Chung tay xoá nhà tạm, nhà dột nát trong phạm vi cả nước
Đời sống 14/11/2024 09:28
Hiện nay, trong cả nước còn hơn 315.000 hộ khó khăn về nhà ở, trong đó có khoảng 100.000 gia đình người có công với cách mạng (thương binh, gia đình liệt sĩ, người tham gia kháng chiến, cựu thanh niên xung phong…), 153.881 hộ nghèo, cận nghèo và 46.000 hộ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia đang sống trong căn nhà xập xệ, ọp ẹp, dột nát.
Thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/10/2023 của Trung ương Đảng khoá XIII về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, phấn đấu để Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong chính sách xã hội và việc làm thoả đáng, bền vững” (theo tiêu chí của Liên Hợp Quốc), Nhà nước chủ trương từ nay đến hết năm 2025 xoá toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát trong phạm vi cả nước, về trước 5 năm so với chủ trương trước đó. Đây là một trong những nhiệm vụ đột phá và mang tính cách mạng, tư duy đổi mới sáng tạo, hợp lòng dân.
Theo quyết nghị của Ban chỉ đạo Trung ương về chương trình này (họp ngày 10/11/2024) để xoá nhà tạm, nhà dột nát, mỗi hộ gia đình cần được hỗ trợ 60 triệu đồng (để làm mới), 30 triệu đồng (để sửa chữa), nhằm bảo đảm tiêu chuẩn nhà ở đạt “3 cứng”: Nền cứng, khung - tường cứng và mái cứng”, tuổi thọ được 20 năm trở lên. Từ đó, cần một nguồn lực từ 6.500 tỉ đến 7.000 tỉ đồng cho chương trình.
Trong năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã hai lần (ngày 13/4 tại tỉnh Hoà Bình và ngày 5/10 tại Thủ đô Hà Nội) phát động phong trào có ý nghĩa lịch sử này. Đặc biệt, ngày 5/10 MTTQ Việt Nam và Thủ tướng Chính phủ phát động “chiến dịch 450 ngày chung tay xoá nhà tạm, nhà dột nát trong phạm vi toàn quốc” để năm 2025 hướng tới Đại hội Đảng lần thứ XIV và kỉ niệm những ngày lễ lớn; 95 năm Ngày thành lập Đảng, 50 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Thời điểm lịch sử đó cả nước không còn cảnh người dân sống trong nhà tạm, nhà dột nát. Chủ trương của Đảng, Nhà nước là không hi sinh công bằng, tiến bộ xã hội, không hi sinh an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần; làm sao cho Nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Triển khai quyết liệt chương trình này với phương châm xã hội hoá kết hợp với nguồn lực Nhà nước, tập trung cao độ triển khai đồng bộ, gắn kết 3 nhiệm vụ lớn: Một là, hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng; hai là, hỗ trợ nhà ở theo các chương trình mục tiêu quốc gia (hai nhiệm vụ này chủ yếu từ nguồn ngân sách Nhà nước); ba là, xoá nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo, cận nghèo không thuộc hai nhóm trên.
Chung tay với Nhà nước, giải pháp hữu hiệu là huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức, tập thể, các mạnh thường quân, nhà hảo tâm, các tầng lớp Nhân dân trong cả nước, người Việt Nam ở nước ngoài. Chương trình đặt ra từ khát vọng lớn lao của hàng trăm nghìn hộ gia đình đặc biệt khó khăn và nhu cầu công bằng, tiến bộ xã hội về đời sống vật chất nói chung, nhà ở nói riêng. Để triển khai phong trào, Thủ tướng Chính phủ đặt ra yêu cầu với tinh thần “tư tưởng phải thông, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả, rõ sản phẩm, đã nói là làm, không bàn lùi, đã hứa phải thực hiện có kết quả, có sản phẩm cụ thể”, “để mọi người dân đuợc sống trong ấm no, hạnh phúc, trong tình dân tộc, nghĩa đồng bào” và “an cư lạc nghiệp”.
Ngay sau lễ phát động, Ban chỉ đạo chương trình “Mái ấm cho đồng bào tôi” đã nhận được 5.932 tỉ đồng từ các Bộ, ban, ngành, doanh nghiệp, đơn vị đóng góp, trong đó 3.287 tỉ đồng được huy động từ chương trình và 61 tỉnh, thành phố huy động 2.645 tỉ đồng khác. Một số tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp đóng góp lớn như ngành Ngân hàng hỗ trợ 1.000 tỉ đồng, các lực lượng Quân đội, Công an hỗ trợ hàng trăm tỉ đồng, nhiều doanh nghiệp đóng góp hàng chục tỉ đồng... Với nguồn lực Nhà nước và nguồn lực xã hội hoá, trong 450 ngày đêm triển khai có đủ điền kiện, khả năng để xoá toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát trong phạm vi cả nước.
“Chiến dịch 450 ngày đêm xoá nhà tạm, nhà dột nát” có bộ máy điều hành, điều phối, phân bổ là Ban chỉ đạo Trung ương, tổ chức phối hợp liên ngành, có chức năng giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, giải quyết những công việc quan trọng liên quan đến việc tổ chức thực hiện. Tới đây, các địa phương sẽ thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã để tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai. Trên thực tế như khu vực Tây Nguyên, người nghèo cần làm nhà mới nhưng nhiều địa phương đang vướng mắc lớn nhất về đất làm nhà và quyền sử dụng đất của người dân cần nhanh chóng được tháo gỡ.
Trong lời kêu gọi, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát là chương trình nhân văn sâu sắc, phải được triển khai vớí tinh thần trách nhiệm cao, cảm xúc mạnh mẽ, với tư duy đổi mới, thời gian, trí tuệ và sự quyết tâm, quyết liệt là yếu tố mang tính quyết định của phong trào”.
Người nghèo khát vọng có một ngôi nhà nhỏ, kín trên bền dưới để gia đình trú ngụ, để cụ già, em nhỏ đỡ khổ, để có thể “cất cánh” thoát nghèo thì cả hệ thống chính trị và cả nước cần chung tay, bứt phá, tăng tốc hơn nữa bởi thời điểm này có ý nghĩa lịch sử quan trọng để hàng triệu người dân trong các gia đình có công với cách mạng, người nghèo, người yếu thế có được mái ấm sống an vui, hạnh phúc, ấm no và xã hội giảm nghèo bền vững.