Điện sáng ở miền biên xa
Đời sống 11/10/2023 08:55
Điện về với vùng biên
Hiện nay 14 xã biên giới đất liền của tỉnh Quảng Nam đã được cấp điện bằng lưới điện quốc gia, đảm bảo nguồn cung cấp điện an toàn, ổn định cho 14 xã biên giới, với 97,8% số hộ dân được sử dụng điện. |
Hơn 10 năm trước, vùng biên giới huyện Tây Giang, với hơn 80% dân số là đồng bào dân tộc Cơ Tu luôn bị ám ảnhbởi đói nghèo, là nơi hiện thân của rừng thiêng nước độc, của những hủ tục lạc hậu. Đến nay Tây Giang cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, bố trí dân cư tập trung với 115 điểm dân cư/63 thôn, với tổng diện tích 370,5ha, bố trí nơi ở ổn định cho hơn 90% tổng số hộ trong huyện.Mô hình sắp xếp dân cư tập trung gắn với phát triển sản xuất, kinh tế dược liệu dưới tán rừng đang đem lại nhiều dấu ấn. Trong đó, đóng góp không nhỏ là nhờ “cái điện đi trước”, như cách những người làm công tác dân tộc ở miền biên viễn này.
Có điện, có đường, nhiều thôn làng ở Tây Giang đã hoàn thành thôn làng kiểu mẫu. |
Nhiều năm trước, vì thuộc khu vực khó khăn nên một thời gian dài các hộ dân thôn Zlao, xã Dangphải sống chung với cảnh “khát điện”. Cuộc sống của các hộ dân nơi đây gặp nhiều khó khăn do không được tiếp cận thông tin, không được xem ti vi, không có phương tiện để phục vụ sản xuất. Chính vì vậy, việc đưa điện lưới quốc gia về thôn Zlao đã làm “bàn đạp” giúp thôn Zlao có bước chuyển mình mạnh mẽ trong phát triển kinh tế.
Địa bàn rộng, nguồn lực đầu tư điện cho khu vực vùng sâu, vùng xa tương đối lớn. Đây là khó khăn, thách thức không nhỏ đối với ngành điện trong quá trình phục vụ điện sinh hoạt, sản xuất của người dân. Vài năm trở lại đây, với nhiều công trình, dự án được đầu tư, nâng cấp, trong đó nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi triển khai kịp thời đã và đang tạo điều kiện cho nhiều hộ dân tiếp cận điện lưới quốc gia, góp phần thay đổi diện mạo khu vực vùng biên.Trên thực tế, các xã vùng biên giớiTây Giang, do địa hình vùng cao, địa hình hiểm trở, phức tạp, có những khu vực, kéo đường dây điện hàng chục km, nhưng chỉ cung cấp điện cho một số hộ dân. Do đó, việc đầu tư lưới điện ở khu vực này đòi hỏi nguồn vốn lớn, thời gian thi công kéo dài. Bên cạnh đó, sản lượng điện tiêu thụ lại rất thấp. Vì vậy, khi đầu tư điện cho khu vực nông thôn, miền núi, ngành Điện lực cũng xác định không đo đếm lợi nhuận, mà phải đặt ý nghĩa chính trị - xã hội, trách nhiệm vì cộng đồng làm mục tiêu.
Sáng lên vùng biên viễn
Cùng với nhiều công trình, hạng mục thiết yếu đầu tư cho vùng DTTS, nguồn lực được ngành điện triển khai thời gian qua đã tạo động lực quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS của địa phương. Năm 2018, Công ty Điện lực Quảng Namđã tổ chức đóng điện xung kích công trình cấp điện cho xã Ch’Ơm, huyện Tây Giang. Đây là xã cuối cùng chưa có điện lưới quốc gia ở tỉnh Quảng Nam.Dự án đưa điện quốc gia lên xã Ch’Ơm được hoàn thành, không chỉ nâng cao chất lượng đời sống của Nhân dân biên giới mà còn góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn. Dự án không chỉ cấp điện cho xã Ch’Ơm mà còn hoàn thiện kết lưới các xã A Xan, Tr’Hy, Gari để cấp điện lưới quốc gia đến tất cả các xã biên giới ở Tây Giang.
Nhiều thôn làng ở huyện Tây Giang thực hiện mô hình sắp xếp dân cư. |
Bây giờ, không chỉ trung tâm huyện Tây Giang, mà nhiều trung tâm các xã của khu 7, hay các thôn làng biên giới Tây Giang cũng đã thànhnhững điểm sáng văn hóa, hay những thị tứ với nhiều cửa hàng kinh doanh ăn uống, buôn bán, khách sạn,… Các xã nông thôn mới của Tây Giang như Anông, Lăng, Tr’hy, A Xan… đã hình thành lên các khu dân cư kiểu mẫu, khang trang, sạch đẹp.Ông A Mư, Trưởng thôn A Banh, xã A Xan cho biết: Sau khi lưới điện mới được đầu tư, người dân bơm nước không chỉ dùng trong sinh hoạt gia đình mà còn phục vụ tưới cây trồng. Bây giờ điện dùng ổn định hơn nhiều so với trước, người dân rất phấn khởi”.
Huyện Tây Giang có 10 xã, trong đó có 8 xã biên giới, hiện có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới (Anông, xã Lăng và xã Atiêng). Ông Bhling Mia, Bí thư Huyện ủy Tây Giang, cho biết: “Tây Giang bây giờ không chỉ có đường ô tô vào đến thôn, bản, vào từng khu sản xuất, mà điện lưới quốc gia đã về tới từng thôn bản, đểxây dựng “thôn bản kiểu mẫu”, xã nông thôn mới. Nông lâm sản được mang xuống đồng bằng tiêu thụ. Người dân Tây Giang vẫn còn có hộ nghèo, nhưng không còn cảnh đói ăn, lạt muối như trước đây”