân ấy vẫn còn tươi rói. Mỗi lần lên Tây Bắc, nghe thấy làn điệu khắp, tôi lại man mác nhớ về Xống chụ xôn xao của đồng bào Thái với câu khắp để lại từ ngàn xưa: “Không lấy được nhau mùa Hạ, ta sẽ lấy nhau mùa Đông. Không lấy được nhau thời trẻ, ta sẽ lấy nhau khi góa bụa về già”. Có lẽ tình yêu của tôi với khắp Thái cũng thế.